Trường học tan hoang sau cơn bão, phơi bài kiểm tra trước, đổ nát dọn dẹp sau

24/09/2017 07:06
Thùy Linh
(GDVN) - Sau bão, mọi thứ đổ nát thì có thể dọn dẹp sau nhưng bài kiểm tra của học trò nếu không phơi mau thì sẽ bị nhòe và đổ bể hết.

Gần 1 tuần sau cơn bão số 10 (còn gọi là cơn bão Doksuri) đổ bộ vào Quảng Bình, đến nay tuy học sinh đã đến trường học ổn định, nhưng nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ tổ chức cho học sinh học tại cơ sở chính, còn các cơ sở phụ đang trong giai đoạn khắc phục. 

Chúng tôi có dịp được về Quảng Bình để cùng chia sẻ với thầy và trò trường Trung học Phổ thông Quang Trung (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Cơn bão đã đi qua 5 ngày, nhưng cảnh tan hoang nó gây ra thì vẫn còn đó, với mái ngói bị tốc, vỡ cửa kính, khu nội trú của giáo viên như một đống đổ nát. 

Thầy Đỗ Hữu Diên – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung (Quảng Trạch, Quảng Bình) chia sẻ, trường bị hư hỏng từ hệ thống hàng rào, tốc mái ngói…nhưng thiệt hại nặng nề nhất là khu nội trú cho cán bộ giáo viên. (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy Đỗ Hữu Diên – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung (Quảng Trạch, Quảng Bình) chia sẻ, trường bị hư hỏng từ hệ thống hàng rào, tốc mái ngói…nhưng thiệt hại nặng nề nhất là khu nội trú cho cán bộ giáo viên. (Ảnh: Thùy Linh)

Được biết ngay sau cơn bão, địa phương cũng cử lực lượng hỗ trợ nhưng vì hư hỏng quá nhiều hạng mục nên thầy cô chủ động khắc phục trước được cái nào hay cái đó.

Tất cả cùng nhau chuyển ngói để lợp các phòng khác, còn viên ngói nào bị rơi thì dọn dẹp vào một chỗ. 

Trải lòng với chúng tôi, thầy Đỗ Hữu Diên – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường bị hư hỏng từ hệ thống hàng rào, tốc mái ngói…nhưng thiệt hại nặng nề nhất là khu nội trú cho cán bộ giáo viên. 

Tổng thiệt hại của nhà trường ước tính lên tới hơn 5 tỷ đồng", vị Hiệu trưởng ngậm ngùi.

Ấy thế nhưng sau bão, trời nắng to nên tình hình khắc phục sau bão cũng thuận lợi hơn.

Do đó, dù cơn bão đổ bộ vào trưa ngày 15/9 (tức thứ Sáu) nhưng chiều thứ Hai tuần kế tiếp (ngày 18/9), hơn 1.600 học sinh trường Quang Trung có thể đến trường học tập, trường đã khắc phục được sơ bộ hệ thống mái ngói, cây cối. 

Lý do nhà trường vẫn đủ phòng học để hơn 1.600 học trò học tập bởi lẽ trường được thiết kế xây dựng theo kiểu lợp ngói ở trên, có mái trần ở dưới, do đó dù bị tốc mái ngói nhưng phòng học cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. 

Cũng theo lời thầy Hiệu trưởng, nhà giáo viên nào công tác tại trường cũng bị ảnh hưởng: sập hàng rào, tốc mái ngói, mái tôn…thậm chí khiến nhiều giáo viên phải đi ở tạm, mua bạt về che chắn để ở. 

Từng 6 năm công tác tại trường, chứng kiến nhiều cơn bão nhưng theo cô Hiền cơn bão số 10 vừa qua là cơn bão mạnh nhất khiến khu nội trú của giáo viên thành một đống đổ nát (Ảnh: Cô Hiền cung cấp)
Từng 6 năm công tác tại trường, chứng kiến nhiều cơn bão nhưng theo cô Hiền cơn bão số 10 vừa qua là cơn bão mạnh nhất khiến khu nội trú của giáo viên thành một đống đổ nát (Ảnh: Cô Hiền cung cấp)

Dù nhà cửa của mình cũng bị bão số 10 làm cho tan hoang nhưng các thầy cô giáo đều gác việc nhà để cùng nhau sửa chữa lại trường để học trò được tới lớp theo kịp chương trình học. 

Di chuyển đến khu nội trú của giáo viên – nơi thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão vừa qua, bước vào căn phòng của cô giáo đang dạy hợp đồng Trần Thị Thu Hiền – giáo viên môn Ngữ văn dạy khối 10, 11 là chúng tôi được chứng kiến cảnh phòng ở chưa kịp lợp ngói, vôi vữa còn đang ngổn ngang dù đã qua 5 ngày khắc phục.

Bố mẹ cô Hiền hiện đang ở ở thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), nhà cách trường 25km nên khi vào trường giảng dạy được nhà trường tạo điều kiện vì đoạn đường đi lại khó khăn, do đó, cô Hiền được ở nội trú. 

Nhớ lại cơn bão kinh hoàng đổ bộ vào trưa 15/9, cô giáo 29 tuổi ấy vẫn không khỏi nghẹn lời, cô kể trước khi bão về thì giáo viên nội trú được thông báo và toàn bộ giáo viên đã lên phòng học kiên cố nhất của trường để trú bão. 

Từng 6 năm công tác tại trường, chứng kiến nhiều cơn bão nhưng theo cô Hiền đây là cơn bão mạnh nhất mà cô từng thấy. 

Bão qua, mưa tạnh, trở về căn phòng mọi thứ đã tan hoang nào là ti vi, máy tính, tài liệu, giáo án…lúc đó căn phòng chỉ còn lại 4 bức tường và một đống đổ nát. 

Là những người giáo viên tận tâm tận lực với học trò thân yêu nên khi bước vào phòng nhìn cảnh tượng đó, việc làm đầu tiên của các giáo viên là chạy tới mang sách vở, bài kiểm tra của học trò ra phơi bởi những người thầy cô ấy hiểu rằng, mọi thứ đổ nát thì có thể dọn dẹp sau nhưng bài kiểm tra của học trò nếu không phơi mau thì sẽ bị nhòe và đổ bể hết. 

Sau bão, việc làm đầu tiên của các giáo viên là chạy tới mang sách vở, bài kiểm tra của học trò ra phơi (Ảnh cô Hiền cung cấp)
Sau bão, việc làm đầu tiên của các giáo viên là chạy tới mang sách vở, bài kiểm tra của học trò ra phơi (Ảnh cô Hiền cung cấp)

Nói về vấn đề sinh hoạt ăn uống những ngày qua, cô Hiền kể, khi bão đổ bộ hầu hết các giáo viên nội trú phải đi tá túc ở trường, ăn mì tôm cho qua bữa để nhanh chóng khắc phục đồ đạc, ngủ lại ở trường 2 đêm sau đó về ở ghép cùng với giáo viên phòng nào bị thiệt hại nhẹ hơn, đã khắc phục được mái che. 

Được biết, trước đó, mỗi phòng nội trú thường 2-3 giáo viên (đối với những giáo viên chưa có gia đình) còn đối với người có gia đình thì 1 hộ gia đình/phòng nhưng giờ mưa bão chưa khắc phục được phòng thì giáo viên phải ở ghép 5 người/phòng dù đến nay (ngày 21/9) trường vẫn chưa có điện. 

Cô Hiền tâm sự, giáo viên đã soạn giáo án cho tuần học tới nhưng bão về giáo án bị ướt sạch nên trời nắng mang ra phơi, vậy là vẫn đảm bảo tiết dạy. 

Khâm phục ở ý chí của cô giáo hợp đồng, chưa lập gia đình ở tinh thần cố gắng, đầy quyết tâm, cô Hiền cho rằng, đồ đạc hỏng thì dọn dẹp, sửa chữa sau, thiếu thốn thì còn nhiều nhưng rồi cũng sẽ vượt qua, còn việc quan trọng nhất bây giờ là tới lớp dạy học trò. 

Chúng tôi tiếp tục được dừng chân tại trường Mầm non Quảng Phú (Quảng Bình) được nghe cô giáo Lê Thị Minh Thu – Hiệu phó nhà trường chia sẻ:

Đến nay (21/9) hoạt động bán trú tại trường cũng chưa được thực hiện do mái nhà, vật dụng nhà bếp bị hư hỏng sau bão, chưa có điện và hệ thống nước sạch vẫn chưa đảm bảo. 

Do là trường mầm non nên không có thầy giáo, chính vì vậy công việc khắc phục sau bão đều do các cô tự làm và được phụ huynh tới giúp đỡ dọn dẹp cây cối bị đổ, tường rào bị sập, lợp mái ngói, treo lại mái tôn, rửa đồ chơi cho trẻ…

Ngay từ sáng thứ Bảy (trưa thứ Sáu bão đổ bộ), trường đã huy động các cô tới dọn dẹp trường lớp, nhận được sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện từ một số trường đại học trên địa bàn sẵn sàng giúp đỡ nào là lấy xe bò chở đi những thứ đổ nát, cùng nhiều cô giáo đi xách nước (cách khoảng 300m) để rửa đồ chơi, đồ dùng của các em nhỏ như bàn ghế, tủ đựng đồ chơi…

Trường học tan hoang sau cơn bão, phơi bài kiểm tra trước, đổ nát dọn dẹp sau ảnh 5
Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cô và trò trường Mầm non Quảng Phú đã sẵn sàng trở lại trường (Ảnh: Thùy Linh)

Do ảnh hưởng của bão nên hệ thống điện trên địa bàn chưa khắc phục xong, thời điểm chúng tôi tới thì trường vẫn chưa có điện, mỗi lớp học 1 giáo viên dạy, 1 giáo viên đứng quạt cho học trò. 

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cô và trò tại trường Mầm non Quảng Phú đã sẵn sàng trở lại trường, học sinh vui vẻ, các cô nhiệt tình dọn dẹp trường mặc dù nhà cửa của chính các cô còn đang ngổn ngang sau cơn bão. 

Lúc này, mong muốn lớn nhất của các cô giáo mầm non nơi đây là làm sao nhanh chóng khắc phục được đường điện, sớm khắc phục mái nhà bếp bị tốc để học trò được bán trú trở lại, phụ huynh yên tâm gửi con để đi làm. 

Thùy Linh