Vì sao giáo viên không đồng tình, ủng hộ các chủ trương đổi mới giáo dục?

08/08/2016 07:31
Nguyễn Cao
(GDVN) - Việc đổi mới giáo dục sẽ tạo nên nhiều luồng phản ứng trái chiều nhưng chỉ cần điều chỉnh kịp thời, chỉ đạo sâu sát thì việc đổi mới sẽ phát huy thế mạnh.

LTS: Bàn về nguyên nhân các giáo viên và nhà quản lý giáo dục thường có những phản ứng trái chiều khi áp dụng Thông tư 30 và mô hình VNEN, thầy giáo Nguyễn Cao đã có những lý giải của riêng mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Nước ta có hàng ngàn năm bị phương Bắc đô hộ, vì thế mà thời phong kiến nền Giáo dục Việt Nam sử dụng chữ Hán của Trung Quốc, sau này cải biên từ chữ Hán sang chữ Nôm và tồn tại đan cài cả hai loại chữ cho đến những năm đầu của thế kỉ XX.

Khi chữ Quốc ngữ được một số giáo sĩ phương Tây đưa vào nước ta ở thế kỉ XVI thì có rất nhiều người tẩy chay, phản bác.

Phải mất nhiều thế kỉ, mãi đến những năm đầu của thế kỉ XX chữ Quốc ngữ của chúng ta mới được sử dụng thịnh hành như bây giờ.

Đổi mới Giáo dục sao giáo viên không đồng tình? (Ảnh nguồn: nld.com.vn).
Đổi mới Giáo dục sao giáo viên không đồng tình? (Ảnh nguồn: nld.com.vn).

Từ dẫn chứng ở trên cho ta thấy rằng việc thay đổi bất cứ cái gì cũng khó khăn, vất vả nhưng rõ ràng nếu hợp lý, sự thay đổi này sẽ có tác động tích cực hơn cái cũ.

Nền Giáo dục Việt Nam trong những năm qua của chúng ta vẫn quen với cách đào tạo và thi cử theo theo kiểu… phong kiến; vẫn là lối mòn trong tư duy cũ, thầy cô luôn luôn là đúng còn học trò có ý kiến trái chiều là hỗn láo, vô lễ, không “tôn sư trọng đạo”.

Trong lớp học dù năm nào cũng tập huấn đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy nhưng nhìn chung phần lớn giáo viên khi giảng dạy một mình vẫn dùng phương pháp thuyết trình, thầy giảng trò nghe và trò được phép trả lời khi có yêu cầu.

Vì sao giáo viên không đồng tình, ủng hộ các chủ trương đổi mới giáo dục? ảnh 2

Thầy Nguyễn Cao nêu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ nhận học thêm là nhu cầu cần thiết

Trong kiểm tra, thi cử vẫn nặng thói học vẹt, “chữ thầy trả lại cho thầy”, làm theo ý thầy thì điểm cao, làm khác ý thầy thì điểm thấp, thậm chí bị thầy cho là lạc đề (nhất là các môn xã hội) nên phần lớn học sinh của chúng ta chỉ giỏi về lí thuyết, thực hành rất hạn chế.

Trở lại với việc đổi mới của ngành giáo dục trong mấy năm qua, đó là việc thực hiện Thông tư 30 của cấp Tiểu học và mô hình VNEN ở cấp Trung học Cơ sở, gộp kì thi Trung học Phổ thông và Đại học, Cao đẳng lại thành kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Mặc dù còn nhiều bất cập nhưng nhìn chung toàn ngành Giáo dục đang có những bước  đổi mới, nhưng vì sao dư luận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên lại phản đối gay gắt với Thông tư 30 và mô hình dạy học VNEN?

Có lẽ những nguyên nhân sau sẽ lí giải sự chưa thông suốt của một bộ phận lớn giáo viên.

Thứ nhất, Thông tư 30 và mô hình VNEN được triển khai quá cập rập, giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho việc đổi mới; nhất là công tác tư tưởng, tuyên truyền của các cấp lãnh đạo quản lí nhà trường dành cho giáo viên chưa  tốt.

Nhiều Ban giám hiệu chưa nhận thức sâu sắc tinh thần đổi mới nên về triển khai lại tinh thần cho giáo viên còn lúng túng, bị động, chưa giải quyết hết thắc mắc và làm rõ được những ưu điểm trong việc đổi mới.

Vì sao giáo viên không đồng tình, ủng hộ các chủ trương đổi mới giáo dục? ảnh 3

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường

Trong quản lí thì cứng nhắc, dập khuôn, nặng về quản lí hành chính nên cứ bắt giáo viên phải thực hiện hết sổ này đến sổ khác, trong khi tinh thần của Bộ là giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên.

Điều lệ trường học chỉ qui định cho giáo viên vài loại sổ sách nhưng về trường thường phải trên 10 loại.

Thứ hai là việc triển khai tập huấn cho giáo viên còn nhiều bất cập.

Bởi Bộ không thể tập huấn một lúc cho toàn thể giáo viên nên chỉ có thể bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ chuyên viên chuyên ngành cấp Sở.

Sở về báo cáo cho cấp Huyện và thường mỗi Phòng giáo dục chỉ được cử vài Tổ trưởng chuyên môn đi tập huấn, đến khi tập huấn đại trà cho giáo viên thì tinh thần chủ đạo của việc tập huấn đã vơi đi nhiều phần.

Nhiều giáo viên được phân công tập huấn cho giáo viên chỉ đọc lại các file bài giảng được cấp trên đưa về mà không hề mở rộng hay nói thêm được điều gì ngoài bài báo cáo có sẵn thì rõ ràng giáo viên dạy lớp rất khó nắm bắt được những điều cốt lõi của việc đổi mới.

Vì không nắm bắt hết dược tinh thần, nội dung đổi mới nên khi về giảng dạy các giáo viên  gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, từ đó, dẫn đến chán nản và coi việc đổi mới là việc làm khổ ải và không hiệu quả.

Thứ ba là hiện nay có nhiều giáo viên rất bảo thủ, ngại đổi mới, nhất là một số giáo viên đã lớn tuổi, họ muốn giảng dạy theo phương pháp cũ, như sách cũ để khỏi phải làm lại, làm mới mình. Nhiều giáo viên bằng lòng với hiện tại và thường đề cao khả năng của mình nên xem việc đổi mới là chuyện xa vời không cần thiết.

Thứ tư là cơ sở vật chất của chúng ta còn hạn chế, sĩ số lớp học còn đông, nhiều em học sinh được nuông chiều quá lớn nên đến lớp thường xuyên nói chuyện, thầy cô quản không nổi, nói nặng học trò thì bị quy vào tội vi phạm đạo đức nhà giáo nên nhiều giáo viên mặc kệ.

Vì sao giáo viên không đồng tình, ủng hộ các chủ trương đổi mới giáo dục? ảnh 4

6 rào cản khi thực hiện "nâng tầm giáo viên ngang với các nước tiên tiến"

Nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thấu đáo, chưa coi trọng việc học của con em mình nên phần nào cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

Rõ ràng việc đổi mới Giáo dục là cần thiết để phù hợp với giáo dục tiên tiến của thế giới, trong đó vai trò của mỗi giáo viên, cán bộ quản lí rất lớn.

Ngành giáo dục là ngành đào tạo con người nên “sản phẩm” không thể thấy ngay trước mắt được mà phải có thời gian kiểm chứng.

Việc thay đổi phương pháp, cách đánh giá việc học của hàng chục triệu con người tất nhiên sẽ tạo nên nhiều luồng phản ứng trái chiều nhưng từ những phản ứng trái chiều, những bất cập trong việc thực hiện để Bộ Giáo dục điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện và có những chỉ đạo sâu sát thì chắc chắn việc đổi mới kì này sẽ phát huy những thế mạnh.

Và, nếu hiểu đúng, đủ, sâu sát vấn đề, nội dung của Thông tư 30 và mô hình dạy học VNEN thì chúng ta sẽ thấy được rất nhiều những ưu điểm mà và nhân văn.

Việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đã được Trung ương Đảng thể hiện rõ trong Nghị quyết 29 về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ và Bộ Giáo dục cũng đã rất quyết tâm làm.

Việc còn lại là lòng nhiệt huyết của hơn một triệu giáo viên - những người đảm nhận thiên chức cao cả là dạy người.

Mỗi giáo viên là một tấm gương sáng tự học và sáng tạo, cùng chung tay vào công việc chung bằng tất cả tấm lòng và sự cố gắng tận tụy của mình thì chắc chắn nền giáo dục Việt Nam sẽ tiệm cận dần dần với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Nguyễn Cao