Việt Nam cần nghĩ tới việc xuất khẩu chương trình đào tạo ra nước ngoài

29/03/2017 08:58
Thùy Linh
(GDVN) - Thời gian qua, nguyên nhân khiến các hồ sơ không được công nhận chủ yếu là do các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến tháng 10/2016, đang có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

Từ năm 2000 tới tháng 10/2016, có 485 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã và đang thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam (96,7% số lượng chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài).

Ngoài ra, còn có một số cơ sở giáo dục nước ngoài đặt chi nhánh (campus) tại Việt Nam.

Số liệu thống kê lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do nước ngoài cấp từ 2008-2016. (Ảnh lấy từ nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số liệu thống kê lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do nước ngoài cấp từ 2008-2016. (Ảnh lấy từ nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bên cạnh đó, còn có sự gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, đặc biệt là hình thức đào tạo trực tuyến (online education).

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, số lượng văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam tiếp tục tăng mạnh.

Số liệu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố tại Hội thảo Công nhận văn bằng giáo dục đại học ngày 28/3 cho thấy:

Vào năm 2008 - thời điểm quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở nước ngoài cấp có hiệu lực  thì chỉ có 88 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng. Tuy nhiên, đến năm 2016, số lượng hồ sơ là 3.861 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng.

Việt Nam cần nghĩ tới việc xuất khẩu chương trình đào tạo ra nước ngoài ảnh 2

Giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức lớn

(GDVN) - Ngày 21/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”.

Thời điểm bắt đầu có sự gia tăng đột biến là vào năm 2013, khi số lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng tăng gấp 3 lần, từ 622 hồ sơ (2012) lên 1.828 hồ sơ (2013).

Lý giải nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này, ông Vũ Ngọc Hà - chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay:

Do vào năm 2013 các kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng như thông tin từ dư luận về hiện tượng bằng rởm của nước ngoài cấp đã khiến các cơ sở tuyển dụng và tuyển sinh yêu cầu các cá nhân có văn bằng nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng theo quy định.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết, việc công nhận văn bằng của các cá nhân chỉ thuần túy từ yêu cầu của cơ sở tuyển dụng hoặc nhu cầu cá nhân chứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định bắt buộc những người có bằng của nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng.

Theo số liệu thống kê, số hồ sơ công nhận văn bằng chủ yếu là từ loại hình du học toàn phần (60%) và liên kết đào tạo (34%). Trong liên kết đào tạo thì 63% là toàn phần tại Việt Nam, 37% là bán phần.

Các trường có cơ sở, chi nhánh tại Việt Nam chiếm khoảng 4,36% số hồ sơ.

Ông Hà tiết lộ, có tới 95% số hồ sơ (trên tổng số khoảng 14.490 hồ sơ) được công nhận từ năm 2008- 2016. 

Có khoảng 531 hồ sơ thiếu thông tin và 365 hồ sơ không được công nhận.

Nguyên nhân khiến các hồ sơ không được công nhận chủ yếu là do các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả.

Cũng theo ông Hà, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Trung tâm thông tin về công nhận văn bằng để giúp người học có đầy đủ thông tin hơn về các chương trình đào tạo nước ngoài trước khi lựa chọn chương trình hay cơ sở đào tạo.

Muốn được thế giới công nhận bằng đại học thì Việt Nam phải thay đổi chương trình

Liên quan tới vấn đề công nhận văn bằng của các trường Đại học Việt Nam ở các nước trong khu vực và thế giới, Phó giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định đây là câu chuyện mà chúng ta sẽ hướng tới.

"Thông qua hệ thống thông tin, sự lớn mạnh của hệ thống giáo dục đại học hiện nay chúng ta có quyền mơ và phải phấn đấu chúng ta không chỉ tham gia, liên kết chương trình đào tạo và phát triển nhân lực có yếu tố nước ngoài mà các nước cũng liên kết với chúng ta".

Ông Trinh kỳ vọng: "Tới thời điểm nào đó, chúng ta phải nghĩ tới việc xuất khẩu, một hoặc nhiều chương trình đào tạo của ta ra nước ngoài và khu vực".
 
Trong khi đó, theo bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, để có thể công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa các trường đại học Việt Nam và các trường thế giới thì cần phải thay đổi chương trình cho phù hợp.

Bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) (Ảnh: Thùy Linh)
Bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) (Ảnh: Thùy Linh)

"Rất nhiều học sinh Việt Nam, học hết năm thứ nhất sang nước ngoài để học sẵn sàng trừ đi những môn nào học rồi nhưng hầu hết năm thứ nhất của các trường đại học ở Việt Nam đều học các môn không liên quan nhiều lắm tới chuyên môn" - bà Hương cho hay.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bùi Văn Ga cho biết, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là việc công nhận văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát.

Theo ông Ga, mặc dù có những chương trình trực tuyến tốt nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là câu hỏi khó.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hà cho biết, theo quy định hiện nay, các chương trình đào tạo từ xa chỉ được công nhận khi chương trình đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Ông Hà cho rằng, hiện nay, đào tạo từ xa đã được nhiều nước công nhận là xu thế tất yếu song nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận.

Việt Nam đã ký kết Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok vào tháng 12/1983 (Công ước Bangkok 1983). Tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung tại Tokyo (Công ước Tokyo 2011). 

Sau đó, UNESCO Khu vực đã tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam sớm phê chuẩn và thực hiện Công ước Tokyo 2011.
Thùy Linh