LTS: Thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc dạy và học thêm trái phép diễn ra tràn lan như hiện nay, tác giả Nhật Khoa đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn nạn nguy hại này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vấn nạn dạy thêm như một khối u cần phải cắt bỏ, nó làm cản trở sự phát triển tư duy, nhận thức của học sinh, của phụ huynh và là niềm trăn trở của nhiều giáo viên tâm huyết, yêu nghề.
Dạy thêm làm cho giáo viên đứng lớp không chú tâm giảng dạy, không dạy hết mình trên lớp, học thêm sẽ làm người học thiếu tự tin, mất đi tư duy, óc sáng tạo, mất đi sự thông minh…
Sức người, bộ não con người có hạn nhưng giáo viên ép buộc phải học, biết những thứ “viễn vông”, không phù hợp sự phát triển bình thường của trẻ em, học sinh làm cho học sinh, phụ huynh ảo tưởng về kết quả, sức học của học sinh, tàn phá tri thức, tiếp thu của học sinh.
Cần có biện pháp giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm trái phép như hiện nay (Ảnh minh họa: giasubinhduong.org). |
Không chỉ có thế, dạy thêm, học thêm là nguyên nhân chính gây mất đoàn kết trong nhà trường do lôi kéo, giành giật học sinh, học sinh ỷ lại, đạo đức xuống cấp…
Giáo viên vì lợi nhuận, thu nhập của bản thân sẵn sàng dùng mọi biện pháp ép buộc học sinh học thêm có thể về điểm số, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thậm chí thân thể,…để o ép, “gợi ý” học thêm.
Đồng tiền đã làm mờ mắt giáo viên, khi đã có tiền thì xuất hiện lòng tham “vô đáy”, bất chấp mọi thứ để đạt mục đích để có tiền.
Nhiều phụ huynh trong đó có cả phụ huynh là giáo viên vì muốn con yên thân và không bị “đì”, muốn con không thua kém bạn bè đành nhắm mắt cho con đi học mà biết chắc rằng con sẽ không khá hơn là bao.
Để “yên thân”, có phụ huynh sẵn sàng đăng ký học cho con (chủ yếu đóng tiền đầy đủ cho giáo viên) nhưng thực chất đi học là để giáo viên không “đì” con mình.
Dạy thêm, học thêm tràn lan làm mất đi hình ảnh cao quý của người giáo viên trong mắt học sinh, đồng nghiệp và cả phụ huynh học sinh.
Nó làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhìn nhận môi trường giáo dục không phải môi trường lành mạnh, đầy tâm huyết và tình yêu thương mà giáo viên dành hết cho học sinh.
Phải thu hồi tiền, xử lý mạnh tay các giáo viên vi phạm dạy thêm nghiêm trọng |
Phụ huynh không còn quan tâm học sinh đến trường học được gì mà chỉ quan tâm đến năm học này phải chuẩn bị bao nhiêu tiền mỗi tháng để cho con học thêm.
Hiện tại, việc cấp phép dạy thêm được quy định theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và dào tạo và quyết định ban hành quy định dạy thêm, học thêm của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh.
Theo thông tư trên thì giáo viên tiểu học, giáo viên dạy trước chương trình, cắt xén chương trình, hay dạy ngày chủ nhật,…đều vi phạm quy định.
Nhưng tình trạng dạy thêm, nhất là dạy thêm trái quy định ở bậc tiểu học diễn ra hàng ngày, giáo viên bất chấp, coi thường pháp luật dạy thêm trái quy định, công khai…
Tại sao chúng ta có đầy đủ ban bệ như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cao hơn thì có Sở/Phòng giáo dục, thanh tra Sở/Phòng giáo dục, Ủy ban nhân dân - Công an cấp Xã đến Tỉnh, thậm chí cấp Trung ương nhưng tình trạng vi phạm dạy thêm, học thêm ngày càng nhiều hơn, tình trạng o ép ngày càng tinh vi hơn…
Có phải các cấp, các ngành “bất lực” hay không chịu giải quyết vấn nạn trên?
Do đó, tôi xin được điểm qua vài nguyên nhân như sau:
Xử lý vi phạm dạy thêm chưa nghiêm
Giáo viên không thể nào không biết luật, không thể nào không biết dạy thêm như thế nào là trái quy định của pháp luật, nếu không nắm bắt pháp luật hay quy định dạy thêm học thêm chắc chắn không còn xứng đáng đứng trên bục giảng để giảng dạy và giáo dục cho học sinh
Chẳng qua vì lợi nhuận, vì đồng tiền làm mờ mắt, bán rẻ lương tri, làm mất đi nhân cách, đạo đức, mất đi thiên chức làm thầy, luôn muốn trục lợi, vơ vét,…để làm giàu cho bản thân và gia đình mà bất chấp pháp luật, coi thường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền
Qua biết bao nhiêu giải pháp của Bộ giáo dục, qua biết bao bài báo đề nghị xử lý mạnh tay giáo viên vi phạm dạy thêm…nhưng tình trạng dạy thêm trái quy định ngày càng tinh vi hơn, bất chấp hơn.
Chúng ta cứ hô hào phải cấm giáo viên dạy thêm trái phép nhưng giáo viên vẫn cứ vi phạm vì thật ra các cấp các ngành chưa xử lý đến nơi đến chốn giáo viên vi phạm.
Đa số giáo viên vi phạm dạy thêm chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, hoặc tối đa là kỷ luật khiển trách,…những hình thức đó không phát huy tác dụng.
Dạy thêm tràn lan vì có sự tiếp tay của quản lý, thanh tra giáo dục ở cơ sở? |
Sau đó, giáo viên trên vẫn tiếp tục vi phạm vì nguồn lợi quá lớn từ dạy thêm, một số giáo viên có quan niệm “không có cách nào kiếm tiền dễ bằng kiếm từ học sinh của mình đang dạy trên lớp” nên sẵn sàng bỏ ngoài tai những oán trách, những đàm tiếu để tiếp tục dạy thêm trái phép.
Hầu như không có bất kỳ vụ việc vi phạm dạy thêm nào do thanh tra hay do lãnh đạo Sở/Phòng giáo dục phát hiện và đề nghị xử lý, tất cả vi phạm đều do nhân dân hoặc báo chí phản ánh.
Sau khi có phản ánh của nhân dân hoặc báo chí thì cơ quan có trách nhiệm hời hợt, qua loa kiểu “phủi bụi” hoặc “hòa cả làng”…
Để giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm trái quy định chúng ta phải kiên quyết xử lý mạnh tay, dứt điểm tình trạng dạy thêm trái quy định theo một số cách sau:
Thứ nhất, Thông tư 17 của Bộ giáo dục chỉ là thông tư của ngành, nên tình trạng giáo viên vi phạm thì thanh tra Sở/Phòng giáo dục kiểm tra, xử lý là không kịp thời, nghiêm minh..
Tôi đề nghị phải có thông tư liên ngành của Bộ giáo dục – Bộ Nội vụ - Bộ Công an ban hanh đầy đủ quy định về dạy thêm, học thêm giao cho các ban ngành từ Sở/Phòng nội vụ, giáo dục, bên cạnh đó Công an các cấp cùng vào cuộc xử lý giáo viên vi phạm dạy thêm.
Đã đến lúc nói không với dạy thêm trái phép, dù có đau, dù không muốn bất kỳ giáo viên nào bị nghỉ, thôi việc nhưng đã đến lúc phải chặt đi những ung nhọt, những cành cây hư, thối,…để trả lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh.
Thứ hai, không thể chấp nhận là giáo viên mà dạy trái quy định.
Giáo viên là những người dạy chữ, dạy người, đạo đức nên không thể để tồn tại những con người bất chấp pháp luật để dạy thêm trái quy định.
Phải kiên quyết loại ra khỏi ngành những “con sâu” đó, chỉ cần một lần vi phạm là chuyển ra khỏi ngành, ngành giáo dục có đặc thù của nó không thể tồn tại những con người vì đồng tiền mà sẳn sàng bất chấp, coi thường pháp luật. Nếu giáo viên đã vi phạm thì cũng không còn đủ tư cách “làm thầy”.
Thứ ba, nếu cần thiết bổ sung tội vi phạm dạy thêm vào luật hình sự.
Giáo viên đã bất chấp trục lợi, nhận nguồn tiền dạy thêm trái quy định đó họ coi thường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp.
Địa phương quản lý lỏng lẻo, làm sao mà dẹp được dạy thêm trái phép? |
Có thể quy định tội dạy thêm trái phép, thu tiền trái phép vào Luật hình sự như tội tham ô hoặc tham nhũng (lợi dụng sự ảnh hưởng để tư lợi trái pháp luật) để có căn cứ xử lý triệt để nạn dạy thêm trái phép.
Cấp phép dạy thêm dễ dãi, tệ nạn…hậu quả lớn
Việc các cơ quan có thẩm quyền cấp phép dạy thêm của Sở/Phòng giáo dục dễ dãi, tệ nạn,…nên làm tăng thêm tình trạng dạy thêm trái phép tràn lan, không thể kiểm soát.
Hiện nay, theo Thông tư 17 của Bộ giáo dục chỉ quy định cấp phép cho giáo viên đủ sức khỏe, có đủ điều kiện cơ sở vật chất,…là đủ điều kiện dạy thêm nên hầu như 100% giáo viên làm đơn xin phép dạy thêm đều được cấp phép mà không cần biết giáo viên đó đã dạy bao nhiêu năm, có đủ uy tín, đạo đức, trách nhiệm với học sinh học thêm và học sinh chính khóa hay không.
Chính việc cấp phép quá dễ dãi nên khi đã có phép, giáo viên ngang nhiên “tung hoành”, tìm mọi biện pháp để o ép học thêm, thậm chí liên kết các môn khác nhau để dạy thêm thu tiền.
Giáo viên không cố gắng dạy trên lớp, không rèn luyện, tu dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ,…hay tham gia các hoạt động phong trào mà chỉ tập trung vào dạy thêm thu tiền.
Trong khi chờ đợi những sự thay đổi từ kỳ thi giáo viên giỏi thì tạm thời chỉ cấp phép dạy thêm cho giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Huyện trở lên (đối với trường trung học cơ sở), cấp trường trở lên (đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở)
Hay có bồi dưỡng đạt học sinh giỏi cấp Huyện trở lên trong 5 năm gần nhất bỏ qua những hạn chế, bất cập thì ít nhất thông qua các kỳ thi giáo viên giỏi (danh hiệu chiến sĩ thi đua), hay bồi dưỡng đạt học sinh giỏi cũng là sự nỗ lực, phấn đấu hay rèn luyện tay nghề, kiến thức pháp luật.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy chung trường là người nắm rõ nhất giáo viên dạy thêm đó có tiêu cực hay không, nên khi giáo viên xin phép dạy thêm, hãy để toàn thể giáo viên trong trường bỏ phiếu kín việc có cho phép dạy thêm hay không, khi đủ điều kiện và nếu có trên 50% giáo viên đồng ý thì tiến hành cấp phép.
Nếu giáo viên nào có bất kỳ vi phạm thì lập tức rút giấy phép ít nhất trong vòng 5 năm. Đó cũng là cách giáo viên dạy thêm tự soi rọi lại mình.
Cho thôi việc, xử lý hình sự, siết chặt cấp phép dạy thêm là một trong những biện pháp mạnh tay để dẹp bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái quy định pháp luật lấy lại uy tín, thanh danh của ngành, của giáo viên.