Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 và các tàu chiến, máy bay quân sự cùng các loại tàu khác đang xâm lược vùng biển của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế |
Bài báo cho rằng, "nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam có vai trò ảnh hưởng không thể coi thường ở khu vực Đông Nam Á và môi trường biên giới yên bình khó có được giữa Việt Nam và Trung Quốc", đồng thời tiếp tục xuyên tạc, đổi lỗi trắng trợn, biện minh cho những hành động bất chính của TQ nói rằng: "vì vậy (Trung Quốc) đã giữ kiềm chế rất lớn”, “mở một mắt, nhắm một mắt” trước việc Việt Nam “cướp tài nguyên ở Biển Đông”".
Báo này nhận định: "Điều đáng chú ý là, thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc hầu như là “ngầm hiểu”, giữ thái độ “kín tiếng” ở Biển Đông, chỉ tập trung cho việc khai thác dầu khí của mình. “Chỉ cần Trung Quốc không lên tiếng, Việt Nam cũng không làm ầm lên, để cho Philippines gây sóng gió ở Biển Đông”".
Tuy nhiên, bài báo xuyên tạc cho rằng, xu thế này phát triển lâu dài sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn cho hiệu quả “bảo vệ chủ quyền Biển Đông” của Trung Quốc. Vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc chủ trương phải xoay chuyển cục diện bị động “gác lại tranh chấp, nước khác khai thác” ở Biển Đông.
Ngày 9 tháng 5 năm 2012, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan nước sâu đầu tiên HD-981 ở Biển Đông, từng bước tăng cường yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) đối với Biển Đông bằng hành động thực tế.
Trung Quốc đã dùng vũ lực (tàu chiến, máy bay quân sự) cho công cuộc xâm lược vùng biển của Việt Nam |
Bài báo xuyên tạc đánh lừa dư luận cho rằng, bước vào năm 2014, Philippines đi đầu gây sóng gió, tình hình Biển Đông liên tục nổi sóng. Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Obama càng càng đem thêm hy vọng cho các nước Đông Nam Á, nhất là khi có nhà phân tích phỏng đoán Mỹ có thể chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Âu.
Bài báo giở giọng cho rằng, do Mỹ tiến hành “cam kết an ninh”, Philippines dám bắt 11 ngư dân Trung Quốc, tương tự, Việt Nam “làm ầm lên” lên việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Theo bài báo, đối với Việt Nam, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này là một bước đi đòi yêu sách chủ quyền bằng hành động thực tế. Nếu để cho giàn khoan này hiện diện, Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng về lợi ích tài nguyên dầu khí, an ninh quốc gia bởi vì Trung Quốc có thực lực công nghệ, vốn lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Do đó, Việt Nam coi giàn khoan này là cái gai trong mắt, muốn nhanh chóng nhổ nó đi.
Theo bài báo, lần này, Việt Nam muốn mở rộng dư luận về “tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” với Trung Quốc, một mặt để nâng cao mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế, thông qua dư luận quốc tế gây sức ép với Trung Quốc; mặt khác, Việt Nam muốn gây sức ép, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ (thực chất là TQ phải chấp hành luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam).
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam |
Báo Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cũng sẽ “không nhượng bộ”. Nếu Trung Quốc thỏa hiệp, tất cả những hoạt động “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông trước đây đều sẽ đối mặt với nguy cơ bị phủ định. Khi lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, Trung Quốc còn đối mặt với sức ép lớn hơn, nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp để làm.
Trong tình hình hai bên không nhượng bộ, tình hình sẽ xuất hiện trạng thái giằng co, mặc dù giữa Việt Nam và Trung Quốc có cơ chế trao đổi an ninh trên biển. Cuộc chiến vòi rồng, khẩu chiến và cuộc chiến pháp lý sẽ kéo dài thời gian “tranh chấp lãnh thổ lãnh hải” giữa hai bên. Một cuộc chiến “tranh chấp biển” lâu dài mới đã nổ ra giữa Việt-Trung, chỉ có điều chưa đến mức nổ ra xung đột vũ lực.
Như vậy, bài báo này rõ ràng đang tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 là “vùng biển tranh chấp" và "của TQ".
Trên thực tế, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 hiện nay chính là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã và đang dùng vũ lực để xâm lược vùng biển này, có ý đồ nham hiểm là biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, biến vùng biển của Việt Nam thành vùng biển của Trung Quốc. Điều này là bất hợp pháp và bá đạo, bá quyền, chẳng khác nào “chủ nghĩa thực dân mới”, thậm chí là “cướp biển”.
Trung Quốc đang tìm mọi cách biến vùng biển của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp |