TQ muốn Việt Nam, Mỹ, Philippines dần quen với hành động bành trướng?

25/11/2014 09:32
Đông Bình
(GDVN) - Dư luận cho rằng, Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành lãnh hải, muốn các đối thủ quen dần với hành động này, đánh vào điểm yếu của Mỹ ở Biển Đông.

Mỹ theo dõi chặt hoạt động của tàu nạo vét Trung Quốc trên Biển Đông

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 11 đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ và châu Á đang theo dõi chặt chẽ động thái của tàu nạo vét cỡ lớn Thiên Kình của Trung Quốc, hoạt động "xây đảo" bất hợp pháp của tàu này ở Biển Đông đang làm thay đổi khu vực này.

Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Tàu Thiên Kình do Công ty TNHH China Merchants (Thâm Quyến) chế tạo, khởi công vào ngày 28 tháng 4 năm 2008, thời gian chế tạo 21 tháng.

Theo BBC Anh, Mỹ thúc giục Trung Quốc chấm dứt lấn biển, xây dựng sân bay ở đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (hoạt động này của Trung Quốc là bất hợp pháp).

Trước đó, Cục trưởng Cục an ninh quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ ngày 15 tháng 10 cho rằng, công trình của Trung Quốc ở một số đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa do đích thân ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc quyết định, Trung Quốc đã có "quy hoạch chiến lược toàn diện" đối với khu vực này.

Theo bài báo, công suất, năng lực nạo vét của tàu Thiên Kình đứng thứ nhất châu Á, thứ ba thế giới. Tàu này dài 127,5 m, rộng 23 m, mớn nước 5,5 m, đào sâu tối đa - 30 m, trang bị nhiều loại thiết bị nạo vét tiên tiến nhất trên quốc tế hiện nay, năng lực sản xuất 4.500 m3/h, đứng đầu châu Á.

Báo Trung Quốc nghĩ rằng, tháng 7 năm 2014, Mỹ chủ trương các bên đều chấm dứt áp dụng các hành động gây tranh chấp như xây dựng ở Biển Đông, mục tiêu thực sự là “đơn phương kiềm chế Trung quốc”. Báo Trung Quốc "tị" là Việt Nam và Philippines đã sớm xây dựng và di dân ra các đảo.

Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Bài báo tiếp tục giọng điệu tìm cách để Mỹ và các nước ngoài khu vực không can thiệp vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng ở đá Chữ Thập sẽ không bị ảnh hưởng bởi thái độ của Mỹ.

Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng một hòn đảo dài khoảng 3.000 m, rộng 200 - 300 m.

Muốn Việt Nam, Philippines và Mỹ dần quen với hành động bành trướng

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" cùng ngày còn có một bài viết khác liên quan tiếp tục cho rằng, việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng lấn biển, xây đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập có mục tiêu là "đơn phương kiềm chế Trung Quốc".

Trung Quốc những năm gần đây "đã có năng lực" tiến hành xây dựng đảo đá ở Biển Đông, bắt đầu tiến hành vài dự án (bất hợp pháp) thì bị các bên yêu cầu "dừng", bài báo lu loa, cho đây là "đánh hội đồng" điển hình.

Theo bài báo, Mỹ không phải là nước ven Biển Đông, Trung Quốc "không ủng hộ bất cứ quốc gia ngoài khu vực nào phát huy vai trò trong vấn đề Biển Đông". Trong tình hình này, Mỹ "có ý đồ riêng" càng không được Trung Quốc hoan nghênh. Việc Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập sẽ không bị ảnh hưởng bởi thái độ của Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên tờ "Jane's Defense Weekly" Anh (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Bài báo lại tiếp tục dùng giọng điệu xuyên tạc gọi đá Chữ Thập (của Việt Nam) là "lãnh thổ Trung Quốc" và đang nằm dưới sự "kiểm soát thực tế" của Trung Quốc, do đó, Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đá Chữa Thập như thế nào là việc "thuộc phạm vi chủ quyền" của Trung Quốc.

Bất chấp chủ quyền của Việt Nam, luật pháp quốc tế và cảm giác an ninh của các nước ven Biển Đông cũng như các nước có liên quan, bài báo lên giọng đe dọa cho rằng, hành động lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc không thể tránh khỏi Việt Nam và Philippines sẽ có nhiều phỏng đoán, nhưng họ "cần kiềm chế thái độ và sức tưởng tượng của mình".

Báo Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng (bất hợp pháp) đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa đã thể hiện năng lực công trình khác thường của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, những công trình này của Trung Quốc đang “tránh đụng độ trực tiếp” với Việt Nam và Philippines, từ đó đã “tránh xung đột trực tiếp” (?).

Theo bài báo, tín hiệu mà Trung Quốc đưa ra là, Trung Quốc rất "quý trọng" hòa bình của Biển Đông (nên xây dựng đảo nhân tạo ở đá ngầm của Việt Nam?). Trung Quốc sẽ không chủ động sử dụng sức mạnh quân sự cướp đảo đá với Việt Nam, Philippines (?), mặc dù Trung Quốc là bên có sức mạnh quân sự chiếm ưu thế lớn ở khu vực Biển Đông.

Bài báo ngang nhiên cho rằng, nếu Việt Nam và Philippines có cho là Trung Quốc đang làm "quá mức" thì chỉ có thể để cho tranh chấp này nổi lên một khoảng thời gian, rồi "họ sẽ dần dần quen". Bài báo cũng hy vọng Mỹ sẽ "có thể dần dần quen" với việc Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều ở trên Biển Đông, với việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa (một cách bất hợp pháp).

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Bài báo cho rằng, việc tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông thị uy vẫn chưa bị "Trung Quốc công khai yêu cầu rút đi", máy bay trinh sát Mỹ không ngừng "bay sát lãnh hải Trung Quốc là hành động quá mức hơn".

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng chỉ trích là "thể hiện thái độ" nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông, "thái độ cần có duy nhất của Trung Quốc chính là không để ý".

Theo bài báo, "chính sách Biển Đông của Trung Quốc sẽ không rời khỏi chủ nghĩa hiện thực. Nhưng muốn Mỹ duy trì đầy đủ bình tĩnh và khả năng cân nhắc khi đứng trước nhân tố Trung Quốc ở Biển Đông", điều này đều sẽ gây ảnh hưởng tới quyết tâm của hai nước và năng lực thực tế trong triển khai lực lượng. Bài báo đe dọa, Biển Đông thực sự không phải là biển Caribbe, Mỹ không phải "muốn làm gì thì làm".

Mưu đồ "biến Biển Đông thành lãnh hải"

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc phổ biến dẫn tờ "Sankei shimbun" Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo cỡ lớn ở Biển Đông tương đương với gấp rút xây dựng (bất hợp pháp) cứ điểm quân sự "tàu sân bay không chìm".

Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh giác với hành động của Trung Quốc bởi vì điều này được coi là một mắt xích trong chiến lược “chống tiếp cận khu vực” của Trung Quốc nhằm chống lại Quân đội Mỹ.

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Bài báo cho rằng, Trung Quốc xây dựng công trình quân sự ở bãi cạn Scarborough cũng chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc gia tăng mở rộng (bất hợp pháp) cứ điểm quân sự ở Trường Sa là để bảo đảm năng lực tác chiến tầm xa từ lãnh thổ Trung Quốc đến Biển Đông.

Trung Quốc đang tìm cách biến đá Chữ Thập và đá Vành Khăn (của Việt Nam) thành 2 "tàu sân bay", bước tiếp theo của Trung Quốc là "muốn biến Biển Đông thành lãnh hải của họ".

Theo báo Nhật, hiện nay đã có khả năng Trung Quốc tuyên bố cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông". Trong tương lai, cùng với việc tuyên bố vùng nhận dạng này, các đảo nhân tạo đang được Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) sẽ có đường băng, triển khai radar đối không, sau đó, Hải cảnh và Quân đội Trung Quốc sẽ triển khai máy bay, xác lập "mọi quyền" của Trung Quốc đối với toàn bộ các vùng biển ở Biển Đông.

Đối với vấn đề này, học giả vấn đề biển của Trung Quốc, Lưu Phong cho rằng, Trung Quốc mở rộng (bất hợp pháp) đá Chữ Thập thực sự là có quy mô, nhưng chủ yếu là nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản bố trí (bất hợp pháp) nhân viên trên đảo (?).

Lưu Phong coi quan điểm của dư luận Nhật Bản nêu trên là "rõ ràng có một số phô trương" (?).

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Trên thực tế, Trung Quốc đã lộ rõ mưu đồ “biến Biển Đông thành lãnh hải” của họ khi luôn tuyên bố "có chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng biển xung quanh ở Biển Đông", thậm chí ngang nhiên mời thầu dầu khí, hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua... Trung Quốc mãi chưa giải thích về “đường lưỡi bò” vẽ bậy, nhưng chính hành động của họ đã thể hiện mưu đồ trên - PV.

Theo Lưu Phong, do có cân nhắc đến tư cách cái gọi là "nước lớn", Trung Quốc tìm cách xây dựng (bất hợp pháp) các công trình như “cơ sở tìm kiếm cứu nạn quốc tế” ở đá Chữ Thập (- luận điệu này là ngụy biện và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam), điều kiện trước đó của đá Chữ Thập cũng hoàn toàn không đầy đủ.

Lưu Phong còn có luận điệu cho rằng, Philippines, Việt Nam đã tiến hành xây dựng đảo đá trước ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), còn Trung Quốc là "người đi sau" tiến hành lấn biển, xây đảo (bất hợp pháp) ở các đá ngầm Trường Sa (những đá ngầm đã xâm lược của Việt Nam). Theo đó, bài báo nghĩ rằng, báo chí nước ngoài chỉ trích Trung Quốc "rõ ràng hoàn toàn không có đạo lý".

Trung Quốc luôn nghĩ mình là “người đi sau”, tức không khiêu khích trước, luôn lu loa rằng “ta là kẻ mạnh, nên kẻ yếu luôn bắt nạt” như vậy đấy. Đây chỉ là lý sự cùn của những kẻ có âm mưu không mấy tốt đẹp.

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Trực tiếp đánh vào điểm yếu của Mỹ?

Tờ "Đa chiều" tiếng Trung ngày 23 tháng 11 đăng bài viết "Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc thay đổi, xây đảo đóng quân trực tiếp đánh vào điểm yếu của Mỹ".

Theo bài viết, Chính phủ Trung Quốc vừa công bố "Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng" (2014-2020) cho thấy, trong 6 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng “một mỏ dầu lớn lớp 10 triệu tấn” ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất xây dựng mỏ dầu lớn ở Biển Đông, là “động thái mang tính chiến lược để làm xoay chuyển cục diện”.

Cùng với việc khai thác dầu mỏ, kế hoạch "xây đảo, đóng quân" (bất hợp pháp) của Trung Quốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ cuối năm 2013 đến nay, Trung Quốc không ngừng đẩy nhanh hoạt động lấn biển (bất hợp pháp) ở các đảo trên Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam), diện tích đảo thi công (bất hợp pháp) cũng nhanh chóng mở rộng.

Những hình ảnh vệ tinh ngày 17 tháng 11 cho thấy, diện tích khu vực lấn biển đá Chữ Thập đã trên 1,3 km2, kết cấu khu vực lấn biển (bất hợp pháp) này rất giống đường băng sân bay.

Cứ như Trung Quốc đã có chủ quyền thực sự ở Biển Đông thông qua dùng vũ lực xâm lược (1974, 1988...), bài báo cho rằng, từ lâu, do cân nhắc về quan hệ chính trị và ngoại giao, Trung Quốc chưa tiến hành khai thác dầu khí nước sâu ở Biển Đông, trái lại, các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam lần lượt "lấn biển, xây đảo", xây dựng sân bay, mời thầu dầu khí ở Biển Đông.

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Bài báo cho rằng, đề nghị "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" ở Biển Đông của Trung Quốc đã trở thành vô nghĩa. Từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã "tiến công trên thế mạnh, đã làm xoay chuyển triệt để trạng thái bị động trong vấn đề Biển Đông" cả về khai thác dầu, xây đảo và tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Bài báo điểm lại một số hành động của Mỹ trên Biển Đông như yêu cầu bảo đảm tự do hàng hải vào năm 2009, ép Trung Quốc giải thích "đường chín đoạn" vào đầu năm 2014, đề xuất phương án Biển Đông yêu cầu các bên kiềm chế vào tháng 8 năm 2014 và thúc giục Trung Quốc chấm dứt xây đảo (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập vào ngày 21 tháng 11 năm 2014... Theo đó, bài báo nghĩ là, khả năng lựa chọn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông ngày càng ít và Mỹ ngày càng "bị động".

Theo bài báo, sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippines, Việt Nam đã gây phiền phức cho Trung Quốc, nhưng cũng "đã cung cấp cơ hội tốt" cho Trung Quốc tận dụng "tấn công" như: Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough, triển khai hoạt động "tuần tra thường xuyên" của tàu hải cảnh và Quân đội Trung Quốc "lấn biển, xây đảo, xây sân bay" bất hợp pháp ở Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngoài ra, Trung Quốc còn lên tiếng phản đối vô lý nước khác khai thác dầu, thậm chí điều giàn khoan nước sâu đến Biển Đông khai thác dầu...

Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)
Đá Chữ Thập (nguồn news.163.com)

Bài báo cho rằng, đối với Trung Quốc, Biển Đông vừa là khu vực trọng yếu chiến lược quân sự, vừa là khu tập trung tài nguyên dầu khí và nghề cá. Những hành động (bất hợp pháp) như hạ đặt giàn khoan ở "Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), "lấn biển, xây đảo" ở đá Chữ Thập , khuyến khích ngư dân đi Trường Sa của VN bắt cá... đều không phải nhất thời, mà đã được Trung Quốc "sớm triển khai". Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc từng bước được thúc đẩy theo kế hoạch.

Sau khi Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chiến lược "xây dựng cường quốc biển", năm 2013, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức “học tập thể” về chiến lược biển, ông Tập Cận Bình coi xây dựng cường quốc biển là kế hoạch quan trọng của Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường đến thăm Hy Lạp vào tháng 6 năm 2014 cũng đã trình bày toàn diện quan niệm biển của Trung Quốc.

Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam vào tháng 5 năm 2014, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Phòng Phong Huy cũng đến Mỹ và ngang ngược cho rằng "giếng khoan Tây Sa (Hoàng Sa) nhất định phải đào được", "đất của lão tổ để lại, một tấc cũng không thể mất".

Những điều này đã phản ánh, "xây dựng cường quốc biển" là mục tiêu đã xác định của Trung Quốc.

Có điều, lão tổ Trung Quốc làm gì có để lại lãnh thổ cho Trung Quốc ở dưới đảo Hải Nam mà ông Phòng Phong Huy lại cố ý nhận lãnh thổ của người khác làm của mình như vậy - PV...

Đá Chữ Thập có dáng dấp đường băng sân bay (nguồn báo Đa chiều của người Hoa hải ngoại)
Đá Chữ Thập có dáng dấp đường băng sân bay (nguồn báo Đa chiều của người Hoa hải ngoại)

Căn cứ hải quân Trung-Nga mở rộng tới Biển Đông

Liên quan đến Biển Đông, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 11 có bài viết phân tích, Nga và Trung Quốc không ngừng xích lại gần nhau, có thể liên minh đối phó Mỹ.

Dẫn tờ "Thời báo Washington", bài viết cho rằng, thách thức lớn nhất đối với thực lực và vị thế lãnh đạo của Mỹ trong 25 năm tới hoàn toàn không phải đến từ Trung Đông, mà là hai "nước lớn theo chủ nghĩa xét lại" Trung-Nga quyết tâm muốn “phá hoại” các yếu tố quan trọng của trật tự quốc tế hiện có, như biên giới quốc gia và hợp tác an ninh lâu dài. Nếu không ứng phó “mối đe dọa” này, thế giới rất có thể tiếp tục phân thành hai phe, rủi ro xung đột giữa các nước lớn cũng sẽ tiếp tục tồn tại.

Theo bài viết, do ảnh hưởng tổng hợp bởi "kiêu ngạo, tự đại" và "ân oán lịch sử", "Trung Quốc và Nga đều đang vẽ lại bản đồ khu vực, vừa cướp lấy lãnh thổ mới, vừa tính toán áp dụng các hành vi dọa nạt và vũ lực để ăn hiếp láng giềng".

Tờ "Business Insider" Mỹ ngày 21 tháng 11 cho rằng "Liên minh quân sự Trung-Nga có lẽ hoàn toàn không gượng ép như rất nhiều người nghĩ", Trung-Nga đang có kế hoạch tiến hành tập trận chung trên biển quy mô lớn ở Địa Trung Hải và Thái Bình Dương trong năm 2015, hợp tác kinh tế chính trị giữa hai nước lớn này cũng đang không ngừng đi vào chiều sâu, hầu như đang thúc đẩy quan điểm thành lập liên minh quân sự.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng căn cứ hải, không quân ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng căn cứ hải, không quân ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Giữa Trung-Nga còn lâu mới đạt được mức "NATO phương đông" như một số nhà phân tích dự đoán, nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển nhảy vọt. Chỉ trong vài tháng qua, hai nước đã ký kết thỏa thuận năng lượng tổng trị giá gần 1.000 tỷ USD.

Nga hầu như đang chuẩn bị tiến hành đối đầu lâu dài với phương Tây, Trung Quốc thì đang bận rộn ứng phó với "tranh chấp chủ quyền lãnh thổ" với các đồng minh của Mỹ. Trong tình hình này, quan chức Nga bắt đầu đề xuất ý tưởng xây dựng liên minh an ninh với Trung Quốc.

Một khi Trung-Nga thực sự xây dựng đồng minh quân sự, chắc chắn sẽ trở thành lực lượng chủ đạo của đại lục Âu-Á, căn cứ hải quân của họ sẽ có thể từ biển Baltic kéo dài đến Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương và Biển Đông. Vũ khí mũi nhọn của Nga kết hợp với dân số khổng lồ và cơ sở công nghiệp của Trung Quốc sẽ hình thành ông trùm quân sự tương đương với NATO.

Đông Bình