GS Đặng Hùng Võ: Tôi vẫn vui vẻ nếu con mình là công nhân!

20/07/2011 07:06
Điều quan trọng là phải phát hiện được con mình có năng lực gì? Tôi nghĩ việc này không khó nhưng mất nhiều thời gian.

Điều quan trọng là phải phát hiện được con mình có năng lực gì? Đối với trẻ con, năng lực của chúng bộc lộ nhanh, chỉ khoảng hết cấp 2 đã có thể kết luận được con mình có thể đi theo hướng nào. Và tùy thuộc vào mong muốn của con. Nhưng bố mẹ phải giúp con hiểu và giáo dục cho con từ bé rằng nghề nào cũng là lao động chân chính, cũng có thể làm giàu và trở thành tinh hoa.

{iarelatednews articleid='268'}

Thưa GS, khi là một người thầy, tiếp xúc nhiều với sinh viên, ông thấy sự lựa chọn nghề nghiệp đã đủ chín chắn chưa?

Tôi thấy, phần lớn do bố mẹ tư vấn. Số biết tự mình lựa chọn, tôi cho chỉ chiếm khoảng 15-20%, như thế đã là nhiều. Còn lại chọn vào trường dễ đậu, ra trường xin việc đỡ mất nhiều tiền. Lúc đó các em thường hay nghe người lớn "xui".

Tại sao nhiều bạn trẻ lại phụ thuộc vào ý kiến bên ngoài như thế?

Con đường học vấn hiện nay vẫn chưa được khuyến khích. Một lịch sử tạo nên người Việt Nam đúng là ham học nhưng chỉ ham học một cách viển vông nhiều hơn là học để làm ra được một cái gì như của cải vật chất hay một phát minh thực sự. Bằng phát minh của Việt Nam rất ít nhưng học mang tính tụng niệm, trau chuốt chữ nghĩa nhiều hơn.

Hơn nữa, hiện nay thành quả của học vấn chưa có gì để khuyến khích, tôn vinh. Người ta chỉ thấy học được thì sau này đỡ khổ hơn là không học. Tập quán cũ học ra để làm quan rồi cả họ được nhờ, thế là ngồi mát ăn bát vàng. . Tư duy lệch lạc làm hỏng mục đích thực sự của việc học. Ngay ở những nước như Thái Lan, Indonexia, lượng bằng phát minh của những người học hành nhiều lắm, đăng ký được bản quyền cái này cái kia. Đấy là kết quả của học tập.

Ở ta, thực sự mà nói ngoài một số đề  tài làm rất viển vông của các nhà nghiên cứu khoa học thì chẳng làm ra được cái gì khác nữa.

Nếu vậy trường học cần điều chỉnh để các bạn hiểu mục đích thực tế của việc học là gì?

Chắc chắn là như vậy. Cái này rất nhiều người nói chứ không chỉ tôi. Nhiều học giả đã kêu gào là cải cách giáo dục Việt Nam đã đi sai hướng rất nhiều lần. Trong khi chúng ta cần thay đổi tư duy của trẻ em khi bắt đầu đi học thì ngay mục tiêu của trường học đã cần thay đổi. Nhưng ta đi vào cải cách chữ viết, đánh vần...đều mang tính hình thức.

Vấn đề thi cử chẳng hạn. Chúng ta cải cách cũng được nhiều. Nhưng tư duy về bộ đề vẫn chiếm vị trí chủ đạo của thi cử. Có từng bộ đề, chẳng hạn Văn bình luận về Truyện Kiều thì phải có từng này ý thì làm sao tư duy về học tập phát triển được.

Đáp án chuẩn cho một môn khoa học xã hội là rất buồn cười. Đã là khoa học xã hội tức là để giải phóng tư duy cho ngườ làm bài. Để họ tư duy làm sao cho đúng chủ đề đó chứ không phải chủ đề đó phải có từng này ý. Dạng thức bài ra cũng bị bó buộc.

Đấy là sai lầm của bộ đề. Đáng lẽ phải giải phóng cho học tìm cách tư duy để giải bài toán này chứ không phải khuôn lại một số loại bài toán. Nó  bắt cái học tập của người  ta phải vào khuôn mẫu, thế thì bao nhiêu khuôn mẫu cho vừa với khối lượng tri thức bùng phát như hiện nay. Đó không phải mục tiêu của giáo dục.

Dạy một số phương pháp tư duy thì người ta đã có thể dùng nó để giải quyết tất cả mọi việc

GS Đặng Hùng Võ
GS Đặng Hùng Võ

Mọi người vẫn lao vào ĐH bằng mọi giá nhưng để nhận thức rõ ràng và chủ động cho cuộc đời mình sau này sẽ làm gì với nó thì hầu như vẫn mù mờ? Rồi lại cố gắng để vào ĐH, CĐ chứ trường nghề thì cũng không mặn mà, thậm chí không đáng giá gì?

Theo tôi, vẫn chỉ vì ai cũng nghĩ đi học ĐH thì sau này đời nó nhàn! Cứ vào đã rồi tính. Đồng thời, cái tính "sĩ" của người Việt Nam rất lớn. Về khoe với họ hàng cháu tốt nghiệp ĐH này nọ thì oách hơn là cháu đang là công nhân lành nghề.

Phải chăng điều này liên quan đến việc một công nhân lành nghề thì thu nhập không bằng một viên chức bình thường?

Đúng quá! Sự thực đồng lương của Việt Nam chưa trả theo thành quả thực của lao động. Công việc ấy thì được lương từng ấy. Vì thế, hiện nay tôi cho rằng những người giỏi của Công nghệ thông tin không làm cho cơ quan nhà nước. Với lao động của CNTT thì thành quả họ đạt được cao hơn. Nếu anh giỏi, có thể anh làm ra phần mềm đã tiết kiệm dược bao nhiêu.

Thang bậc tính giá trị của CNTT khác. Nhưng đối với người đi làm nà nước từng ấy thời gian xếp vào bậc ấy thì từng ấy lương, không có gì vượt qua để thấy anh làm ra của cải vật chất nhiều hơn thì cho anh lương nhiều hơn. Một sự cào bằng, một cái gì tưởng là công bằng nhưng nó lại rất bất công. Công bằng với nghĩa là đếm đầu người nhưng bất công với nghĩa là đếm đầu sản phẩm.

Thực tế, có nhiều người đi học trung cấp, tốn 2,3 năm trời và về cái bằng bỏ đi, trong khi chỉ cần 6 tháng hay một năm học nghề, người đó đã có một cái nghề trong tay. Vậy phải có sự đánh giá như thế nào về lao động và thay đổi suy nghĩ của bạn trẻ?

Có những người có năng lực về nghề rất tốt. Họ sẽ đạt được một cái mức độ tinh xảo của nghề. Chính vì vậy, thang bậc trả lương đang bất hợp lý làm cho những người công nhân lành nghề có thể rất tinh thông nhưng đồng lương vẫn thế thôi. Nó không tôn vinh được những người sắc sảo.

Chính vì vậy, người ta vẫn quay lại cái gì đó  rất "sĩ" của con người. Vì mình vẫn đưa ra tôn vinh con người gắn với bằng cấp mà không tôn vinh được cái thực tài của con người.

Vậy nếu sau này con ông không trở thành một kỹ sư, một nhà khoa học, mà là một công nhân lành nghề, ông vẫn vui lòng?

Tôi sung sướng quá đi chứ! Điều quan trọng là phải phát hiện được con mình có năng lực gì? Tôi nghĩ việc này không khó nhưng mất nhiều thời gian. Đối với trẻ con, năng lực của chúng bộc lộ nhanh, chỉ khoảng hết cấp 2 đã có thể kết luận được con mình có thể đi theo hướng nào. Và tùy thuộc vào mong muốn của con. Nhưng bố mẹ phải giúp con hiểu và giáo dục cho con từ bé rằng nghề nào cũng là lao động chân chính, cũng có thể làm giàu và trở thành tinh hoa.

Nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng có khả năng và điều kiện làm việc đó. Theo tôi giáo dục phải mang lại công bằng cho học sinh ở điểm này. Giúp học sinh nhận thức được bản thân mình và có sự lựa chọn đúng đắn với năng lực của mỗi con người.

GS Đặng Hùng Võ hiện 65 tuổi, là chủ nhiệm Bộ môn Địa chính, Đại học Quốc gia Hà Nội, cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế, nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý. Ông cũng là người có tư duy hiện đại, lối sống cởi mở, cách nói chuyện dí dỏm và rất dễ gần gũi. Trước, trong và sau khi đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường, GS Đặng Hùng Võ luôn gắn bó với nghề dạy học và là người thầy được nhiều thế hệ sinh viên của ĐH Khoa học tự nhiên-ĐHQG Hà Nội.

Theo Vietnamnet