Ước mong giản dị của "đôi tay tật nguyền"

04/05/2012 06:08
Thanh Lan
(GDVN) - Đôi tay em không lành lặn như bao bạn bè khác, tay phải dị tật, tay trái em đảm nhận tất cả mọi việc, đôi bàn tay thoăn thoắt nét bút ngiêng, những tiếng gõ nhẹ bàn phím, cô sinh viên khuyết tật vẫn mải mê bên những trang sách với ước mong có được cuốc sống vui vẻ bình thường như bao bạn bè khác.

Những ngày nghỉ lễ, trời nắng gắt, trong khi bạn bè và mọi người tất bật những chuyến xe về quê thì cô sinh viên ấy vẫn một mình trong phòng ký túc xá của trường. Và có lẽ bất kỳ ai gặp cô bé ấy đều có một ấn tượng về đôi mắt đẹp, nhưng buồn, có lẽ nỗi mặc cảm trong em hiện sâu vào đôi mắt ấy.

Mong một ngày được như người bình thường

Cô sinh viên ấy tên Lục Thị Hải, sinh viên năm thứ 3 khoa Kế Toán, Đại học Thương Mại. Hải sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An - một vùng đất nghèo và khô cằn, sỏi đá. Hải là con út trong gia đình có bốn anh chị em, tất cả các anh, chị ai cũng khỏe mạnh, lành lặn, riêng Hải không hiểu vì sao khi em được sinh ra thì tay phải của em đã bị dị tật, các ngón tay không phát triển.

Hải kể rằng, bố em đi bộ đội mười năm, sau khi hòa bình trở về bố mẹ mới bắt đầu có con, các anh chị sinh ra đều hoàn toàn khỏe mạnh, đến bây giờ khi các anh lập gia đình con cái vẫn không có ai bị dị tật như Hải. Ban đầu,mọi người cũng nghĩ em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, nhưng càng về sau nguyên nhân ấy không hoàn toàn đúng.

Đôi tay nhỏ thoăn thoắt những nét chữ (ảnh Thanh Lan)
Đôi tay nhỏ thoăn thoắt những nét chữ (ảnh Thanh Lan)

Hồi bé, Hải vẫn chưa nhận thức được sự thiệt thòi của mình, nên vẫn chơi đùa cùng bạn bè. Nhưng càng lớn, khi nhận thấy ánh mắt khác lạ của bạn bè và mọi người nhìn mình, em mới cảm nhận được nỗi đau số phận đang là một khoảng cách lớn để em có thể hòa nhập vào cuộc sống. Thời gian đầu những năm cấp 2, mỗi lần lên lớp thấy ánh mắt tò mò của mọi người đổ dồn vào mình khiến em bị mặc cảm. “Nhiều lần em bắt gặp ánh mắt khác lạ của mọi người nhìn em, đến bây giờ em vẫn không quên được, ánh mắt họ như xa lánh, không muốn đến gần, từ bé đến giờ chưa một lần nào em không cảm thấy mặc cảm về bản thân. Em ước mơ được sống một ngày có đôi tay lành lặn như bao người bình thường khác…”, Hải tâm sự.

Có nhiều lần đi học, bạn bè trong lớp để ý khiến em mặc cảm giấu đi bàn tay phải, em vẫn cảm nhận được ánh mắt lạ lẫm, tò mò của họ, rồi những lần như vậy em lại buồn cho số phận mình, sự mặc cảm, tự ti đó đến bây giờ em vẫn chưa quên được. Kể đến đây Hải cúi mặt xuống, nói chậm rãi, và tôi cảm nhận được đôi mắt ấy đang buồn lắm. Hải nói nhỏ: “Chưa có một ngày nào em không mong ước được một ngày lành lặn như người bình thường khác…”.

Nhưng rồi Hải lại cười, nụ cười ấy xua tan những u ám trong em. “Em cũng quen rồi, buồn cũng chỉ một chút, vài ngày lại hết, bên em còn có bố mẹ và nhiều bạn rất tốt, họ luôn động viên em, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em trong những lúc khó khăn”, Hải chia sẻ.
Hải kể rằng, có nhiều người tốt khuyên em nên đi nối tay, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nên em chỉ lặng lẽ học thật chăm chỉ để quên đi nỗi đau. Nhưng vẫn những có lúc buồn vì mặc cảm, buồn vì bị xa lánh, Hải lại khóc, có những đêm khóc lặng một mình trong phòng mà không thể nói cùng ai.

Học để cứu mình – nguồn động viên lớn nhất

Biết con gái vẫn cảm thấy mặc cảm, buồn chán, bố mẹ em không ngừng động viên, an ủi. Những lúc cảm thấy buồn chán và mặc cảm nhất, Hải cũng luôn nhận được những lời động viên, an ủi từ những người bạn thân thiết. Hải kể rằng, từ bé em đã có nhiều người bạn thân rất tốt, họ tế nhị và biết được sự mặc cảm của ấy nên không bao giờ nhắc đến những khuyết điểm đó. Sự ân cần, động viên của người thân và bạn bè đã giúp Hải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngay từ năm cấp 2, biết được hoàn cảnh của bản thân, Hải đã không ngừng cố gắng nỗ lực hết mình, mà nguồn động viên lớn nhất chính là ba mẹ và Hải cũng chính là niềm hy vọng cuối cùng và lớn nhất trong cuộc đời ba mẹ. Biết được sự kỳ vọng đó, ngay từ nhỏ Hải luôn cố gắng học tập tốt, em luôn là học sinh khá, giỏi của trường lớp.

Năm cấp 3, Hải chuyển xuống thành phố học trường nội trú Tỉnh, bắt đầu cuộc sống tự lập, những ngày đầu nỗi nhớ nhà, sự mặc cảm khi gặp bạn bè mới có lúc em cũng buồn và khóc rất nhiều. Nhưng dần dần quen thân với các bạn, và nhất là hiểu được hoàn cảnh của nhau, các bạn an ủi và động viên em rất nhiều. Suốt những năm cấp 3 em luôn cố gắng học tập chăm chỉ, bố mẹ luôn là nguồn động viên lớn nhất “Bố mẹ cũng không thể ở bên con suốt đời, con chỉ có thể tự cứu lấy mình bằng cách học thật tốt, khi con có nghề có nghiệp thì bố mẹ cũng yên tâm hơn, bố mẹ hy vọng nhất ở con và tin chắc con sẽ làm được”, đó là lời động viên chân thành nhất của ba mẹ mà Hải ghi nhớ suốt đời

Năm lớp 12, em đăng ký dự thi Đại học Lao động xã hội nhưng thiếu điểm, em chuyển về học dự bị ở Thanh Hóa. Sự cố gắng, nỗ lực gần một năm trời đã đem lại cho Hải những kết quả tốt, em đăng ký vào Trường Đại học Thương Mại và đỗ khoa kế toán.

Ba năm học qua, Hải luôn cố gắng chăm chỉ trong học tập, cũng như bao bạn bè khác Hải cũng chỉ có một ước mong giản dị, vẫn luôn cố gắng để ra trường tìm được một công việc ổn định để lo cho cuộc sống của mình, cũng như an ủi bố mẹ những tháng ngày luôn lo lắng, động viên Hải. “Em cũng đang cố gắng nhiều nữa, mong ra trường có được tấm bằng khá để xin việc, trước mắt em cũng muốn xin việc ngoài Hà nội, vì ở đây có nhiều điều kiện hơn, nhưng nếu được thì em cũng muốn về tỉnh đễ được gần bố mẹ hơn”, Hải tâm sự.

Chặng đường phía trước của Hải còn khá dài, và trước mắt em còn nhiều chông gai thử thách mà em phải vượt qua, mà trước hết là vượt qua chính mình để em có thể tự tin đi về phía trước đến được bến đỗ cuộc đời

Chia tay Hải, em đứng dõi theo tôi về khuất xuống cầu thang. Tôi lại bắt gặp ánh mắt ấy, đôi mắt đẹp và buồn… Thoáng nghĩ, tôi cũng cầu chúc cho em sẽ có được những điều tươi đẹp như em mong muốn…

Thanh Lan