Mua con chữ với giá 1.000 đồng

15/03/2012 08:30
Nguyễn Huệ
(GDVN) - “Chỉ với 1.000 đồng sẽ nuôi dưỡng những niềm tin, sự sống đang le lói của những học sinh dân tộc miền núi”. 
Đói khát con chữ vì nghèo!
Ước mơ được tới trường của các em nhỏ vùng cao thật mãnh liệt, dai dẳng là vậy, nhưng nó đã sớm bị chôn vùi bởi hố sâu ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Trong khi trẻ em miền xuôi được sống trong cảnh sung túc, giàu sang có đủ điều kiện học hành, được giáo dưỡng tử tế, thì trẻ em miền núi lại rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, thiếu thốn đủ thứ. Ngay cả những miếng cơm, manh áo cũng “ lực bất tòng tâm” huống chi là tính tới chuyện học chữ. Mặc dù vậy, chưa bao giờ các em thôi từ bỏ mơ ước được đeo những con chữ trên vai đi khắp bản làng.

Ca sỹ Thái Thùy Linh là chị cả trong đội tình nguyện vùng cao, cũng là chủ nhiệm chương trình “Mặc ấm cho học sinh dân tộc miền núi” đã có một cuộc hành trình dài ngược lên Tây Bắc.

Trong suốt thời gian sống, phục vụ công tác tình nguyện ở đây, chị đã tận mắt chứng kiến hiện thực cuộc sống thiếu thốn, nghèo đói của các em nhỏ vùng cao. Chị chia sẻ : “Lần đầu tiên đặt chân tới những vùng đất khô cằn này, tôi cảm thấy nghẹn lòng khi chứng kiến bữa ăn của học sinh dân tộc miền núi. Chỉ vẻn vẹn một bát cơm với vài cọng rau rừng, có em cơm chan nước lá bỏ vài hạt muối cho dễ nuốt, thậm chí phải bắt cả côn trùng để cải thiện chất dinh dưỡng”... Đó là tất cả hình ảnh của hàng nghìn học sinh dân tộc miền núi đang phải chịu đựng.

Tình trạng đó không chỉ diễn ra ở một vài trường điểm của tỉnh Yên Bái như: Sùng Đô, Suối Bu, Trạm Tấu.... mà còn ăn lan ra diện rộng trên địa bàn của các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang....Đây là những nơi mà hàng ngàn học sinh đang ước mơ tới trường để chống lại cơn “khát chữ”.

Đối với mỗi học sinh khi tới trường học, mỗi tuần, các em phải đóng 10.000 tiền ăn (tính ra 2 bữa ăn chỉ 1.300 đồng), số tiền đóng 1 tháng là 40.000 và một năm là 360.000. Đối với chúng ta số tiền này chẳng thấm thía là bao! Nhưng điều đó lại là khoản đáng lo nghĩ của biết bao bậc phụ huynh chốn hoang sơ này.

Chính vì không có đủ tiền đóng tiền học, hàng ngàn ước mơ đó đã phải tạm gác theo cha, mẹ lên nương làm lụng.

Mua con chữ với giá 1.000 đồng
Trong đêm tổng kết (10/3), đại diện cho Hệ thống siêu thị điện máy Topcare đã trao tặng 68 suất học bổng, mỗi suất trị giá 360.000 đồng cho “Qũy học bổng vì học sinh dân tộc miền núi” do ca sỹ Thái Thùy Linh – chủ nhiệm.
Trong đêm tổng kết (10/3), đại diện cho Hệ thống siêu thị điện máy Topcare đã trao tặng 68 suất học bổng, mỗi suất trị giá 360.000 đồng cho “Qũy học bổng vì học sinh dân tộc miền núi” do ca sỹ Thái Thùy Linh – chủ nhiệm.

Có rất nhiều người trong chúng ta không coi trọng con số 1.000 lẻ, bởi đơn giản trong thời đại kinh tế thị trường, lạm phát gia tăng, nó không có giá trị nhiều trong thanh toán.

Mọi người thiết nghĩ, 1.000 lẻ không mua nổi một mớ rau, một gói mỳ tôm, hay một cốc chè.... vì thế trên khắp lề đường,hè phố chúng vương vãi khắp nơi, có khi chỉ là một tờ giấy vụn vò nhầu nhĩ trong túi quần. Đổi lại nếu chúng ta tiết kiệm 1.000 để quyên góp ủng hộ các em nhỏ vùng cao, đó lại là một món quà quý giá. Giúp cải thiện phần nào đời sống vật chất của các em khi tới trường.

Nếu mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng ta sẽ có 360 nghìn/năm. Đây là số tiền đủ để nuôi dưỡng một sinh mệnh, tạo động lực để các em an tâm khi tói trường. Thùy Linh nói: “Số tiền này không hề lớn, điều mà ngay cả những trẻ em thành phố cũng có thể dễ dàng tiết kiệm được”. Nó không chỉ tiếp sức cho một sự sống bé nhỏ mà còn nhiều và nhiều hơn nữa những mầm non của đất nước.

“Hành động nhỏ, số tiền nhỏ nhưng đó là những nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho những sự sống đang le lói trên mảnh đất cằn cỗi. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyến hành trình ngược lên vùng cao để có thể giúp đỡ các em nhiều hơn thế nữa” - Thùy Linh bày tỏ.
Nguyễn Huệ