Nở rộ lớp hè để nâng điểm cho sinh viên

27/07/2011 07:36
(GDVN) - “Học cải thiện trong hè thì thầy giáo sẽ dễ hơn, sẽ không điểm danh nhiều như học trong năm và quan trọng là điểm cũng có phần thoáng hơn”.

(GDVN) - “Học cải thiện trong hè thì thầy giáo sẽ dễ hơn, sẽ không điểm danh nhiều như học trong năm và quan trọng là điểm cũng có phần thoáng hơn”. Kiều Trang - sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội chia sẻ với chúng tôi.

LTS: Thay vì có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, thoải mái, nhiều sinh viên của một số trường Đại học ở chọn cách “nghỉ hè” cùng những lớp học cải thiện với tiền học phí cao ngất trời. Liệu những lớp học này có cải thiện và bồi đắp thêm kiến thức của các sinh viên hay không? Hay chỉ đơn giản là cải thiện điểm? Chất lượng của những lớp học này đến đâu?

Lớp học đông gấp 2 – 3 lần lớp trong năm

Vào những ngày hè này, ghé thăm các lớp học cải thiện của một số trường Đại học có tổ chức, mới thấy được không khí học cải thiện điểm trong đợt hè của các sinh viên sôi nổi không kém gì trong kì học chính khóa.

Hình thức cải thiện điểm là “sản phẩm” của hệ đào tạo tín chỉ - một hình thức đào tạo mới mẻ đang  được nhiều trường Đại học áp dụng trong những năm gần đây.

Lớp học cải thiện điểm (hay còn gọi là lớp nâng điểm) được mở ra cho những sinh viên có điểm tổng kết môn học nào điểm D (vừa đủ điểm qua môn học) trong kì học chính khóa, muốn học để cải thiện con điểm đó của mình.

Để có một suất học cải thiện về môn học nào đó, sinh viên phải “mòn mỏi” chờ nhà trường mở lớp, rồi phải nhanh chân lên tận phòng Đào tạo của nhà trường để đăng kí.

Thu Trang – sinh viên K54 khoa Toán, trường ĐH Khoa học Tư nhiên nở  nụ cười vui sướng cho biết, cô đã hoàn thành xong thủ tục đăng kí lớp học cải thiện. “Môn này kì trước em bị điểm D lần này may mà đăng kí được vào lớp này, hi vọng sẽ được điểm B để gỡ gạc lại, nếu không nhanh chân là lại phải chờ đến hè năm sau mới học được”.

Bạn Q.Chí, học cùng lớp với Trang cho hay, môn tin học này, gần như cả lớp em đi học cải thiện điểm. “Trường có 2 lớp Toán, gần như sinh viên cả 2 lớp đều đi học cải thiện môn tin, mà lớp tin thì trong hè chỉ tổ chức có 1 lớp, thành thử, hai lớp ghép một nên rất đông”.

Theo tìm hiểu, phóng viên được biết, kết quả học cải thiện môn sẽ được thay vào kết quả của môn đó trong học kì chính thức trước đó. Vì thế, cần phải “xem mặt gửi vàng”, nếu thầy giáo của môn này “khó” thì học cải thiện chỉ tốn tiền, chả có tác dụng gì”.

Kì nghỉ hè này, Tuấn – sinh viên năm 4 Đại học Kiến trúc (Hà Nội) đã ở lại “nghỉ hè” cùng 3 môn học cải thiện với tổng số tín chỉ là 8. Tuấn chia sẻ với tôi: “Sinh viên trường em chắc không có khái niệm nghỉ hè nữa, chúng nó học hè mà đông vui, nhộn nhịp chắng kém gì học chính cả. Lớp Vật Lí em đang theo học đây chật cứng, đủ các lứa sinh viên từ năm thứ 2 cho tới năm thứ 4”.

Khi được hỏi về mục đích của việc học cải thiện, Tuấn đã chẳng ngại ngần gì mà tuyên bố: “Quan trọng là mình ra trường có tấm bằng đẹp một chút thì người ta mới nhận vào làm chứ  nếu không thì em cũng chẳng đi học làm gì cho mệt người. Ở trên Hà Nội này ngột ngại, khó chịu lắm, về quê được nghỉ ngơi có phải là thích hơn không.”

Một lớp học cải thiện điểm chật cứng. Ảnh chụp tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên sáng thứ 2 ngày 18/7.
Một lớp học cải thiện điểm chật cứng. Ảnh chụp tại
trường Đại học Khoa học Tự nhiên sáng thứ 2 ngày 18/7

Thầy chưa nhận lớp vì bận đi du lịch

Mặc dù  có nhiều trường mở lớp học cải thiện song song với kì học chính trong năm nhưng đa phần sinh viên không thích đăng kí những lớp được tổ chức như thế. Bởi lẽ “học trong hè thì thầy giáo sẽ dễ hơn, sẽ không điểm danh nhiều như học trong năm và quan trọng là điểm cũng có phần thoáng hơn đôi chút”. Xuân T. – sinh viên khoa Toán trường Đại học Khoa học Tự nhiên xởi lởi chia sẻ với tôi.

Phóng viên đã tham gia một buổi học cùng T. vào một buổi sáng thứ 2 mới. 8 giờ vào học mà cô nàng cùng với bạn mình lang thang ăn sáng, uống nước và ngồi tán phét với nhau tới gần 9 giờ mới vào.

“Môn này học 4 tiết, phòng học lại bí nữa nên vào sớm thì chỉ có ngồi mà thở thôi anh ạ”. T. giải đáp thắc mắc của tôi với vẻ bình thản.

Ngang nhiên vào cổng trước của lớp học (vì cổng sau người ta không mở), sau một tiếng chào cho “có lệ” là T. và bạn của mình đã kiếm được một vị trí ở cuối lớp. Trên bục, thầy cứ giảng.

Những tưởng T. và bạn mình đã là những người vào muộn nhất rồi nhưng sau đó, cứ khoảng vài phút lại có tiếng xin phép thầy cho vào lớp. Không những thế, nhiều sinh viên chăm chỉ tới sớm từ đầu buổi, ngồi tới giờ đã không chịu được “nhiệt” nữa đành xách cặp ra về.

Lớp học có vẻ nhộn nhịp và bớt nhàm chán hơn. Trên bục, thầy vẫn cứ giảng.

Tham gia một lớp học khác của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội vào buổi sáng thứ 4, bản chất của sự việc cũng không có chút thay đổi.

Lịch 7 giờ vào học, 7 giờ 30 vẫn chưa thấy cô giáo tới. Sinh viên hết lượn ra hành lang lại lượn vào lớp. Nhiều tiếng bàn tán về sự chậm trễ của cô giáo đã vang lên và trở thành đề tài sôi nổi cho sinh viên lớp học này. 

Tranh thủ chợp mắt  trong thời gian chờ giảng viên tới. Ảnh chụp tại Đại học Kiến trúc Hà Nội sáng thứ 4 ngày 20/7.
Tranh thủ chợp mắt trong thời gian chờ giảng viên tới. Ảnh chụp tại
Đại học Kiến trúc HN sáng thứ 4 ngày 20/7.

Lớp học bên cạnh cũng không kém phần “hấp dẫn”. Nhiều sinh viên trong khi chờ giảng viên tới đã tranh thủ chợp mắt một chút vì “đêm qua tao với thằng bạn chém dân (game Đế chế) tới mãi 3 giờ sáng mới ngủ”.

Vài phút sau, tiếng thông báo cô giáo đến dường như đã khuấy động tất cả. Bước vào lớp học, không một lời giải thích, thản nhiên đặt cặp sách lên bàn, giảng viên nói: “chúng ta tiếp tục chương trình hôm trước”, để rồi phía dưới lớp có tiếng lẩm bẩm: “Sao cô lại tới vào lúc này, phá cả giấc mơ đẹp của em”.

Lớp  học chật cứng với gần 100 sinh viên, chốc chốc lại “thu nạp” thêm một vài người tới trễ. Trên bục cô vẫn giảng bài, tiếng cô hòa lẫn với tiếng quạt trần vù vù trên đầu và tiếng chát chúa của khoan, cắt, đục, đẽo của tòa nhà mà nhà trường đang xây dở bên cạnh.

“Cô giáo tới dạy là may cho mình rồi nên phải cố căng tai ra mà nghe thôi anh ạ. Ở lớp Toán cao cấp, lẽ ra bọn em phải học được 3 buổi rồi nhưng thầy giáo chưa tới nhận lớp nữa kia. Nghe bảo thầy giáo đi du lịch thì phải”.

Minh Quý – Quân Trang

Đón xem Kỳ 2: Học cải thiện môn chỉ dành cho con nhà giàu?