Su-35 bán cho Trung Quốc có hệ thống thông tin tiên tiến đi kèm
Ngày 26/11, trả lời báo chí về việc Nga và Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 trị giá 2 tỷ USD, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết:
“Chương trình hợp tác máy bay Su-35 là một lĩnh vực hợp tác được hai bên Trung-Nga đều sẵn sàng tích cực triển khai, thông qua những nỗ lực chung của hai bên, đã đạt được thành quả mang tính giai đoạn. Hai bên sẽ tiếp tục dựa vào nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, phát triển hợp tác lĩnh vực công nghệ quân sự”.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Trang mạng Quỹ Jamestown Mỹ ngày 7/12 cũng cho rằng, quan điểm Nga trì hoãn bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc đã bị lung lay, bởi vì, Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec Nga Sergei Chemezov xác nhận các cuộc đàm phán đã hoàn thành, cho biết: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng”.
Các quan chức Trung Quốc đã giữ im lặng về vấn đề này. Nhưng, chuyến thăm của các quan chức cấp cao quân đội và chính phủ Trung Quốc đối với một nhà chế tạo động cơ Nga lại có thể được xem là dấu hiệu đàm phán hầu như đang kết thúc.
Là một nội dung đi kèm, Trung Quốc còn mua hệ thống thông tin tiên tiến đồng bộ. Nga tuyên bố, Su-35 sẽ bao gồm hệ thống thông tin trên máy bay S-108 và hệ thống thông tin mặt đất NKVS-27. Phạm vi hoạt động của hệ thống này là 1.500 km, bao trùm lên Biển Đông.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rostec Nga, ông Sergei Skokov ngày 23/11 cho biết, công ty này từ năm 2016 sẽ bắt đầu cung cấp hệ thống thông tin tổng hợp S-108 của Su-35 cho Trung Quốc, từ năm 2017 sẽ cung cấp hệ thống mặt đất tổng hợp NKVD-27 cho sân bay quân sự Trung Quốc.
Tập đoàn này cho biết, so với thiết bị thông tin của máy bay chiến đấu thế hệ trước, hệ thống S-108 có thể rút ngắn thời gian truyền tin trong đối kháng điện tử, nâng cao độ tin cậy của dữ liệu nhận được.
Hệ thống mặt đất tổng hợp NKVD-27 có thể tự động truyền đạt mệnh lệnh, chỉ huy máy bay thực hiện nhiệm vụ. Nó có thể cung cấp nhiều kênh thoại và truyền dữ liệu tới máy bay chiến đấu ngoài 1.500 km.
Su-35 sẽ thay thế Su-30MKK trở thành máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc. Ngoài trang bị điện tử hàng không và năng lực đẩy véc-tơ tiên tiến, Su-35 còn có hành trình lớn hơn.
Hai bên đều cần dựa vào đối phương để hoàn thành kế hoạch hiện đại hóa quân sự của mình. Sự trừng phạt của phương Tây đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp quân sự của Nga, đồng thời một số doanh nghiệp Nga đã mất đi một số kênh nhận được động cơ và thân máy bay do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước đây, Nga bán công nghệ quân sự cho nước ngoài diễn ra trong thời kỳ nền kinh tế suy yếu. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước từng xuất hiện thương mại mặc cả - lấy công nghệ Nga đổi hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng, theo báo Mỹ, coi khoản giao dịch này là dấu hiệu cho lòng tin vững chắc giữa Trung-Nga thì có lẽ còn quá sớm.
Su-35 giúp Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Việc nghiên cứu mối quan tâm của Trung Quốc đối với máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nga sẽ hiểu được sự tiến bộ của Trung Quốc về công nghệ quân sự cũng như chiến lược giải quyết tranh chấp Biển Đông của họ.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Trang mạng Sputnik Nga ngày 24/11 dẫn báo chí Nhật Bản cho rằng, máy bay chiến đấu Su-35 sẽ có lợi cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong xung đột tương lai.
Hành trình tối đa và dung lượng nhiên liệu của Su-35 sẽ giúp cho Không quân Trung Quốc tiến hành bay thời gian dài ở Biển Đông - vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, giống như họ đe dọa Nhật Bản ở vùng biển đảo Senkaku.
Bài báo cho rằng, máy bay chiến đấu Su-35 là “loại máy bay lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông”, có ưu thế hơn tất cả các máy bay của Philippines và Việt Nam (thậm chí cả tàu chiến mặt nước).
Bắc Kinh muốn chiếm ưu thế tuyệt đối trên vùng trời Biển Đông, sẽ đưa ra 2 sự lựa chọn cho đối thủ: Hoặc là gây ra căng thẳng, một khi nổ ra chiến tranh chắc chắn sẽ bị thua, hoặc là đồng ý với sự hiện diện vĩnh viễn của Quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc đang có được năng lực vươn tầm sức mạnh quân sự tới hầu hết khu vực Đông Nam Á và phần lớn các nước ASEAN.
Zachary Keck - chủ biên tạp chí The National Interest Mỹ cho rằng, máy bay tiêm kích đa năng siêu cơ động Su-35 có thể trở thành “át chủ bài” của Trung Quốc trong cuộc đấu địa-chính trị ở Biển Đông.
Bán kính tác chiến tương đối lớn, lượng nhiên liệu mang theo tăng lên là những đặc điểm nổi trội được Trung Quốc để mắt tới ở Su-35. Những tính năng này có thể giúp Trung Quốc “tăng cường vị thế ở Biển Đông”.
Hiện nay, đối với Trung Quốc, duy trì hiện diện ở Biển Đông là một vấn đề, các máy bay chiến đấu hiện có của Trung Quốc chỉ có thể bay thời gian ngắn trên Biển Đông, lượng nhiên liệu mang theo không lớn, đã hạn chế nghiêm trọng năng lực tự thân.
Báo The Hindu Ấn Độ ngày 9/12 cũng cho rằng, Nga quyết định bán máy bay chiến đấu Su-35 có thể giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và chắc chắn sẽ mở rộng giao lưu quân sự giữa hai nước, có lợi cho Bắc Kinh và Moscow nghiên cứu chế tạo vũ khí mũi nhọn.
Địa-chính trị đã phát huy vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy giao dịch này. Đến nay, Nga và Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ về chiến lược. Nga cho rằng, phương Tây lật đổ chính quyền dân cử ở Ukraine đã thể hiện NATO có ý đồ đuổi Nga ra khỏi Sevastopol (trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea).
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Sau khi chính quyền Mỹ Barack Obama đưa ra tư tưởng “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, Trung Quốc cũng cảnh giác với những nỗ lực không ngừng của Washington ở Tây Thái Bình Dương.
Quan hệ Trung-Mỹ trong vấn đề Biển Đông ngày càng căng thẳng, Nhật Bản cũng đang tăng cường quân bị, các nhân tố này đã thúc đẩy Trung-Nga đạt được hợp đồng về máy bay chiến đấu Su-35.
Trung Quốc cần gấp máy bay chiến đấu Su-35, bởi vì, các máy bay chiến đấu J-20 và J-31 cần tới vài năm mới có thể thay thế Su-35 và đưa vào chiến đấu. Mua Su-35 là phương án giải quyết nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 có 3 lợi ích: Một là, mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 sẽ mở rộng tầm với của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu nó được triển khai bất hợp pháp ở đảo nhân tạo trên Biển Đông thì sẽ mở rộng rất lớn phạm vi tác chiến.
Với bán kính tác chiến lên tới khoảng 4.500 km, máy bay chiến đấu Su-35 có thể thông qua cách thay ca, tiến hành tuần tra liên tục ở Biển Đông. Khả năng cất hạ cánh cự ly ngắn cũng là đặc điểm tương đối quan trọng của loại máy bay chiến đấu này.
Khi cần thiết, Trung Quốc có thể triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu này ở đảo nhân tạo trên Biển Đông. Khi xảy ra xung đột, những hòn đảo này được sử dụng như “tàu sân bay cố định”.
Hai là máy bay chiến đấu Nga có thể đối phó hiệu quả với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ. Radar Ibris-E của Su-35 có thể dò tìm được máy bay chiến đấu tiên tiến Mỹ ngoài 90 km.
Ngoài ra, thông qua nhập khẩu máy bay chiến đấu Nga, Trung Quốc có thể nhận được công nghệ radar và động cơ quý giá, khắc phục điểm yếu lớn của Trung Quốc trong nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu.
Cùng với hợp đồng bán S-400 cho Trung Quốc, hợp đồng Su-35 sẽ đem lại không ít tài chính cho Nga trong tình hình hiện nay. Trung Quốc cũng tìm cách sở hữu công nghệ của tàu ngầm lớp Lada Nga.
Ngoài ra, báo Trung Quốc dẫn báo Ấn Độ cho rằng, Nga bán Su-35 cho Trung Quốc “cũng có ý định nhận được công nghệ máy bay siêu thanh” do Trung Quốc nghiên cứu phát triển. Năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh WU-14, loại vũ khí này có thể đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Nga bán Su-35 vì nhân tố chính trị
Nga là nước lớn xuất khẩu máy bay chiến đấu nổi tiếng thế giới. Từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, máy bay chiến đấu Sukhoi, máy bay chiến đấu MiG và máy bay chiến đấu Yak của Liên Xô được bán rộng rãi tới các nước trên thế giới.
Nhưng, máy bay chiến đấu Nga khi đó bán chạy ngoài tính năng tốt, còn do cân nhắc của nhân tố chính trị - do trật tự quốc tế của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không ít quốc gia chỉ có thể lựa chọn đứng về một bên, hoặc mua máy bay chiến đấu của Nga hoặc của các nước phương Tây.
Hiện nay, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, Nga đã kế thừa năng lực nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay quân dụng của Liên Xô cũ, có thế bán máy bay chiến đấu cho các nước. Nhưng, nó vẫn bị chi phối bởi các phương diện như chính trị, giống với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Những năm gần đây, có không ít quốc gia châu Á đang tìm kiếm máy bay chiến đấu mới để đổi mới hoặc thay thế đội máy bay chiến đấu của họ. Máy bay chiến đấu Gripen Thụy Điển, máy bay chiến đấu Rafale Pháp, máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu, máy bay chiến đấu F-16 Mỹ đều là giải pháp thay thế phổ biến của các nước châu Á.
Là nước xuất khẩu máy bay chiến đấu truyền thống lớn, Nga đương nhiên sẽ không rớt lại phía sau, máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến nhất của Nga là phiên bản cải tiến sâu sắc của máy bay chiến đấu Su-27 cũ, đã áp dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến và lắp rất nhiều thiết bị tiên tiến.
Su-35 không những có một điểm tích hợp nhận tiếp dầu trên không, mà cũng đã lắp thiết bị có thể dùng để tiến hành đối kháng điện tử và radar mảng pha quét điện tử Ibris-E tiên tiến.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu này cũng đã lắp 2 động cơ ống phun véc-tơ AL-41, làm cho nó có tính cơ động mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn.
Nga hiện có kế hoạch mua 48 máy bay chiến đấu Su-35 để bổ sung trước khi biên chế máy bay chiến đấu T-50. Nhưng, Nga cũng muốn bán máy bay chiến đấu Su-35 cho nhiều nước châu Á hơn.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Hiện nay, Trung Quốc, Indonesia đều bày tỏ muốn mua máy bay này. Có tin cho rằng, một số nước khác như Pakistan, CHDCND Triều Tiên cũng quan tâm tới máy bay này.
Khách hàng nước ngoài đầu tiên của Su-35 là Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mua 24 máy bay chiến đấu Su-35, mỗi chiếc trị giá khoảng 83 – 85 triệu USD.
Nhưng, có nhà phân tích nghi ngờ Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 là để tham khảo, phục vụ cho tự nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu của họ, nhất là về động cơ. Không quân Trung Quốc hiện nay cần trang bị động cơ mạnh hơn cho các máy bay chiến đấu J-20 và J-31 mà họ đang nghiên cứu phát triển.
Do bị phương Tây cấm vận vũ khí, Trung Quốc chỉ có thể chọn Nga để tiếp nhận máy bay chiến đấu và công nghệ.
Ngày 1/12, Indonesia xác nhận, họ quyết định sẽ mua 12 máy bay chiến đấu Su-35 để thay thế cho máy bay chiến đấu F-5 cũ do Mỹ chế tạo. Số lượng mua sắm như vậy được quyết định căn cứ vào tình hình tài chính hiện nay.
Đại tướng Agus Supriatna – Tư lệnh Không quân Indonesia cho biết, trước đó ông đã đệ trình 2 phương án lên cho Bộ trưởng Quốc phòng nước này gồm: máy bay chiến đấu Su-35 Nga và máy bay chiến đấu F-16V Viper Mỹ.
Ngoài ra, trước đó, Không quân Indonesia cũng đã cân nhắc một số loại máy bay chiến đấu khác như máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen Thụy Điển, máy bay chiến đấu Rafale Pháp, máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu và máy bay chiến đấu F-16C/D Mỹ.
Mặc dù rất nhiều đối thủ cạnh tranh muốn nhận được đơn đặt hàng của Jakarta, nhưng cuối cùng Su-35 đã trúng thầu. Đây là kết quả từ tác dụng tổng hợp của nhiều loại nhân tố.
Indonesia từng lệ thuộc vào vũ khí phương Tây. Năm 1986, Indonesia đã mua một lô máy bay chiến đấu F-16, nhưng sau khi East Timor độc lập vào năm 1999, Mỹ và EU trừng phạt Indonesia, làm cho Indonesia không thể nhận được những linh kiện mới cho những máy bay chiến đấu này.
Vì vậy, Indonesia chỉ có thể chuyển sang mua máy bay chiến đấu Nga. Việc Indonesia quyết định mua máy bay chiến đấu Su-35 cũng có thể do những nhân tố lịch sử này.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính để lựa chọn nhà cung ứng là vấn đề sửa chữa. Không quân Indonesia hoàn toàn không muốn thay đổi lớn hệ thống bảo trì hiện có.
Trong khi đó, theo báo chí Hàn Quốc, tháng 11/2014, đoàn đại biểu quân sự CHDCND Triều Tiên từng bày tỏ mong muốn mua máy bay chiến đấu mới với quan chức Nga, nhưng do cộng đồng quốc tế cấm vận vũ khí đối với nước này, Nga đã từ chối đề nghị này.
Đối với Pakistan, có tin cho biết, Nga và Pakistan đã đàm phán về mua bán máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay trực thăng vũ trang Mi-35. Nhưng, Ấn Độ - đối tác hợp tác của Nga đã bày tỏ không hài lòng với việc làm này của Nga.
Sau khi Pakistan sở hữu máy bay chiến đấu Su-35 thì họ sẽ vượt qua Ấn Độ - nước hiện sở hữu máy bay chiến đấu Su-30MKI. Điều này có thể làm cho Ấn Độ chuyển sang mua máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây.
Ngoài ra, tại Lễ khai mạc Triển lãm hàng không Dubai lần thứ 14 từ ngày 8 đến ngày 12/11, Sergei Chemezov – Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec Nga cho biết, Nga và UAE đang tiến hành đàm phán về giao dịch tiềm năng máy bay chiến đấu Su-35. Theo đó, máy bay chiến đấu Rafale Pháp sẽ đối mặt với rủi ro ở Trung Đông.
Dựa trên sự cân nhắc của chính trị quốc tế, nhu cầu mua máy bay chiến đấu Su-35 của các nước châu Á phần lớn xuất phát từ sự cân nhắc chính trị. Họ phần lớn không thể mua vũ khí trang bị của phương Tây hoặc lo ngại bị trừng phạt trong tương lai.
Mặc dù có hiện trạng như vậy, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là máy bay chiến đấu Su-35 không phải là một loại máy bay chiến đấu xuất sắc. Trái lại, có quan điểm cho rằng, máy bay này tiên tiến nhất trong số những máy bay chiến đấu chưa có tính năng tàng hình hiện nay.
Hiện nay, cạnh tranh xuất khẩu vũ khí diễn ra quyết liệt trên thế giới, nhưng, chính trị vẫn là nhân tố quan trọng ngăn chặn hoặc thúc đẩy mua bán vũ khí giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ngành hàng không Nga hiện nay đã lạc hậu so với một số nước tiên tiến như Mỹ, nhưng do cân nhắc tới nhân tố chính trị, một số nước không thể mua được máy bay chiến đấu của phương Tây, chỉ có thể chuyển sang mua máy bay chiến đấu của Nga.
Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng bức tường do nó tạo ra vẫn chi phối một số nước phương Tây.