Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận công văn số 1234/LĐTBXH-TCGDNN ngày 3/4/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Kèm công văn này là các dự thảo bao gồm Đề án, Tờ trình và Quyết định của TTg Chính phủ.
Qua đọc những dự thảo này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến sau:
Một là, bố cục đề án hợp lý. Đặc biệt 10 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đề án là thiết thực, nó gắn với công việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đảm nhiệm.
Ba nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nêu trên cần sớm thực hiện. Nó vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tác dụng lâu dài.
Ý kiến của Hiệp hội về đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Hai là, trong bối cảnh mới, Bộ Lao động thương binh và xã hội phải đối mặt với:
- Kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp hạn hẹp.
- Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn, khoa học và công nghệ phát triển mạnh hơn (thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0);
- Bộ mới tiếp nhận thêm một nhiệm vụ mới;
- Nghị quyết Đảng lần thứ XII có nhiều tư tưởng chỉ đạo mới mang tính “cải cách”. Trong điều kiện này chúng tôi cho rằng Bộ Lao động thương binh và xã hội nghiên cứu thấu đáo hơn để hoàn thiện đề án.
Chúng tôi xin nêu vài việc.
Thứ nhất, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khi nêu phương hướng và nhiệm vụ của giáo dục Nghị quyết XII chỉ đạo: “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng một xã hội học tập”.
Thừa thầy thiếu thợ, Bộ trưởng Dung lo, Bộ trưởng Nhạ yên chí |
Cho dù vậy, Đề án mới tập trung vào chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập, ít quan tâm đến các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (ngoài công lập).
Cụ thể khi tổng hợp 14 kết quả đạt được và đưa 9 hạn chế yếu kém đều không thấy nhắc tới giáo dục ngoài công lập, không biết lượng trường, quy mô người học, thuận lợi khó khăn của các trường tư thục và dân lập ra sao;
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp lẽ ra nên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng nội dung này được đưa vào mục tiêu cụ thể và mục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không rõ định hướng cụ thể của Đề án về giáo dục ngoài công lập, khiến khó hình dung được một “hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng một xã hội học tâp”.
Thứ hai, nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp.
Vấn đề này Nghị quyết XII nêu rõ “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội”.
“Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Giai đoạn 2016-2020 “ngân sách Nhà nước bảo đảm cho giáo dục phổ cập, tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học công lập” (Văn kiện Đại học XII).
Cho dù thế, quan điểm của Đề án là “Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo”.
Việc “hoàn thiện thể chế về cơ cấu và phương thức đầu tư của ngân sách Nhà nước theo hướng:
"Doanh nghiệp gần như không có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực" |
+ Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 20-22% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo.
+ Thực hiện cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công giáo dục nghề nghiệp theo hướng ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí đối với một số dịch vụ đào tạo”
Trong khi đó, mới đây ngày 22/2/2017 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ thông điệp ngân sách đầu tư sẽ “tập trung cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đặc biệt là những vùng khó khăn.
Còn với giáo dục đại học sẽ chỉ đầu tư vào những trường, những ngành hiệu quả hoặc những ngành buộc phải đầu tư, còn lại sẽ phải sống bằng thị trường”.
Hiệp hội chúng tôi cho rằng quan điểm đầu tư, thứ tự ưu tiên cho giáo dục phải được Chính phủ thảo luận kỹ và thống nhất.
Thứ ba, cho dù tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 Chính phủ đã ban hành khung cơ cấu hệ thống, giáo dục quốc dân, trong đó khi nói về các cấp học và trình độ đào tạo đã ghi:... “c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng”.
Tuy vậy, nhìn vào sơ đồ chúng ta không thấy hiện diện trình độ sơ cấp. Nó ở đâu?
Thực ra trình độ “sơ cấp” ấy đang có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Nó giúp người lao động thay đổi nghề nghiệp, nó giúp phân luồng học sinh sau lớp 9...
Nó không chỉ đang có mặt ở các trường trung cấp, trường cao đẳng, các trung tâm hướng nghiệp, trung tâm doanh nghiệp của Nhà nước mà còn ở xí nghiệp, công trường, hộ gia đình,... nhằm “giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề”. Vì thế, đào tạo trình độ sơ cấp và thấp hơn cần được đề án này đặc biệt chú trọng…
Ba là, kỳ vọng của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Những vấn đề trên cùng những gì đặt ra từ thực tiễn, nó đòi hỏi chúng ta phải cởi mở hơn với 1989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và xã hội quản lý, với doanh nghiệp, với tư nhân, với hộ gia đình.
Đã đến lúc chúng ta buộc phải “đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” như tinh thần Nghị quyết XII của Đảng.
Vấn đề làm nhiệm vụ phân luồng học sinh phổ thông sau lớp 9 của 1989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý nên là một chủ trương rõ ràng, kèm đầu tư; vấn đề trường trong xí nghiệp hoặc ngược lại xí nghiệp đặt trong cơ sở đào tạo nghề nghiệp nên được rất khuyến khích, có chế tài. Chúng ta nỗ lực để đăng ký đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ sơ cấp trở xuống thuận lợi như mở công ty hiện nay.