Còn "bầu sữa ngân sách", giáo dục và nghiên cứu Việt Nam khó cất cánh

18/10/2017 07:22
LONG THIÊN
(GDVN) - Cánh cửa hội nhập đã mở, chúng ta phải quyết tâm phải thay đổi tầm nhìn và thay đổi cách nhìn về chính mình.

LTS: Đặt vấn đề về việc các trường đại học được nhà nước đầu tư ngân sách nhưng hiệu quả về nghiên cứu chưa cao, tác giả Long Thiên cho rằng kết quả xếp hạng đại học vừa qua chính là một tiếng chuông đánh thức sự tự thỏa mãn của các cơ sở đào tạo.

Theo đó, tác giả nhấn mạnh đến việc các cơ sở đào tạo cần đổi mới để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nghiên cứu và đầu tư cho nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục luôn được Nhà nước và xã hội quan tâm.

Khi giáo dục được đưa vào định hướng xã hội hóa, hệ thống các cơ sở đào tạo đại học đã được phân hóa, phân tầng và tạo ra cho người học nhiều cơ hội lựa chọn.

Hệ thống giáo dục công lập vẫn nhận được sự đầu tư của Nhà nước, trừ một số ít cơ sở đào tạo công lập đang hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Các khoản đầu tư vào cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ thu chi bao gồm:

(1) Các khoản đầu tư cơ sở vật chất: đất đai, cơ sở làm việc, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm…;

(2) Khoản lương cho lãnh đạo, viên chức của đơn vị theo lương cơ bản, hệ số lương và trợ cấp thâm niên;

(3) Khoản hỗ trợ đào tạo tính trên số lượng sinh viên theo chỉ tiêu đào tạo.

(Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam)
(Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Học phí và khoản hỗ trợ đào tạo

Phần lớn các cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ tài chính được sử dụng kinh phí Nhà nước phân bổ cho hoạt động.

Kinh phí này được tính trên cơ sở quy mô đào tạo của cơ sở.

Như vậy, nguồn học phí chỉ là một trong các nguồn thu của những cơ sở đào tạo này.

Chúng ta có thể thấy rằng:

Thứ nhất, nguồn kinh phí từ Nhà nước suy cho cùng do người dân đóng góp từ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, mặc dù các cơ sở đào tạo này thu học phí thấp so với các trường tư thục và các trường tự chủ tài chính (nếu nhìn từ số tiền học phí mà từng người học phải nộp).

Song nếu tính thêm khoản kinh phí Nhà nước chi cho hoạt động (chia bình quân từng sinh viên), thì khoản tiền mà xã hội phải “nộp” cho các cơ sở này chắc chắn không thấp.

Hiện nay, bình quân học phí (một năm) của các cơ sở đào tạo này trên một sinh viên vào khoảng 7 đến 8 triệu đồng, khoản hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước cũng không thấp hơn số này.

Còn "bầu sữa ngân sách", giáo dục và nghiên cứu Việt Nam khó cất cánh ảnh 2

Ngành giáo dục đang lãng phí quá nhiều

Do đó, tổng số học phí và khoản kinh phí từ Nhà nước tính trên một sinh viên cũng không quá thấp so với các cơ sở đào tạo tự chủ tài chính.

(Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì mức thu trung bình của một cơ sở đào tạo tự chủ tài chính dành cho các ngành khoa học xã hội ở mức cao nhất là 17,5 triệu đồng/1 sinh viên.

Nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng mức thấp hơn so với mức trần được quy định trong Nghị định này).

Thứ hai, trong khi các cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ có ít nhất hai nguồn thu thì các cơ sở tự chủ tài chính có nguồn thu chủ yếu từ học phí của sinh viên.

Các cơ sở đào tạo tự chủ tài chính không tạo áp lực tài chính cho ngân sách của Nhà nước và họ phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất các nguồn thu học phí.

Bởi lẽ nguồn thu học phí là nguồn tài chính cho sự tồn tại và phát triển của họ.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ tài chính cần phải dựa vào “bầu sữa” của ngân sách.

Sự khác biệt này có thể dẫn đến thái độ làm việc khác nhau giữa hai loại cơ sở này:

(1) Cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ tài chính có xu hướng lệ thuộc ngân sách và không năng động trong việc tiết kiệm chi tiêu, tìm kiếm nguồn thu khác để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Xu hướng hoang phí trong nghiên cứu và đào tạo hoàn toàn có thể xảy ra;

(2) Cơ sở đào tạo công lập đã tự chủ tài chính buộc phải tìm kiếm cách thức tồn tại bằng việc tổ chức chi tiêu hợp lý, hiệu quả và tìm kiếm các nguồn thu khác để bù đắp chi phí, tăng lợi nhuận.

Còn "bầu sữa ngân sách", giáo dục và nghiên cứu Việt Nam khó cất cánh ảnh 3

Tự chủ tài chính Đại học công lập sẽ dễ thu hút nhân tài là giảng viên hơn

Theo lẽ thông thường, các trường có độ tuổi lớn thường có “tiếng” trong đào tạo vì họ có lịch sử phát triển lâu dài.

Các thế hệ người học đi trước thường giới thiệu cho các thế hệ người đi học sau nên những trường “già” thường có một số thuận lợi hơn so với những trường trẻ, mới được thành lập.

Từ đó, độ thu hút nguồn đầu vào của các cơ sở đào tạo này cũng lớn hơn (không là tuyệt đối) so với các cơ sở đào tạo trẻ.

Điều này không hoàn toàn là cơ sở để kết luận các trường trẻ hơn có chất lượng đào tạo kém hơn các trường lâu năm.

Một khi sự “lâu năm” bị lạm dụng thì sự năng động cũng kém đi và dễ làm cho họ bị “già cỗi”.

Ngược lại, các cơ sở đào tạo trẻ, nếu họ biết khai thác sự “trẻ trung” bằng cách tiếp cận phương pháp đào tạo hiện đại, nghiên cứu hiệu quả và biết sử dụng cơ chế tự chủ để tồn tại thì chắc chắn họ mau chóng khẳng định vị thế của mình trong bản đồ đào tạo của quốc gia.

Điều này khá đúng khi những trường trẻ sẵn sàng áp dụng cơ chế tự chủ tài chính (cho dù họ là trường công lập).

Về nghiên cứu khoa học

Các cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ tài chính hoàn toàn sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để triển khai nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên.

Kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học đầu tư cho cơ sở vật chất để triển khai nghiên cứu như các phòng thí nghiệm, phòng Lab, các trung tâm nghiên cứu trực thuộc cơ sở đào tạo và nguồn kinh phí chi trực tiếp cho các đề tài nghiên cứu.

Số tiền đầu tư này hoàn toàn không nhỏ so với tổng thu của các cơ sở đào tạo.

Ví dụ, năm 2015, tổng kinh phí hoạt động của một đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.525 tỷ đồng.

Cơ sở này còn có phòng nghiên cứu công nghệ NANO có giá trị đầu tư là 40 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng kinh phí hoạt động của một đại học khác tại Hà Nội là 1.385 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ sở này còn được đầu tư 40 tỷ cho hệ thống siêu máy tính để phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Còn "bầu sữa ngân sách", giáo dục và nghiên cứu Việt Nam khó cất cánh ảnh 4

Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện

Tất cả khoản tiền này hoàn toàn từ thuế của người dân.

Vấn đề đặt ra là những cơ sở đào tạo này đã đem lại kết quả nghiên cứu nào và kết quả này phục vụ gì cho đào tạo và cho thực tiễn.

Về cơ bản, nghiên cứu khoa học có hai xu hướng là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

Về nghiên cứu cơ bản, mức độ cao nhất sẽ là định hình một lý thuyết, một cơ sở nền tảng cho một lĩnh vực (hoặc ít nhất là một nhánh) khoa học nào đó.

Nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này ít nhất phải giải quyết được một vấn đề mang tính lý thuyết trong lĩnh vực nghiên cứu.

Các kết quả nghiên cứu cơ bản sẽ có giá trị nếu nó tạo được tiếng vang trong khoa học.

Ngược lại, các đề tài, kết quả nghiên cứu sẽ không có giá trị nếu chúng chỉ là sự liệt kê, thống kê hoặc đơn giản là kể lại những gì người khác đã nghiên cứu.

Giá trị duy nhất (nếu có) là làm tài liệu tham khảo.

Tệ hại hơn, các đề tài sẽ được “nhai đi, nhai lại” qua các đề tài có nội dung, đối tượng và phạm vi nghiên cứu tương tự, trong các luận án từ trình độ cử nhân đến tiến sĩ.

Nếu rơi vào tình trạng này, các nhà khoa học chỉ luyện được trình độ “tự sướng” trong khoa học.

Về nghiên cứu ứng dụng, kết quả nghiên cứu sẽ có giá trị nếu giải quyết được các vấn đề của thực tiễn.

Cao hơn là khả năng dự báo về thực tiễn và đưa ra giải pháp giải quyết hiệu quả.

Chẳng hạn như các đề tài nghiên cứu về kinh tế cần giải quyết các vấn đề mà thị trường sẽ gặp và đang gặp phải từ hoạt động đầu tư đến những vấn đề đơn giản như giải quyết lượng cung cầu trong một lĩnh vực cụ thể.

Trong lĩnh vực luật, đề tài ứng dụng giải quyết các vấn đề từ hoạt động quản lý Nhà nước trong một ngành nào đó đến các vấn đề pháp lý mà xã hội đang gặp khó khăn khi xử lý…

Dưới góc độ uy tín đào tạo, chúng ta chỉ đang loay hoay định vị vị thế đào tạo của từng cơ sở trong hệ thống đào tạo quốc dân.

Phần lớn có thể đang hài lòng với những gì lịch sử của họ để lại. Chỉ một số ít đặt tầm nhìn và tìm cách vươn mình ra khu vực và thế giới.

Điều chắc chắn rằng, các cơ sở đào tạo của chúng ta muốn được xem xét xếp hạng (chỉ sử dụng từ là “được xem xét” xếp hạng), họ cần có công trình nghiên cứu được công bố quốc tế.

Các công trình nghiên cứu được công bố nội địa trên các tạp chí nghiên cứu trong nước mà quốc tế chưa từng biết đến, chưa được quốc tế xếp hạng chắc chắn không thể sử dụng để xếp hạng quốc tế.

Bất kỳ nhà khoa học nào không có công bố quốc tế cho dù có số lượng công bố trong nước khổng lồ cũng không có đóng góp nhiều cho việc đưa giáo dục nước nhà và hẹp hơn là đưa cơ sở đào tạo của họ vào tầm khu vực, quốc tế.

Còn "bầu sữa ngân sách", giáo dục và nghiên cứu Việt Nam khó cất cánh ảnh 5

Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu

Thực tế về kết quả nghiên cứu của các cơ sở đào tạo được cấp ngân sách từ Nhà nước hoàn toàn chưa cao.

Hai đại học công lập được đề cập ở trên dù mỗi đại học có kinh phí trên ngàn tỷ đồng mỗi năm và có hàng ngàn tiến sĩ nhưng hiệu suất nghiên cứu rất kém so với các đại học khác.

Mỗi năm hai “siêu đại học” này công bố chưa đến 350 bài ISI.

Còn các phòng thí nghiệm bạc triệu đô như đã đề cập thì chỉ cho vài bài ISI mỗi năm, phòng thí nghiệm Nano thì chủ yếu công bố trong nước.

Như vậy, về nghiên cứu cơ bản, công trình nghiên cứu quốc tế không nhiều.

Có thể số tiền đầu tư từ ngân sách trên một ngàn tỷ đồng chỉ tập trung nghiên cứu trong nước. Các nghiên cứu ứng dụng hoàn toàn không có.

Vì thế, những sự kiện đơn giản như giải cứu dưa hấu, giải cứu chuối… gần như chẳng được Nhà khoa học nào quan tâm.

Các vấn đề lớn hơn của quốc gia lại càng vắng bóng các nhà khoa học.

Với kết quả nghiên cứu như trên, các cơ sở đào tạo công lập sử dụng ngân sách không thể có cơ hội vươn tầm khu vực vì ít nhất chỉ tiêu nghiên cứu quốc tế không đảm bảo.

Vậy, chẳng có mục đích nào của việc nghiên cứu đạt được cho dù số tiền đầu tư mà người dân (thông qua Nhà nước) đã đổ vào các cơ sở trên (cho dù chỉ để xếp hạng đại học cũng không có được kết quả nào).

Trong khi đó, nhiều cơ sở đào tạo trẻ hơn, không sử dụng ngân sách cho dù là cơ sở công lập hay tư thục đã có những bước tiến dài trong nghiên cứu.

Ví dụ, Trường Đại học Duy Tân trong năm 2016 có đến 218 bài nghiên cứu công bố quốc tế, trong đó 207 công bố thuộc danh mục ISI với 140 bài trong số này các tác giả của Trường Đại học Duy Tân là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.

Hình minh họa: Báo Doanh nhân Sài Gòn.
Hình minh họa: Báo Doanh nhân Sài Gòn.

Về giá trị, các kết quả nghiên cứu chỉ nhìn từ góc độ lý thuyết cũng có thể thấy mặc dù không sử dụng bất kỳ khoản kinh phí nào từ ngân sách, trường đại học này cũng đem lại giá trị quốc tế, ít nhất là uy tín nghiên cứu quốc tế.

Lời kết

Vấn đề xếp hạng đại học đang tạo ra những tranh cãi từ các bên.

Nhưng từ góc độ sử dụng hiệu quả những gì xã hội đang đầu tư (cho dù đầu tư từ Nhà nước hay từ các bậc phụ huynh thông qua học phí), có thể thấy rằng các cơ sở đào tạo không thể “vui sống” trong những kỷ niệm hay lịch sử để lại – cho dù lịch sử ấy các thế hệ thầy, cô và sinh viên tạo ra.

Cánh cửa hội nhập đã mở, chúng ta có mạnh dạn bước ra, nhìn rộng và vươn vai hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm phải thay đổi tầm nhìn và thay đổi cách nhìn về chính mình.

Cho dù, có những quan điểm cho rằng cần xem xét khi xếp hạng từ các kết quả nghiên cứu trong nước, song người dân đang cần các nghiên cứu và các kết quả đào tạo có giá trị thực tế, có thể đem lại giá trị cho xã hội để đất nước chúng ta đủ sức vươn mình.

Kết quả xếp hạng cho dù chưa đem lại sự thỏa mãn cho mọi người, song nó đã phá vỡ cái “kén” tự thỏa mãn của các cơ sở đào tạo.

Nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, nếu chúng ta tìm cách phủ nhận hoặc làm giảm đi giá trị của kết quả xếp hạng, chúng ta đã vô tình khâu vá cái “kén” ấy để làm cái “màn bảo hộ” cho những nơi, những người không dám vươn mình.

Tiếc thay, nếu thế, các cơ sở đào tạo sẽ mãi mãi hài lòng với những gì đã có và càng tạo ra sự lãng phí nguồn lực xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

LONG THIÊN