Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện

10/07/2017 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - “Nhiều người quan niệm tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường được quyền tăng học phí. Tôi xin nhắc lại quan niệm này là phiến diện và chưa đầy đủ”.

Vào tháng 10/2016, Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong 14 trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện tự chủ, chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính...

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội với mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường...

Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và quy định tại Quyết định này.

Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong 14 trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện tự chủ (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong 14 trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện tự chủ (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Cũng theo đề án, mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2017-2018 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Tuy nhiên, khi quyền tự chủ đã được giao cho các cơ sở giáo dục thí điểm thì dư luận lại rộ lên thông tin tự chủ đồng nghĩa với việc học phí sẽ tăng. 

Trước thông tin này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định:

Nhiều người quan niệm tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường được quyền tăng học phí. Tôi xin nhắc lại quan niệm này là phiến diện và chưa đầy đủ”. 

“Tự chủ đại học chính là trao nhiều quyền quyết định cho cơ sở đào tạo đại học, không chỉ tăng học phí
”, ông Tớp nhấn mạnh. 

Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện ảnh 2

Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập

Vị Hiệu phó này cũng giải thích thêm, từ trước đến nay, các trường đại học công lập chưa tự chủ được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên.

Nghĩa là, người học chỉ phải đóng một phần kinh phí trong chi phí đào tạo. Nếu được tự chủ thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt. 

Riêng về học phí tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Tớp khẳng định, trường sẽ triển khai theo quy định của Chính phủ. Theo đó, có 2 đối tượng với mức đóng học phí khác nhau:

Trong năm học 2016-2017, đối với các sinh viên nhập học trước thời điểm tháng 10/2016 (K61 trở về trước), mức trần học phí là 9,5 triệu đồng/năm thì đến năm học 2017 – 2018, mức trần học phí sẽ là 11,3  triệu đồng/năm. 

Còn đối với các sinh viên nhập học năm học 2017 - 2018 trở đi, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện cơ chế thu và quản lý học phí với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học chính quy không vượt quá 16 triệu đồng/năm.  

Bên cạnh đó, ông Tớp cũng nêu rõ, khi thực hiện tự chủ, trường đã có những chính sách gì nhằm khuyến khích sinh viên và cơ chế giám sát nào để nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm:

- Hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định của Nhà nước đối với các em sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định kể từ khóa tuyển sinh năm học 2017 - 2018.  

- Nhà trường cũng cam kết xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên xuất sắc và sinh viên là đối tượng chính sách.

- Nhà trường cam kết mức tăng học phí sẽ dành để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện tại 80% các phòng học đã được trang bị điều hoà không khí, hệ thống màn chiếu, máy chiếu, âm thanh và đặc biệt mạng wifi miễn phí. 

Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự 

Chính phủ đang soạn một Nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường đại học, cao đẳng đều hoạt động tự chủ.

Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị Phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các trường đại học, cao đẳng diễn ra ngày 23/5 vừa qua.

Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: "Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện" (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: "Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện" (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, việc tự chủ không có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ không còn đầu tư vào các trường nữa. 

Tất cả những vướng bận, can thiệp hành chính không cần thiết vào môi trường giáo dục thì nhất định phải được dỡ bỏ. 

Khi đó, Chính phủ sẽ cho các trường đại học, cao đẳng tự chủ về chuyên môn. Về tài chính, các trường được tự chủ về nguồn thu và chi.

Trong nguồn thu của các trường có một phần được cấp từ ngân sách Nhà nước, chứ không phải là cấp phát cào bằng như trước mà sẽ thực hiện theo hướng nơi nào cần giao nhiệm vụ thì kèm theo kinh phí để thực hiện. Còn có những gì mà xã hội, doanh nghiệp cần thì đặt hàng thông qua các chương trình hỗ trợ cho sinh viên.

Nguồn thu thì phải huy động từ nhiều nguồn như huy động doanh nghiệp, xã hội và cũng có nguồn từ học phí của sinh viên.  

Nhưng khi các trường điều chỉnh học phí thì phải có cơ chế đồng bộ để đảm bảo cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ một phần học phí hay học bổng toàn phần.

Trước đó, vào ngày 20/5, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có buổi làm việc với ngành giáo dục, ông Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để có thể tự chủ thì phải có nguồn thu từ học phí để bù đắp nhưng tình hình hiện nay, các trường không dám tăng học phí vì sẽ không tuyển sinh được. 

Khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về tự chủ đại học, coi đây là khâu đột phá để tăng cường hiệu quả quản lý ở bậc đào tạo này.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị duy trì cấp ngân sách cho các trường đại học công lập 3 năm, tới năm 2020. Sau khi trường vững vàng về cơ chế tài chính thì sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ cao hơn nữa.

Về vấn đề tự chủ ở các trường đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tự chủ ở đây trước hết là tự chủ về tài chính. Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự còn những quyền hạn khác như tuyển dụng, xây dựng chương trình thực chất chỉ là phân quyền, giao nhiệm vụ chứ không phải là tự chủ.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tự chủ đại học nhằm tiến tới tạo thị trường cạnh tranh giữa các trường dựa vào chất lượng. Từ đó, các trường sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật.

Thùy Linh