LTS: Phó giáo sư Văn Như Cương đã từng chia sẻ “Lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nếu ta tiết kiệm, làm tốt thì sẽ có dư tiền phục vụ việc dạy học”.
Theo đó, trước tình trạng ngành giáo dục của chúng ta đang lãng phí quá nhiều ngân sách, nguồn nhân lực, thời gian... tác giả Nguyễn Cao cũng đã có bài viết phân tích về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ai cũng biết nước ta chưa giàu, ngân sách còn eo hẹp, đời sống của phần lớn người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, kinh phí của ngân sách cấp cho ngành giáo dục cũng còn nhiều thiếu thốn.
Thế nhưng, chỉ nhìn cách mà ngành giáo dục đang làm ta thấy ngành đang lãng phí nhiều quá. Lãng phí về thời gian, lãng phí về chính sách và lãng phí cả vật chất.
Nếu có chiến lược, có đầu tư, đặt lợi ích của người học, của nhân dân lên trên thì chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thứ. Chỉ tiếc, chỉ vì nhân danh một cái gì đó mà ngành giáo dục đang lãng phí rất nhiều.
Theo Báo Tuổi Trẻ, từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã đầu tư trên 180 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Trong số này rất nhiều nhóm thiết bị công nghệ cao, giá trị hàng chục tỉ đồng đang trong cảnh “đắp chiếu”. Tron ảnh là hệ thống phòng lab, màn hình thông minh tại Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sau nửa năm đưa về vẫn chưa một lần sử dụng - Ảnh: T.B.D. / Tuổi Trẻ. |
Theo Phó giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, qua các con số báo cáo về tình hình sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp có đến 170.000 - 200.000 người.
Thế nhưng, mỗi năm các trường sư phạm vẫn tiếp tục đào tạo thêm hàng chục ngàn sinh viên. Và, điều dĩ nhiên là số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp ngày một nhiều.
Chúng ta cứ thử hình dung, với giá cả hiện nay, mỗi tháng thì cha mẹ các em sinh viên phải đầu tư cho con em mình không dưới 4.000.000 đồng mới có thể đủ tiền thuê nhà, tiền ăn học. Bốn năm học phải đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Với khoản tiền ấy thì những em mà nhà có điều kiện thì không phải là quá lớn nhưng với những em sinh viên xuất thân từ nông thôn thì mỗi tháng các em phải tốn cả tấn lúa cho việc học tập.
Trong khi các tỉnh miền Bắc, miền Trung mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng. Với số tiền lớn như vậy thì cha mẹ phải bươn chải khắp nơi hoặc phải vay mượn.
Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục |
Tuy nhiên, nhiều em ra trường không có việc làm rồi lại quay ra làm công nhân hay làm một số công việc lao động phổ thông thì lãng phí biết chừng nào.
Không chỉ tốn tiền cha mẹ đã đầu tư, hi vọng mà vô tình lãng phí mất 4 năm tuổi trẻ vô ích và kéo thêm nhiều phiền muộn về sau nữa.
Nhiều tỉnh hiện nay rất chú trọng công tác đào tạo cán bộ nguồn, năm nào cũng mở lớp cán bộ quản lí giáo dục. Mỗi cấp học có hàng trăm giáo viên tham gia. Mỗi trường có ít nhất 1-2 cán bộ nguồn, các trường lớn thì còn cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, học xong về…chẳng để làm gì. Bởi ban giám hiệu mỗi trường chỉ có 2-3 người mà họ ngồi ghế ban giám hiệu hàng mấy chục năm thì đội ngũ cán bộ nguồn làm gì có cửa để bổ nhiệm.
Hiện nay, luật quy định 5 năm bổ nhiệm 1 lần và mỗi hiệu trưởng không làm quá 2 nhiệm kì/ trường.
Công tác đánh giá xếp loại hàng năm của chúng ta chưa được chú trọng. Cấp quản lí các thành viên ban giám hiệu là sở, phòng và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Nhưng, chủ yếu đánh giá hiệu trưởng qua cách tự xếp loại của hiệu trưởng, mà có hiệu trưởng nào lại tự xếp loại mình thấp đâu, toàn là xuất sắc, ít người tự xếp loại tốt.
Vì thế, rất hiếm có hiệu trưởng nào hết nhiệm kì mà lại không bổ nhiệm, hết 2 nhiệm kì thì luân chuyển sang trường khác.
Từ đó, vô hình trung năm nào cũng mở lớp đào tạo cán bộ nguồn hàng mấy tháng trời lãng phí biết bao nhiêu tiền của nhà nước.
Tiền địa phương chi cho trường đào tạo, tiền thuê địa điểm học, tiền in ấn tài liệu...
Học viên thì phải về thành phố học, nhiều học viên phải thuê nhà để học tập trong nhiều tháng. Rồi, đơn vị có giáo viên đi học phải chỉ tiền công tác phí, phải trả tiền phụ trội cho giáo viên dạy thay.
Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường |
Cơ sở vật chất trong nhà trường thì phần nhiều toàn mua hàng kém chất lượng để một thời gian ngắn lại thanh lí và mua cái mới.
Có điều, giá cả thì không bao giờ thấp hơn giá hàng xịn.
Trường lớp thì năm nào cũng sơn lại hoặc quét ve lại cho dù chưa cũ. Càng trường lớn càng mua sắm, sửa chữa nhiều.
Và dĩ nhiên, chuyện mua bán sửa chữa này đang làm lợi cho một số người.
Sách giáo khoa có nhiều loại sách, nhiều đầu sách phải mua mới từng năm bởi nhiều cuốn sách năm nào cũng có cụm từ “tái bản lần thứ…n…có chỉnh lí, bổ sung”.
Nghĩa là có một số môn, học sinh không được học sách cũ mà phải mua mới hoàn toàn. Chỉ vài chữ, vài số liệu trong sách mà học sinh phải mua sách mới.
Cả nước có hàng chục triệu học sinh thì số lượng vài ngàn đến vài chục ngàn một cuốn sách cũng là một số tiền không nhỏ.
Công tác đổi mới trong giảng dạy thì năm nào cũng thấy tập huấn nhưng cuối cùng cũng chẳng có cái gì mới. Nhiều môn học tập huấn kiểu xoay vòng tròn.
Chỉ riêng việc ra đề kiểm tra mà cứ mỗi năm mỗi khác. Năm nay tự luận, sang năm trắc nghiệm và tự luận, sang năm lại quay về tự luận.
Cuối cùng chẳng có gì mới mà tốn kém biết bao nhiêu tiền chi phí cho việc tập huấn hàng triệu giáo viên bởi giáo viên nào cũng mỗi năm đi tập huấn mấy lần.
Các cuộc thi thì tổ chức triền miên không có hồi kết. Chỉ một cuộc thi, hội thi nhưng cấp trường rồi đến cấp huyện, cấp tỉnh đều tổ chức.
Nhiều những cuộc thi hoàn toàn vô bổ mà tốn kém không biết bao nhiêu tiền của nhà nước. Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm là một ví dụ điển hình.
Đầu năm học, trường nào cũng bắt giáo viên làm hàng chục loại kế hoạch, sổ sách ngoài quy định so với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lãng phí là thiếu trách nhiệm với đất nước |
Nhưng làm xong rồi nộp ban giám hiệu kí chỉ có mỗi một việc để đối phó với thanh, kiểm tra. Ngoài ra chẳng có tác dụng gì, chẳng để làm gì hết.
Vô tình, mỗi giáo viên phải bỏ ra một số tiền để tin ấn, đóng bìa. Mỗi giáo viên mấy chục ngàn đồng, hàng triệu giáo viên thì sẽ tốn bao nhiêu tiền?
Mỗi năm học, các trường đều phải đón rất nhiều lượt thanh kiểm tra của các cấp. Mỗi đợt như vậy lại phải cơm nước, tiệc tùng. Có nơi còn phải có “phong bì” để cho cán bộ thanh, kiểm tra tiền “cà phê, cà pháo” nữa.
Dĩ nhiên, không có hiệu trưởng nào tự bỏ tiền túi của mình. Và điều dĩ nhiên là kế toán nhà trường lại phải tìm cách “lách luật” từ kinh phí nhà trường để bù lại các khoản chi tiếp khách.
Nhiều người cứ rao giảng đạo đức thế này, thế khác nhưng khi về cơ sở mà các đơn vị không đón tiếp “nhiệt tình” thì một điều chắc chắn là họ không vui, họ sẽ tìm nhiều thấy nhiều “sâu” đang đậu trên các “lá”.
Nhiều dự án, nhiều kế hoạch hiện nay đang làm theo nhiệm kì, người này lên thì phải tìm ra dự án, tìm ra các kế hoạch khác để có kinh phí. Vì thế, khi có dự án, có kế hoạch thì sẽ có thêm kinh phí để làm việc.
Vậy nên, rất nhiều những chuyện rất “tào lao” được triển khai và dĩ nhiên là giáo viên và học sinh sẽ là những vật thí nghiệm để thực hiện ý đồ của rất nhiều các dự án.
Cơ chế giám sát nhau của chúng ta chưa nghiêm, chưa triệt để nên chưa khiến một số lãnh đạo ngành giáo dục “nản tay, chùn bước”.
Sự lãng phí là có tội với đất nước, với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng có nhiều người họ đang xem đó là cơ hội để vét vơ cho riêng mình hoặc cho một số người. Lẽ nào chúng ta cứ để tình trạng lãng phí xảy ra mãi?