Những ngành học thi không cần chọi

19/05/2011 00:54
(GDVN) - Đại học Quốc tế, thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 20 chỉ tiêu cho ngành khoa học máy tính, nhưng chỉ có 9 hồ sơ đăng ký dự thi.

(GDVN) - Trong khi ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Cần Thơ đang tạm dẫn đầu về tỷ lệ chọi cao nhất với tỷ lệ 1/38 thì nhiều ngành của các đại học khác lại có tỷ lệ chọi siêu thấp, ở mức dưới 1. Đó là những ngành có số lượng hồ sơ ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

{iarelatednews articleid='2266,2234,2154,1979'}

Tuyển 20, thi 9 người

Đại học Quốc tế, thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 20 chỉ tiêu cho ngành khoa học máy tính, nhưng chỉ có 9 hồ sơ đăng ký dự thi, chưa được một nửa chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/0,45. Ngành Quản lý nguồn lợi thủy sản, tuyển 20 sinh viên nhưng chỉ có 11 hồ sơ, tỷ lệ chọi là 1/0,55. Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp tuyển 40 chỉ tiêu, có 34 hồ sơ. Ngành Kỹ thuật xây dựng tuyển 30 chỉ tiêu, có 27 hồ sơ.

Tương tự, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cũng có khá nhiều ngành tỷ lệ chọi dưới 1 như ngành Nghệ thuật dẫn chương trình, tuyển 40 chỉ tiêu nhưng chỉ có 28 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ chọi là 1/0,7; ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa còn ít hơn nữa, chỉ có 26 hồ sơ trên tổng 60 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ chọi là 1/0,4. Các ngành Văn hóa dân tộc thiểu số, Văn hóa học cũng có tỷ lệ chọi siêu thấp, lần lượt là 1/0,5 và 1/0,48.

Đại học Ngoại ngữ, thuộc Đại học Đà Nẵng tuyển 35 chỉ tiêu ngành Sư phạm tiếng Pháp, nhưng tổng số hồ sơ thu về chỉ 11 bộ. Ngành Sư phạm tiếng Trung, Cử nhân tiếng Thái Lan của trường này cũng rơi vào cảnh khan hiếm thí sinh. Tình trạng khan hiếm thí sinh cũng diễn ra ở một số ngành của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Các ngành Xây dựng công trình thủy, Sư phạm, Kỹ thuật điện tử - Tin học, Công nghệ vật liệu (silicat, polyme), Kinh tế lao động đều có lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít hơn so với chỉ tiêu.

Do lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít hơn cả số chỉ tiêu trường tuyển nên những thí sinh dự thi các ngành này phần nào được giảm áp lực thi cử do không phải lo “chọi” với các thí sinh khác.

 

Ngóng… nguyện vọng 2

Khi lượng thí sinh đăng ký dự thi quá ít, các trường đành trông ngóng vào nguyện vọng 2 và 3. Nhiều năm gần đây, năm nào Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tuyển thêm nguyện vọng 2. Năm 2010, trường tuyển đến 800 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho cả hai hệ đại học và cao đẳng. Điểm chuẩn nguyện vọng 1 cũng được rút xuống thấp tối đa, bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 14 điểm khối C, D và 13 điểm khối A.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng cũng chia sẻ, trường sẽ tuyển thêm chỉ tiêu nguyện vọng 2 và 3 nếu lượng thí sinh thi đỗ không đủ mở lớp. Bên cạnh đó, do Đại học Bách khoa Đà Nẵng lấy điểm chuẩn chung cho toàn trường nên những thí sinh đủ điểm đỗ vào trường nhưng không đủ điểm đỗ vào khoa đăng ký ban đầu có thể chuyển xuống học khoa có điểm chuẩn thấp hơn. “Nếu vẫn chưa đủ, trường đành tạm dừng mở cửa ngành”, ông Việt chia sẻ.

Phương thức tuyển của Đại học Nông nghiệp Hà Nội còn linh hoạt hơn nữa. Không chỉ tuyển nguyện vọng 2, tạo điều kiện cho thí sinh được chuyển ngành, trường còn lấy điểm chuẩn theo từng ngành, từ ngành có điểm chuẩn thấp nhất lấy bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến những ngành có điểm chuẩn tương đối cao, trên 20 điểm, để có được đối tượng thí sinh phong phú hơn, đúng với đăng ký của thí sinh hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hiệu trưởng Trần Đức Viên, cách huy động sinh viên từ ngành khác sang không phải lúc nào cũng khả quan vì nó trái với nguyện vọng ban đầu nên nhiều em không mặn mà. Vì thế, có những ngành, dù đã áp dụng đồng thời nhiều phương thức nhưng có ngành vẫn ít sinh viên tới mức phải tạm dừng đào tạo, thậm chí đóng cửa như ngành Công thôn.

Chưa thi đại học đã khan hiếm thí sinh, nhưng ông Viên cho rằng, thí sinh không nên chủ quan khi thấy tỷ lệ chọi quá thấp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh muốn đỗ trước hết phải “vượt vũ môn” với mức điểm bằng điểm sàn. “Hơn nữa, một trường có ngành ít hồ sơ, nhưng có ngành lượng hồ sơ lại rất lớn, trường lại cho phép thí sinh có thể chuyển từ ngành cao xuống ngành thấp điểm nên thí sinh không chỉ cạnh tranh với các sĩ tử đăng ký vào khoa của mình mà phải cạnh tranh với cả thí sinh các khoa khác”, ông Việt nói.

Tuấn Nguyễn