Vua Lê Thánh Tông vui Tết với dân

28/01/2017 00:31
Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trong thời gian trị vì, nhất là vào dịp đón xuân mới, Lê Thánh Tông đã nhiều lần vi hành để vui Tết cùng nhân dân.

LTS: Nhân dịp Tết đến xuân về, Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam câu chuyện "Vua Lê Thánh Tông vui Tết với dân".

Câu chuyện lịch sử thể hiện lòng nhân ái, đức độ của vị vua Lê Thánh Tông đối với nhân dân, đặc biệt trong dịp lễ Tết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Lê Thánh Tông (1460-1497) là một vị vua anh minh, quyết đoán, nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lớn của dân tộc, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước thịnh trị, thanh bình ở nửa cuối thế kỷ XV.

Ông là người đã xuống chiếu giải oan "án tru di tam tộc" cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Lê Thánh Tông là một nhà thơ, nhà cải cách giáo dục luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao dân trí.

Ông còn là người đề ra các bộ luật (Bộ luật Hồng Đức), ban hành nhiều quy định để thống nhất các phong tục trong cả nước.

Trong thời gian trị vì, nhất là vào dịp đón xuân mới, Lê Thánh Tông đã nhiều lần vi hành để vui Tết cùng nhân dân.

Năm đó, như mọi lần, vua Lê Thánh Tông mặc giả thường dân, ra ngoài thành xem dân tình chuẩn bị đón Tết.

Đi qua quán bán trầu nước, nhà vua chợt nhận ra rằng dường như gia chủ không có ý gì chuẩn bị Tết.

Vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân trong dịp lễ Tết. (Ảnh minh họa: Báo Giác Ngộ Online)
Vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân trong dịp lễ Tết. (Ảnh minh họa: Báo Giác Ngộ Online)

Vua bèn ghé vào hỏi thăm. Biết gia chủ neo đơn, chưa chuẩn bị được gì, vua Lê Thánh Tông tự tay viết giúp bà chủ quán câu đối đỏ để treo trước quán, nội dung như sau:

"Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm.
Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng
".

Câu đối miêu tả một quán trầu và nước với đầy đủ hiện vật của một quán hàng: giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước, bát, hàng... nhưng lại mang khẩu khí của một bậc đế vương, có tài "kinh bang tế thế": "Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng".

Tiếp đó, sau khi rời quán nước, nhà vua tiếp tục đi ra ngoại thành. Buổi tối hôm đó, ông đến một xóm nọ, thấy ở đây không khí chuẩn bị đón Tết rất nhộn nhịp.

Khuya rồi mà các nhà vẫn còn đèn đóm sáng trưng. Riêng có một nhà ở khuất cuối thôn thì đèn mờ leo lét, vua Lê Thánh Tông bước vào hỏi thăm. Gặng hỏi mãi nguyên cớ vì sao, chủ nhà mới ngượng ngùng đáp:

- Dạ!... Không dám giấu... chả là nhà cháu làm nghề hèn hạ, chuyên đi nhặt phân nên không dám linh đình đón Tết.

Suy nghĩ giây lát, nhà vua nói:
- Thôi được, nghề nào cũng là nghề, miễn là có ích cho dân. Tôi là học trò qua đường, xin viết giúp bác một đôi câu đối.

Chủ nhà mừng vui khôn xiết. Vua Lê Thánh Tông lấy giấy mực của mình mang theo viết luôn:

"Y nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự.
Đế tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm
".

Nghĩa là:
"Khoác một mảnh nhung y, gánh vác việc khó khăn của thiên hạ.
Nâng ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
".

Câu đối tả rõ nghề và công việc của gia chủ nhưng lại mang đầy khí phách anh hùng.

Đêm 30 Tết, giờ giao thừa đã gần đến, nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn thấy có một cái gì đó chưa ổn.

Vua Lê Thánh Tông vui Tết với dân ảnh 2

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

Nhà vua gọi mấy cận thần, cải trang thành thường dân đi cùng mình ra phố để xem dân tình đón giao thừa ra sao.

Thấy một nhà không có đèn đóm gì, nhà vua gõ cửa ghé vào.

Một thiếu phụ ra đón, hỏi ra mới biết gia chủ đang có tang, chồng làm thợ nhuộm mới qua đời.

Vua Lê Thánh Tông an ủi chủ nhà và bảo cũng nên làm Tết cho vui vẻ, cho con cái khỏi tủi thân.

Không những thế, nhà vua còn lấy giấy bút viết tặng mẹ con chủ nhà một đôi câu đối:
"Thiên hạ thanh, hoàng quy ngã thủ
Triều trung chu, tử tống ngô gia
".

Nghĩa là:
"Các thứ xanh, vàng trong thiên hạ đều vào tay ta.
Các thứ đỏ tía trong triều cũng đưa đến nhà ta
".

Câu đối thật tài tình ở chỗ nó vừa miêu tả công việc của người thợ nhuộm vừa tỏ chí lớn bao trùm thiên hạ của một bậc đế vương.

Giai thoại còn kể rằng, mấy hôm sau, ông thượng thư họ Lương đi chầu, qua nhà thợ nhuộm thấy câu đối có khẩu khí thì hoảng hốt vô cùng.

Vào triều, ông ta vội vàng tâu ngay với vua rằng nhà ấy nhà nọ có ý muốn làm bá chủ thiên hạ, cần phải cho người dò xét.

Vua Lê Thánh Tông nghe xong phì cười và nói câu đối ấy là do tay mình viết hộ, làm cho ông thượng thư họ Lương bị một phen tưng hửng.

Nhưng rồi, để bù vào sự bẽ bàng ấy, khi về nhà, ông ta nghĩ nhà thợ nhuộm mà được thiên tử ngự giá đến chắc con cháu sau này sẽ giàu sang phú quý, bèn đem ngay con gái mình gả cho con trai nhà thợ nhuộm.

Trong cuộc đời của mình, bao trùm lên tất cả, Lê Thánh Tông là người có tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc, có ý thức cao về sứ mạng của nhà vua đối với dân, với nước, được thể hiện rất rõ qua hai câu thơ của ông trong bài Vịnh Lưỡng Kiên sơn:

"Nhật Nguyệt đôi vầng soi trước mặt
Càn Khôn một gánh nặng trên vai
".

Vua Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm, thọ 58 tuổi.

Tài liệu tham khảo:
- "101 chuyện xưa tích cũ", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

Đặng Việt Thủy