Ngày 21/2, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thay mặt thường trực ủy ban đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương.
Cụ thể, theo cơ chế quản lý nhà nước trong giai đoạn tới, khi thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII thì chính quyền địa phương quản lý tổng hợp;
Việc sáp nhập các Sở, ngành tại địa phương là tất yếu, trong đó các sở giáo dục và đào tạo, lao động thương binh xã hội có thể không là cơ cấu “cứng”, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục với vai trò “là quốc sách hàng đầu”.
Ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn). |
Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo ở địa phương trong Luật.
Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Xung quanh đề xuất trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, việc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có Sở Giáo dục riêng là rất đúng và cần thiết.
5 vấn đề Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến Thường vụ Quốc hội |
Lý giải về ý kiến của mình, ông Lê Như Tiến nói: “Bởi vì giáo dục là Quốc sách hàng đầu.
Việc học tập là suốt đời đối với mỗi cá nhân.
Gia đình nào cũng có con em đi học, không học cấp học này thì cấp học khác.
Giáo dục đã gắn liền với từng người, từng nhà, là quốc sách thì cần có một cơ quan riêng để tổ chức, quản lý chứ không thể sáp nhập với bất cứ một sở ngành khác nào được”.
Cũng theo vị này: “Việc rút gọn bộ máy nhà nước thì các sở ngành khác sáp nhập với nhau như trước đây là sáp nhập Sở Văn hóa với Sở Thông tin thành Sở Văn hóa, thông tin.
Hoặc, sáp nhập Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy Sản thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hợp lý.
Nhưng riêng Sở Giáo dục và Đào tạo tôi thấy không thể nào sáp nhập được. Không thể sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với bất cứ sở ngành nào khác”.
Ông Tiến nhấn mạnh: “Đảng và nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, muốn sáp nhập Sở Giáo dục thì cần phải cân nhắc.
Tinh giản biên chế, rút gọn bộ máy thì cần thiết nhưng không cực đoan đến mức sáp nhập Sở Giáo dục với các sở khác”.
Sáp nhập Sở tự phát như trăm hoa đua nở sẽ phá vỡ tính hệ thống, thông suốt |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội còn cho rằng:
“Trong rút gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì cần tùy vào tính chất đặc điểm của từng địa phương, từng tỉnh, từng thành phố ví dụ như miền núi có ban dân tộc miền núi thuộc Hội đồng nhân dân nhưng các tỉnh đồng bằng thì không nhất thiết phải có.
Các nơi có biển thì có cơ quan theo dõi về biển riêng còn các tỉnh không có biển thì không nhất thiết phải có cơ quan này.
Nhưng giáo dục thì địa phương nào, tỉnh nào cũng phải có hết. Bởi sinh ra lớn lên là phải đi học hành rồi”.
Ông Lê Như Tiến khẳng định: “Kiến nghị của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn với giáo dục nước ta.
Hiện đang chủ trương bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí thì điều đó càng cần thiết hơn.
Và Nghị quyết của Đảng cũng xác định rõ, đổi mới toàn diện giáo dục. Đổi mới là tìm ra phương thức, cách thức khoa học, nâng cao được chất lượng giáo dục đào tạo hơn.
Do đó tôi thấy Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh thành cần thiết và nhất thiết phải có”.