Không còn sở giáo dục thì quốc sách ai lo?

31/03/2018 07:47
Bạch Đằng
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến: “Quan điểm nhất quán của Đảng luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu như không còn sở giáo dục nữa thì làm sao gọi là quốc sách được”.

Dự thảo nội dung mới của Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP - Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tinh thần chính là "giữ ổn định, hợp nhất hoặc sáp nhập do hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định".

Hiện dư luận đang băn khoăn, liệu sở giáo dục như hiện nay sẽ được giải tán thay vào đó là một tổ chức khác lo việc học ở địa phương?

Xung quanh nội dung dự thảo lần này, có người cho rằng việc hợp nhất hoặc sáp nhật sở giáo dục với các sở ngành khác là đúng. Vì hiện nay, vai trò của sở giáo dục ngày càng mờ nhạt.

​Nhưng cũng có ý kiến phản đối vì cho rằng, giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên cần có một sở độc lập để quản lý.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: "Nếu như không còn sở giáo dục nữa thì làm sao gọi là quốc sách được" - ảnh nguồn giaoduc.net.vn.
Ông Lê Như Tiến cho rằng: "Nếu như không còn sở giáo dục nữa thì làm sao gọi là quốc sách được" - ảnh nguồn giaoduc.net.vn.

Trước ý kiến trái chiều về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:

“Lâu nay, chúng ta vẫn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đảng ta đã xác định rõ như vậy nhưng tại sao giáo dục không với tư cách sở độc lập mà lại sáp nhập hoặc là hợp nhất với sở khác”.

Phân tích sâu hơn lý do nên để sở giáo dục tồn tại độc lập, ông Lê Như Tiến cho biết: “Các sở ngành nào ở địa phương cũng quan trọng nhưng trong đó những sở như y tế, giáo dục… có vai trò đặc biệt.

Quan điểm nhất quán của Đảng luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu như không còn sở giáo dục nữa thì làm sao gọi là quốc sách được.

Không còn sở giáo dục thì quốc sách ai lo? ảnh 2Sẽ có tỉnh không còn Sở Giáo dục

Một tỉnh hay cả nước, gia đình nào cũng có con em đi học. Thậm chí, không phải con em mà chính bản thân phụ huynh cũng là đối tượng của giáo dục. Do đó, không thể có chuyện xóa bỏ sở giáo dục”.

Qua trao đổi với nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội có thể thấy vị này không đồng ý với việc xóa bỏ sở giáo dục.

“Tôi rất là tán thành việc cần phải tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh nhưng đối với ngành giáo dục không thể coi nhẹ được”- ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, việc xóa bỏ sở giáo dụ sẽ mâu thuẫn với việc, Đảng và nhà nước xem giáo dục là một trong ba trụ cột trong việc phát triển kinh tế xã hội.

Giáo dục đào tạo là một trụ cột quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Lê Như Tiến: “Kinh nghiệm của các nước chúng ta học tập được thì bao giờ cũng xem trọng giáo dục và đào tạo. Phát triển về con người là ưu tiên phát triển đầu tiên.

Chúng ta cũng xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Không còn sở giáo dục thì quốc sách ai lo? ảnh 3Bỏ Phòng Giáo dục, chuyện không đơn giản đâu

Cuối cùng Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi thấy ngạc nhiên vì trong dự thảo của Chính phủ không đưa sở giáo dục đào tạo thành một sở độc lập chuyên lo về công tác giáo dục đào tạo con người.

Với vai trò giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển hiện tại và trong tương lai của đất nước thì mỗi tỉnh có một sở giáo dục là cần thiết”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, về cơ cấu tổ chức của sở thì đối với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1: Các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước gồm 7 sở: Nội vụ; Tư pháp;

Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Thanh tra; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nhóm 2: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất.

Nhóm 3: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

Bạch Đằng