Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm

17/09/2018 07:00
THIÊN ẤN
(GDVN) - Một số em còn phản ánh không ít giáo viên dùng việc kiểm tra bài như là một trong những "chiêu" để gây áp lực ép học sinh phải đi học thêm...

LTS: Chỉ ra nguyên nhân cũng như mong muốn về việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên đối với học sinh, thầy Thiên Ấn - một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như dạy học đã có những chia sẻ về vấn đề này thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong Công văn số 3049/GDĐT-TrH về Hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nhiệm vụ chuyên môn Giáo dục Trung học năm học 2018-2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu ký vừa ban hành ngày 05/9/2018 đã nhấn mạnh đến việc tổ chức kiểm tra, trường và giáo viên không kiểm tra liên tục, thường xuyên, không tăng số lượng bài kiểm tra quá mức quy định để tránh gây áp lực học tập căng thẳng lên học sinh.

Nội dung, mức độ, độ dài của bài kiểm tra cần phù hợp với chương trình học và trình độ của học sinh.

Việc đa dạng hóa các nội dung và hình thức kiểm tra như tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống, tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh qua các hình thức thuyết trình, thực hành, sản phẩm ứng dụng…

Giáo viên kiểm tra bài học sinh (Ảnh mang tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên kiểm tra bài học sinh (Ảnh mang tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Là người trong cuộc, tôi rất đồng tình với nội dung, yêu cầu trên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đối với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về kiểm tra, đánh giá học sinh.

Theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, tại Điều 8 quy định Số lần kiểm tra và cách cho điểm như sau:

1. Số lần kiểm tra định kỳ: được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.

2. Số lần kiểm tra thường xuyên: trong mỗi học kỳ một học sinh phải có số lần kiểm tra thường xuyên của từng môn học bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn như sau:

a) Môn học có 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 2 lần;

b) Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 3 lần;

c) Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 4 lần.

3. Số lần kiểm tra đối với môn chuyên: ngoài số lần kiểm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên có thể quy định thêm một số bài kiểm tra đối với môn chuyên.

4. Điểm các bài kiểm tra thường xuyên theo hình thức tự luận là số nguyên, điểm kiểm tra thường xuyên theo hình thức trắc nghiệm hoặc có phần trắc nghiệm và điểm kiểm tra định kỳ là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm ảnh 2Thầy giáo nói ra những bí mật của kiểm tra miệng ở trường phổ thông

5. Những học sinh không có đủ số lần kiểm tra theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này phải được kiểm tra bù.

Bài kiểm tra bù phải có hình thức, mức độ kiến thức, kỹ năng và thời lượng tương đương với bài kiểm tra bị thiếu.

Học sinh không dự kiểm tra bù sẽ bị điểm 0 (đối với những môn học đánh giá bằng cho điểm) hoặc bị nhận xét mức chưa đạt (đối với những môn học đánh giá bằng nhận xét). Kiểm tra bù được hoàn thành trong từng học kỳ hoặc cuối năm học.

Nếu các nhà trường, thầy cô giáo bộ môn thực hiện đúng về số lần kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ trong mỗi học kỳ như quy định đã nêu trên thì khỏi phải nói, học sinh sẽ không bị áp lực, căng thẳng bởi các bài kiểm tra.

Đằng này, nhiều giáo viên rất tùy tiện, ngẫu hứng trong việc tổ chức các hình thức kiểm tra bài, vở học sinh.

Mệt mỏi, buồn bã, dạy nửa chừng, cho kiểm tra. Bận công việc nhà trường hoặc gia đình, bảo các em lấy giấy ra kiểm tra 1 tiết, 2 tiết. Làm mất hay quên bài kiểm tra ở đâu đó cũng bắt học trò kiểm tra thay thế.

Kiểm tra bài cũ đầu tiết thường từ 1 đến vài em, kéo dài khoảng 3, 5 phút là xong nhưng có thầy cô giáo lại kiểm tra bài cũ đến cả chục em, vì hôm đó bực bội các em kiểm tra đầu không thuộc, không soạn bài hay có chuyện gì đó chi phối…

Số bài, số lần kiểm tra thì rất nhiều song số bài kiểm tra có chấm điểm, phát ra cho học trò lại khiêm tốn, ít ỏi…

Kế hoạch kiểm tra mỗi môn học và mỗi giáo viên thường khác nhau nên có buổi học học sinh phải gồng mình lên làm đến hai, thậm chí ba bài kiểm tra trên giấy.

Một số em còn phản ánh không ít giáo viên dùng việc kiểm tra bài như là một trong những "chiêu" để gây áp lực ép học sinh phải đi học thêm...

Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm ảnh 3Kiểm tra không lấy điểm ở bậc phổ thông của Mỹ

Kiểm tra liên tục, kiểm tra nhiều lần so với quy định, kiểm tra nhiều học sinh; nội dung, kiến thức kiểm tra vừa dài vừa khó, dùng các con điểm để “hù dọa” học sinh… là thứ “bệnh” mà nhiều giáo viên đã, đang mắc phải.

Điều này khiến cho một số em nhất là diện học yếu, năng lực tiếp thu bài hạn chế không “chịu nổi”, luôn trong tâm trạng lo sợ, căng thẳng khi đến trường, vào những tiết học của thầy này, cô kia.

Chưa kể, có em bị trầm cảm, thần kinh, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện tâm thần vì “bức xúc” trước sức ép kiểm tra quá mức của một số giáo viên gây ra.

Nguyên nhân, do một số giáo viên không chấp hành nghiêm túc kế hoạch dạy học, các quy định, quy chế chuyên môn của tổ, trường, phòng, Sở Giáo dục và Bộ Giáo dục và đào tạo.

Nguyên nhân khác, công tác quản lý, kiểm tra, nhắc nhở về chuyên môn, dạy học đối với giáo viên của tổ trưởng, ban giám hiệu nhà trường còn buông lỏng, dễ dãi, không sâu sát, không thường xuyên để một số thầy cô tùy tiện, ngẫu hứng, thích kiểm tra lúc nào thì kiểm tra lúc đó, chẳng hề quan tâm, chú ý đến sức chịu đựng của các em.

Tôi mong sao có thêm nhiều địa phương chỉ đạo, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học mới cụ thể, “bắt” đúng “bệnh” của nhiều giáo viên, nhà trường như Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

THIÊN ẤN