Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông.
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người.
Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Về công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên, tại Phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, một số đại biểu, chuyên gia cho rằng, hiện nay phương thức, nội dung, chỉ tiêu tuyển dụng nhà giáo còn nhiều bất cập.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, việc tuyển dụng nhà giáo chủ yếu do cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông và cơ sở giáo dục trực thuộc).
Theo bà Ngô Thị Minh, dù thực hiện tuyển giáo viên theo Luật Viên chức nhưng ngành nội vụ các địa phương vẫn chủ trì trong khi vai trò của ngành giáo dục rất quan trọng. (Ảnh: Thùy Linh) |
Gần đây, ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Thời gian qua, số lượng giáo viên giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ hưu, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong việc sắp xếp giáo viên khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số giáo viên đã giảm (có những bộ môn, mỗi trường chỉ được phân bổ từ 1 đến 2 giáo viên).
Giải trình về những tồn tại trong việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên; nhất là tình trạng thừa thiếu giáo viên vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hầu hết các tỉnh không được giao thêm biên chế mặc dù số học sinh trong thời gian qua vẫn tăng.
Do vậy, đã có một số địa phương thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ không đúng các quy định hiện hành, đặc biệt là việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao đối với giáo viên các cấp học, nhiều nhất là đối với cấp học mầm non, tiểu học.
Chính sách hợp đồng là bất cập và tội nghiệp đối với giáo viên |
Không chỉ vậy, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Đưa ra giải pháp tháo gỡ trong công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Minh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
“Tuyển giáo viên mà như tuyển viên chức ngành khác là rất bất cập cho ngành giáo dục. Bởi lẽ, dù thực hiện tuyển giáo viên theo Luật Viên chức nhưng ngành nội vụ ở tất cả các địa phương vẫn giữ vai trò chủ trì trong khi vai trò của ngành giáo dục rất quan trọng.
Do đó, thời gian tới ngành giáo dục cần phối hợp sâu hơn nữa với ngành nội vụ trong vấn đề bố trí, sắp xếp, kể cả công tác tuyển dụng, tránh tình trạng một số nơi không quan tâm đến vai trò của ngành giáo dục nên ngành nội vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh mà không tham khảo sâu ý kiến của ngành giáo dục để dẫn tới hậu quả thừa thiếu giáo viên như thời gian qua”.
Mặc dù theo bà Minh, tại khoản 2, Điều 58 của Luật Giáo dục hiện hành đã giao thẩm quyền “tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên;” cho nhà trường tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong công tác tuyển dụng khi thực hiện Luật Viên chức, do đó chúng ta cần xem xét thấu đáo và có lộ trình trình với Quốc hội để đề nghị sửa Luật Viên chức.
Song song với quá trình đó là cần nhanh chóng có Luật Nhà giáo, mặc dù trong lần sửa Luật Giáo dục (tới đây) sẽ có Chương về Nhà giáo, dù vậy cũng chưa thể đưa hết những vấn đề đặt ra nhưng ít nhất phải có quan điểm đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao.
Bởi lẽ, đây chính là đội ngũ gánh đỡ những gánh nặng với ngân sách nhà nước tuy nhiên, thời gian qua chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển vẫn còn hạn chế.
Theo bà Minh, muốn làm được điều này thì chính sách đất đai, tín dụng cần có những tiêu chí phân bổ cụ thể ra sao tiếp cận trên cơ sở bình đẳng, công bằng, ví dụ, những cơ sở giáo dục ngoài công lập không được hỗ trợ đất đai thì được hỗ trợ tín dụng thế nào?
Ngoài ra, cũng theo vị này, có một vấn đề mà Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng rất quan tâm đó là chính sách miễn học phí cho trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở cần phải tính toán chứ không phải cứ vào trường công là được miễn.
Bởi lẽ, “nếu cứ được miễn học phí thì trường công sẽ tiếp tục chịu những áp lực về tăng biên chế, tăng số học sinh…do đó giải pháp hỗ trợ phát triển trường ngoài công lập là rất cần thiết để giúp các cơ sở giáo dục công lập được phát triển, bớt đi những gánh nặng, tránh được tình trạng dôi biên chế, áp lực cơ sở vật chất”, bà Minh nói.