Theo Luật sửa đổi, mô hình đại học quốc gia và đại học vùng có thay đổi?

14/11/2018 06:35
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Ban soạn thảo, sau hơn 20 năm vận động và phát triển, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng dần ổn định và mang lại kết quả nhất định không thể phủ nhận.

Ở nước ta các đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, dựa trên quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 4 Ban chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. 

Tuy nhiên đã 24 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh” như kỳ vọng. 

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay, khi thành lập các đại học đa lĩnh vực xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như:

Bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)... 

Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp.

“Kết quả là các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học - trường – khoa – bộ môn”, ông Khuyến thừa nhận. 

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung, sau hơn 20 năm vận động và phát triển, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng đã dần ổn định và đã mang lại kết quả nhất định không thể phủ nhận. (Ảnh: Nguồn VTC)
Theo Ban soạn thảo Dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung, sau hơn 20 năm vận động và phát triển, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng đã dần ổn định và đã mang lại kết quả nhất định không thể phủ nhận. (Ảnh: Nguồn VTC)

Ông Khuyến cho biết thêm, để giữ được vị thế của mình vốn đã từng là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp đã gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học. 

Thực ra các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”. 

Hơn nữa, về mặt thể chế các quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học đa lĩnh vực được quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và ở Điều lệ trường đại học, đã gần như khẳng định tư cách hoạt động độc lập của các trường thành viên – điều tối kỵ đối với một đại học đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây .
 
Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” hay “tổng cục”  trong thể chế hiện nay.

Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên đây là một sai lầm mà chúng ta cần cấu trúc lại đại học vùng đa lĩnh vực sao cho hợp lý hơn để phát huy sức mạnh của cơ sở giáo dục đó. 

Qua đó, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất cần nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực. 

Theo Luật sửa đổi, mô hình đại học quốc gia và đại học vùng có thay đổi? ảnh 2Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học

Vấn đề mô hình đại học quốc gia, đại học vùng một lần nữa được đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học khi có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc giải thể đại học vùng với lý do mô hình này không phù hợp, làm kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo Dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung khẳng định, ở Việt Nam, việc thành lập các đại học quốc gia, đại học vùng thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII nhằm “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia” và ý kiến của Bộ Chính trị tại Thông báo số 315-TB/TW ngày 29/8/2000. 

Trên thế giới, mô hình tổ hợp các trường đại học độc lập thành một hệ thống không phải là điều mới. Một số quốc gia như Pháp, Mỹ, Nga, Philipin, Ấn Độ,… đều có hệ thống đại học gồm nhiều trường đại học bên trong. 

Đây cũng là xu hướng phát triển nhằm tăng tính liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0

Sau hơn 20 năm vận động và phát triển, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng đã dần ổn định và đã mang lại kết quả nhất định không thể phủ nhận.

Trong đó, nổi bật nhất là việc 02 đại học quốc gia là hai cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam được ghi tên vào danh sách 1000 trường đại học hàng đầu thế giới

Với các kết quả đã đạt được, vấn đề quan trọng là Dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm cải tiến và nâng cao hiệu quả mô hình đại học và quản lý giáo dục đại học trong thời gian sắp tới. 

“Mục tiêu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên cơ sở bảo đảm kế thừa thực tiễn, tính khả thi và hội nhập quốc tế. 

Vì vậy, dự thảo giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, đồng thời phải tạo cơ hội thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của hệ thống, sáp nhập các trường đại học thành các đại học, khắc phục thực tiễn của rất nhiều trường đại học nhỏ, không đạt chuẩn hiện nay;  trong đó vai trò của các đại học quốc gia là cần thiết làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống”, Ban soạn thảo nhấn mạnh. 

Thùy Linh