Đã có nhóm nghiên cứu triết lý giáo dục đề tài cấp quốc gia để được đồng thuận

15/11/2018 13:53
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã có phát biểu cuối phiên thảo luận.

Theo thống kê, có 60 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng chỉ có 28 đại biểu được phát biểu, một đại biểu tranh luận. Các ý kiến còn lại sẽ được gửi lại cho bạn soạn thảo tổng hợp.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, một lần nữa, triết lý giáo dục của Việt Nam là gì lại được đại biểu Phạm Trí Thức – đoàn Thanh Hoá quan tâm bàn thảo.

Đại biểu chia sẻ, ông đọc về mục tiêu giáo dục của các bậc học tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tập trung nhiều ngôn từ đúng, hay, đẹp, vừa có tính dân tộc, có tính quốc tế như mục tiêu phát triển con người Việt Nam có đạo đức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ, trí tuệ....

Đại biểu nhấn mạnh, trong một loạt khẩu hiệu có trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành, liệu có thể tìm được một khẩu hiệu nào chung nhất cho giáo dục Việt Nam?

Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức. Ảnh: Quochoi.vn

Vì thế đại biểu đại biểu lo: “Một loạt mục tiêu như trên khi Luật đi vào cuộc sống thì từ mục tiêu này để cụ thể hoá thành yêu cầu nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục sẽ như "chim chích vào rừng rậm", rất khó thực hiện”.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu, có triết lý giáo dục vừa bảo đảm tính thời đại, hiện đại, vừa kế thừa truyền thống dân tộc.

Cùng với đó phát biểu về chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm non, đại biểu Ka H’Hoa (Đăk Nông) nêu ý kiến, riêng đối với quy định về trình độ giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên cần tính toán đến lộ trình thực hiện và yếu tố tác động từ thực tiễn.

Song song với nâng chuẩn trình độ giáo viên, cần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đãi ngộ đối với giáo viên.

Về chính sách cử tuyển, đại biểu cho rằng, đây là chính sách nhân văn, tạo nguồn nhân lực cho các vùng dân tộc. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua đã có những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách này.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các tiêu chí về xây dựng chỉ tiêu cử tuyển, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, gắn với công tác quy hoạch cán bộ và nhu cầu sử dụng của địa phương.

Bảo đảm để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách tín dụng sư phạm đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm trước khi áp dụng vào thực tiễn.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự thảo Luật có chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy tới.

Theo đó, việc hoàn thiện, chỉnh sửa sẽ theo hướng thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách  giáo khoa phổ thông cũng như cập nhật tinh thần các nghị quyết Trung ương gần đây liên quan nhiều đến giáo dục đào tạo. Đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong thời gian tới cần rà soát cụ thể hơn các vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội, các nút thắt trong phát triển giáo dục, từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì cụ thể được thì cụ thể luôn trong Luật để khi triển khai không cần văn bản hướng dẫn, bảo đảm tính khả thi khi đi vào cuộc sống

Có một số vấn đề lớn, cần nghiên cứu thấu đáo trong đánh giá tác động như các đại biểu nêu về chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm mon, chính sách giáo dục  miền núi, chính sách xã hội hoá...

“Có những vấn đề cũng cần nghiên cứu thấu đáo, tạo đồng thuận cao trong xã hội như triết lý giáo dục”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra sự thống nhất cao, có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.

Đỗ Thơm