Cô Hoàng Thị Lương hết lòng với học trò khiếm thính

09/12/2018 07:30
LÃ TIẾN
(GDVN) - Gần 20 năm gắn bó với trường khiếm thính, cô hiệu trưởng Hoàng Thị Lương luôn ấp ủ yêu thương, trăn trở khát vọng bù đắp cho những mảnh đời bất hạnh.

Trước khi nhận công tác tại Trường Khiếm thính Hải Phòng, cô giáo Hoàng Thị Lương đã có 5 năm công tác tại Trường Tiểu học Quang Hưng (huyện An Lão).

Cô Lương kể, những ngày đầu nhận công tác tại ngôi trường mới, khi gặp các em học sinh khiếm thính là thời điểm cô cảm thấy khó khăn nhất vì cô trò không thể giao tiếp với nhau, không biết truyền đạt ra sao cho trẻ hiểu…

Lớp của trẻ khiếm thính hầu như không đúng độ tuổi. Mỗi học sinh bị khuyết tật theo mức độ nặng, nhẹ khác nhau.

Có em sẵn sàng nổi loạn, la hét trong lớp, có em lại khóc lóc, sợ hãi. Điều này khiến cô Lương không khỏi lo lắng.

Cô giáo Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Hải Phòng chăm sóc bữa ăn trưa cho học sinh (Ảnh: Tuyết Mai)
Cô giáo Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Hải Phòng chăm sóc bữa ăn trưa cho học sinh (Ảnh: Tuyết Mai)

“Bước vào lớp, chào các em, các em không nghe thấy. Muốn các em đáp lại, tôi cũng không biết phải giao tiếp như thế nào.

Tôi hụt hẫng và cảm thấy bế tắc vì không tìm được sự đồng điệu giữa thầy và trò.

Nhưng ánh mắt trong sáng, sự hồn nhiên của các em đã đánh thức bản năng làm mẹ trong tôi, giữ chân tôi ở lại.

Dần dần, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cô Lương chủ động dự giờ của các giáo viên để học hỏi kinh nghiệm giao tiếp với các em bằng kí tự và mọi chuyện đã trở nên thuận lợi”, cô hiệu trưởng chia sẻ.

Cô giáo Lương cho biết, phần lớn, học sinh của trường khiếm thính là trẻ câm điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Khả năng tiếp thu ngôn ngữ, kiến thức của các em chậm hơn những đứa trẻ bình thường, nên giáo viên phải chia nhỏ kiến thức, chia nhóm.

Cô Hoàng Thị Lương hết lòng với học trò khiếm thính ảnh 2Nỗi lòng của cô giáo xứ Nghệ với học sinh khuyết tật

“Để dạy học sinh bình thường đã khó, nhưng dạy học sinh khuyết tật thì công việc vất vả hơn nhiều.

Có khi cô giáo mất đến hàng giờ đồng hồ để dạy trẻ nhớ tên câu chuyện, tên bài tập đọc.

Không chỉ dạy kiến thức, chúng tôi còn kết hợp thầy, cô quản sinh uốn nắn các em những kỹ năng vệ sinh cá nhân thông thường. Gian nan là thế nhưng chưa khi nào tôi có ý định rời xa công việc này”, cô Lương tâm sự.

Trong 15 năm trực tiếp giảng dạy tại ngôi trường khiếm thính, cô giáo Hoàng Thị Lương nhiều năm liền được công nhận là nhà giáo tiêu biểu, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. 

Sau này làm công tác quản lý, cô hiệu trưởng Hoàng Thị Lương tích cực nâng cao chất lượng dạy, học trong toàn trường bằng cách khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt phù hợp, hiện đại.

Năm học 2017-2018, trường có hơn 130 học sinh theo học khối văn hóa và gần 90 học sinh ở lớp hướng nghiệp, học nghề. 

Kết quả, khoảng 96% học sinh theo học tại trường có kỹ năng tự phục vụ, khả năng giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội.

94,7% học sinh ở khối văn hóa hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ rèn luyện và hơn 70 học sinh theo học lớp hướng nghiệp, dạy nghề được đánh giá có kỹ năng nghề, kỹ năng nghề tốt.

Trong năm học 2017-2018, 154 em đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ và 18 lớp được nhà trường khen thưởng có thành tích tốt trong học tập và phong trào tập thể.

Nhờ sự dìu dắt của cô, nhiều thế hệ học trò trở thành những người kỹ sư giỏi, nghệ nhân lành nghề.

Năm 2017, cô Lương vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển trường giai đoạn 40 năm.

LÃ TIẾN