10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2013

25/12/2013 08:13
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là những vấn đề thời sự giáo dục năm qua có ảnh hưởng lớn tới đời sống, tư tưởng của ngành giáo dục và xã hội được dư luận đặc biệt quan tâm.

10 sự kiện của ngành giáo dục trong năm 2013 được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn theo tiêu chí là những vấn đề giáo dục thu hút nhiều độc giả quan tâm nhất, có ảnh hưởng nhất định tới dư luận và toàn thể học sinh, phụ huynh và những người làm giáo dục.

Thông qua Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sự kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo có ý nghĩa lớn, và cũng là sự kiện trọng đại trong năm của ngành giáo dục. Đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Về nhận thức, Trung ương cho rằng, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương…

Năm 2013 đánh dấu mốc quan trọng khi Trung ương thông qua đề án đổi mới giáo dục.
Năm 2013 đánh dấu mốc quan trọng khi Trung ương thông qua đề án đổi mới giáo dục.

Với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Tổng kết 20 năm phát triển mô hình các trường ĐH, CĐ NCL

Tính tới năm 2013 hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) đã có quá trình hơn 20 năm phát triển, trong hơn 20 năm đó có nhiều thay đổi tích cực giúp các trường xác lập được vị thế của mình, đặc biệt là các trường ra đời lâu. Tuy nhiên, do một số thách thức, yếu tố khách quan và chủ quan thì một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện triệt để khiến nhiều trường vẫn lầm vào tình cảnh khan hiếm người học, xã hội định kiến…

Phải khẳng định mô hình các trường ĐH, CĐ NCL là một thành phần mới  trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Hệ thống các trường tuy chưa phát triển như mong muốn của Đảng và Nhà nước, nhưng đã có nỗ lực vượt khó khăn, tìm tòi cách đi, cách hoạt động, gánh vác một phần tải trọng giáo dục đại học của cả nước.

Các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục, tuân thủ pháp luật hiện hành, phù hợp với điều lệ trường ĐH Việt Nam.

Đánh giá về 20 năm phát triển, GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam cho biết, giáo dục ĐH của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng cao cả là đào tạo ra lực lượng lao động cấp cao, có chất lượng, xây dựng được sức mạng trí tuệ của đất nước, góp phần trực tiếp xây dựng quốc gia, làm cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững – giáo dục đại học chưa làm được điều này.

Nếu ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho giáo dục thì phải có khâu đột phá và không có cách nào khác là thực hiện tốt xã hội hóa, đây là một chủ trương tốt nhưng còn nhiều vướng mắc, còn nhiều định kiến, trong đó trường ĐH NCL là những sản phẩm của xã hội hóa.

Bộ GD&ĐT lần đầu tiên công bố phổ điểm thi

Nhiều lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã lên tiếng khẳng định, chính phổ điểm bị giấu những năm qua đã khiến các trường trở nên khan hiếm nguồn tuyển, xã hội không biết Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn như thế nào.

Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải công bố phổ điểm để thấy được chính sách tuyển sinh có công bằng hay không? Trả lời báo chí ngay sau khi công bố điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói, năm 2013 bộ sẽ công bố công khai phổ điểm để cho xã hội cùng kiểm tra, tính toán, giám sát chất lượng của thí sinh, với phổ điểm ấy thì bất cứ ai cũng có thể biết được điểm sàn là bao nhiêu.

Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi Đại học.
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi Đại học.

Thực tế, từ năm 2013 Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phổ điểm thi. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực này thì việc bộ có công bố phổ điểm nhưng cũng chưa yên tâm. Vì, từ năm nay trở về sau có thể sử dụng cách xác định điểm sàn này (tổng điểm bình quân của thí sinh) để tính điểm sàn thì đó là suy nghĩ chủ quan. Việc xác định điểm sàn nhưng Bộ GD&ĐT vẫn kiểm soát cả chỉ tiêu, do đó việc định được điểm sàn chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để được vào đại học.

Quay cóp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lại diễn ra

Sau “sự kiện” tiêu cực trong thi của tại Trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012 dư luận lại phần nào tỏ ra lo lắng ở năm thi tốt nghiệp THPT tiếp theo. Mặc dù vụ việc tại Đồi Ngô đã được xử lí trách nhiệm từng cá nhân thầy cô giáo, thậm chí buộc thôi việc lãnh đạo trường khi để xảy ra vi phạm quy chế thi. Nhưng việc xử lí đó chưa đủ để làm gương. 

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 ở Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung, Q. Hà Đông, Hà Nội lại xuất hiện những clip vi phạm quy chế tương tự như Đồi Ngô năm trước. 

Mức độ phản ánh trong clip này được cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.Hà Nội chung nhận định là tuy không nghiêm trọng như vụ việc Đồi Ngô (Bắc Giang), tức là không có hiện tượng giải bài và ném bài giải tập th, nhưng cũng cho thấy cả giám thị, thí sinh đều có hành vi vi phạm quy chế.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: “đó là sự cố rất đáng tiếc, Sở đã làm nghiêm túc. Cá nhân tôi cũng đi kiểm tra ở nhiều Hội đồng thi khác, chúng tôi không có “trống dong cờ mở về đột xuất. Theo tường trình của giám thị, phần lớn thời gian các em trong phòng thi đã làm xong và ngồi chờ. Nhưng vào phút cuối thì các em mất trật tự, có 1-2 em trao đổi và gây hình ảnh phản cảm. Khi xem chúng ta đều không hài lòng về những giám thị này”. 

Năm 2013, Bộ GD&ĐT bổ sung vào quy chế thi tốt nghiệp, cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi, không có chức năng phát trực tiếp vào phòng thi. Đây được xem là một kênh giám sát để kỳ thi nghiêm túc hơn.

Quy định cộng điểm cho bà mẹ VN anh hùng

Trong khoảng đầu tháng 7/2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, cụ thể hóa pháp lệnh người công và Nghị định số 31 của Chính phủ đã có hiệu lực từ tháng 4/2013, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên. 

Sẽ bổ sung đối tượng 03 sẽ được cộng 2 điểm đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng…

Thông tin này ngay lập tức đã dấy lên phản ứng của dư luận vì cho rằng, quy định như vậy là cứng nhắc, không thực tế. GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi đã ra một văn bản quy phạm pháp luật thì phải chú ý tới tính thực tế, tính khả thi và phải chú ý xem văn bản đó đã bao quát được những trường hợp phổ biến hay chưa?

Quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học không được sự đồng tình của dư luận.
Quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học không được sự đồng tình của dư luận.

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định, các bà mẹ nhiều tuổi nếu muốn đi học cứ tạo mọi điều kiện cho đi học, còn việc cộng điểm sẽ là rất buồn cười. “Tôi nghĩ những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đâu có cần bằng cấp, họ đã già rồi, họ chỉ cần chế độ ưu đãi đặc biệt. Điều đó vừa để thể hiện lòng tôn kính của chúng ta với họ, vừa tạo điều kiện để họ có thể tham gia học suốt đời”.

Sau nhiều phản ứng của dư luận thì đến ngày 17/7/2013, Bộ GD&ĐT đã chính thức bỏ quy định cộng điểm vào Đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng và thay vào đó bằng một Thông tư khác có số 28.

Kẻ lười biếng luận bàn về giáo dục

Clip“Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” của một học sinh có nick name là “Châu chấu” hay còn gọi là “Kẻ lười biếng” được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt. “Châu chấu” là học sinh lớp 12 của một trường THPT tại Hà Nội. Trong clip dài hơn 1 giờ đồng hồ, “Châu chấu” tự giới thiệu hiện học sinh lớp 12 đã thẳng thắn phân tích, bóc trần rất nhiều vấn đề đang được xã hội bàn luận, cho là "nhức nhối" của nền giáo dục Việt Nam hiện nay như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, không chú trọng dạy đạo đức, cách dạy lạc hậu v.v.

Các lập luận của “Châu chấu” được người xem tán đồng ở mức độ cao nhờ lập luận chặt chẽ, không né tránh chuyện "nhạy cảm", và cách thuyết trình rất cuốn hút.

Nhiều nhà giáo dục đã lên tiếng ủng hộ suy nghĩ của bạn trẻ này, và cho rằng đó là sự dũng cảm dám nói lên suy nghĩ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở những điều tự đáy lòng của em. Clip “Kẻ lười biếng” đã làm nên một cuộc tranh luận về giáo dục trong năm ở thời điểm đó.

Ông bố sống ở ống cống nuôi các con ăn học

Câu chuyện cảm động về người cha sống ở ống cống lấy tiền nuôi các con ăn học đã được lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2013. Chú Nguyễn Hữu Định, bố của thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến và tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Hữu Tiền đã phải lang thang, vất vưởng sống ở vỉa hè hơn 10 năm qua để dành dụm tiền gửi về nuôi con ăn học.

Trong quãng thời gian hơn 10 năm đó có bao kỉ niệm, bao sóng gió mà chú đã trải qua. Mỗi lần gặp khó khăn người cha này lại nghĩ về con để vượt qua. Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vừa qua đã đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của chú Định cũng như toàn gia đình, dòng họ khi nghe tin các con đỗ đạt với điểm số rất cao. 

Câu chuyện cảm động của chú Nguyễn Hữu Định, hơn 10 năm lang thang không chỗ ở cóp nhặt từng đồng tiền lẻ để nuôi các con ăn học.
Câu chuyện cảm động của chú Nguyễn Hữu Định, hơn 10 năm lang thang không chỗ ở cóp nhặt từng đồng tiền lẻ để nuôi các con ăn học.

Niềm vui của các con cũng là tự hào của người cha, chú Định cho biết các con đỗ vào ĐH đó mới chỉ là bước đầu, còn nhiều gian truân vất vả phía trước, đặc biệt là tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Với câu chuyện nhân văn này ở thời điểm đó đã có không ít nhà hảo tâm tự nguyện giúp đỡ gia đình chú định về vật chất và tinh thần để vượt qua  khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay cả gia đình chú Định đang sinh sống và làm việc tại một căn nhà cho thuê, gia đình ở tầng một sinh sống kiêm làm bảo vệ căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).

Nhiều chính sách cho giáo viên vùng cao

Tại Nghị quyết đổi mới về giáo dục vừa được Trung ương thông qua có xác định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Đây được coi là tiền đề để thực hiện hàng loạt các chính sách cho giáo viên trong thời gian tới.

Cũng trong năm 2013, nhiều chính đối với nhà giáo đã được ban hành. Cụ thể, một chính sách được Bộ GD&ĐT triển khai trong năm nay là việc bổ sung chính sách đối với nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).

Bên cạnh đó, Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đây là nguồn động viên to lớn, giúp họ thêm gắn bó với công việc.

Cũng kể từ ngày 15/10/2013, theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần.

Đội tuyển Olympic Toán học bội thu HCV quốc tế

Trong năm 2013 đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với đội tuyển Olympic Toán quốc gia khi cả 6 học sinh dự thi Olympic Toán học quốc tế đều đoạt giải cao, gồm 3 Huy chương vàng và 3 Huy chương bạc.

Năm 2013 đánh dấu là năm thành công của đội tuyển Olympic Toán học.
Năm 2013 đánh dấu là năm thành công của đội tuyển Olympic Toán học.

Chủ nhân của 3 Huy chương Vàng là em Võ Anh Đức, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Em Phạm Tuấn Huy, học sinh lớp 11, Trường Trung học Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Và em Phạm Tuấn Huy, học sinh lớp 11, Trường Trung học Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Olympic Toán học quốc tế năm 2013 diễn ra từ ngày 17 đến ngày 27/7/2013 tại Côlômbia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ, đây là năm đánh dấu việc bội thu Huy chương Olympic với 23 Huy chương các loại (6 HCV, 9 HCB và 8 HCĐ), đặc biệt đội Toán học từ trước tới nay luôn có truyền thống về bảng thành tích cao.

Bất ngờ kết quả PISA của học sinh Việt Nam

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 đã công bố kết quả khảo sát, theo đó, học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về Toán trên tổng số 65 nước tham gia, ngoài ra còn ở các kĩ năng khác như đọc hiểu, khoa học (Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm) học sinh Việt Nam cũng hơn nhiều nước phát triển. Điều này khiến ngay cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng bất ngờ.

Bất ngờ vì theo quan niệm của PISA với  một đất nước có thu nhập đầu người thấp, có nền kinh tế thấp thì kết quả giáo dục sẽ tỉ lệ thuận. Tuy nhiên, điều ngược lại lại xảy ra với Việt Nam. 

Lí giải về việc này, GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp, một chuyên gia cao cấp trong việc đánh giá chất lượng giáo dục cho biết, nền kinh tế cao, phát triển thì trình độ học sinh sẽ cao, nhưng có những trường hợp nằm ngoài như đặc điểm về xã hội, về văn hóa để học sinh vượt lên trên khó khăn kinh tế để đạt thứ hạng cao. Ở Việt Nam thì tỉ lệ học sinh vượt khó cao nên nâng điểm trung bình xếp hạng lên phù hợp với trình độ kinh tế của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết về lí do tham gia PISA: “Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên cần biết mình đang ở đâu, biết được học sinh mình có thể hội nhập hay không trong điều kiện thế giới phẳng, giao lưu về lao động và công nghệ? Nếu mình không đáp ứng được nghĩa là không hội nhập được. PISA góp phần trả lời cho học sinh chúng ta đang ở mức nào, yếu ở đâu, cần bổ sung gì?”.
Xuân Trung