10 tồn tại, bất cập của giáo dục năm 2022, giáo viên mong sớm có tháo gỡ

30/12/2022 06:39
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 10 sự kiện tồn tại, bất cập của giáo dục thời gian qua để các cấp, các ngành cùng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Ngày 27/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Tạp chí điện tử GDVN bình chọn 10 sự kiện nổi bật ngành giáo dục năm 2022”, nội dung bài viết đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật của giáo dục Việt Nam trong năm 2022.

Người viết là giáo viên xin nêu những tồn tại, bất cập của giáo dục thời gian qua để các cấp, các ngành cùng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Thứ nhất, chưa thể xếp lương mới cho giáo viên

Theo người viết, xếp thứ nhất đó là tồn tại, bất cập của chùm Thông tư 01-04 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Có thể nói, chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông là Thông tư tốn nhiều giấy mực, công sức của ngành và giáo viên.

Đến thời điểm này Thông tư đã ban hành và có hiệu lực gần 2 năm, giáo viên ở nhiều địa phương cũng đã thực hiện hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ,…đến lần thứ 5.

Giáo viên tốn tiền khá lớn cho việc học các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Ngoại ngữ, Tin học, photocopy hồ sơ, văn bằng,…kết quả là vẫn hưởng lương theo Thông tư cũ, việc xếp lương vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04 đến 20/7/2022.

Sau đó Bộ Giáo dục có nêu trong thời gian tới trong tháng 11 sẽ ban hành Thông tư xếp lương mới.

Nhưng đến nay, vẫn chưa thể thấy Thông tư mới được ban hành. Giáo viên không biết chờ đến khi nào mới được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư mới.

Vấn đề chuyển xếp lương bất công, giáo viên giỏi lương thấp chính là bất cập lớn nhất mong Bộ xem xét và sớm ban hành Thông tư mới để bổ nhiệm, xếp lương giáo viên được tiến hành trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên

Theo thống kê năm 2022 cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, kế đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu trên 18.000 và bậc trung học phổ thông thiếu gần 12.000 giáo viên.

Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Năm học 2022-2023 đã đi được một nữa chặng đường nhưng việc tuyển đủ 27.850 biên chế khó đạt mục tiêu vì thiếu nguồn tuyển, chưa thu hút được sinh viên sư phạm vì thu nhập còn thấp, nhiều áp lực trong ngành chưa được giải quyết.

Thực hiện chương trình mới nhưng cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên là rào cản rất lớn trong việc thực hiện chương trình mới.

Nếu không có những giải pháp quyết liệt, việc thực hiện chương trình mới sẽ còn vô vàn khó khăn ở phía trước.

Thứ ba, nhiều giáo viên hợp đồng 10 - 20 năm với mức lương chỉ 2-3 triệu/tháng

Cả nước thiếu hàng 100.000 giáo viên nhưng lại có nhiều giáo viên phải hợp đồng không chính thức nhiều năm, có giáo viên phải hợp đồng đến 20 năm với mức lương chỉ từ 2-3 triệu đồng mỗi tháng không được hưởng các chế độ của viên chức là một bất cập rất lớn cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách đối tượng này cũng sẽ giải quyết được 1 phần bài toán thiếu giáo viên.

Thứ tư, nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc

Do áp lực công việc nhiều, thu nhập thấp nên mặc dầu cả nước thiếu nhiều giáo viên nhưng giáo viên cả nước trong năm qua bỏ việc cũng rất nhiều.

Chỉ trong năm 2021, 2022 cả nước có 29.000 giáo viên bỏ việc là một hiện tượng bất thường trong giai đoạn thực hiện chương trình mới và đang thiếu nhiều giáo viên.

Nếu chưa cải thiện lương, chế độ làm việc khó mà giải quyết bài toán giáo viên nghỉ việc trong thời gian tới.

Thứ năm, thiếu giáo viên vẫn phải giảm 10% biên chế

Thêm một bất cập nữa là cả nước thiếu nhiều giáo viên, nhiều giáo viên bỏ việc nhưng ngành giáo dục vẫn phải thực hiện song song việc tuyển dụng và tinh giảm biên chế 10%.

Chính việc tinh giảm biên chế cơ học này dẫn đến khó tuyển dụng giáo viên, khó giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong thời gian tới.

Theo người viết, ngành giáo dục là ngành đặc thù, cộng với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, mong các cấp các ngành nên bỏ việc tinh giảm 10% biên chế ngành giáo dục.

Thứ sáu, các môn “tích hợp” ở trung học cơ sở cần lối ra

Chương trình mới có nhiều điểm mới hay, tiến bộ nhưng xuất hiện các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Trải nghiệm, hướng nghiệp, Nghệ thuật không có giáo viên giảng dạy khiến các trường “rối tung rối mù”.

Phân công 1 thầy 2, 3 môn hay 2, 3 thầy một môn thì cách phân nào cũng rối rắm, phức tạp, và đến nay chưa có hướng nào giải quyết được việc thực hiện các môn tích hợp.

Bất cập lớn về giáo dục và bất cập chương trình mới chính là các môn tích hợp.

Thứ bảy, rối với chọn tổ hợp môn ở lớp 10

Có thể nói bất cập tiếp theo của chương trình giáo dục mới chính là sự xuất hiện việc tổ hợp chọn môn ở lớp 10.

Chương trình mới đầu tiên môn Lịch sử là môn tự chọn có 108 tổ hợp chọn môn, sau đó môn Lịch sử thành môn bắt buộc thì có 126 tổ hợp chọn môn.

Chương trình mới cho học sinh được chọn tổ hợp môn nhưng không khả thi nên giao các trường tự xây dựng tổ hợp môn và học sinh phải chọn học theo tổ hợp môn trường đã chọn dù có thích hay không.

Do đó nhiều em chọn sai tổ hợp môn, muốn chuyển tổ hợp môn khác nhưng lại không có hướng dẫn.

Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc học sinh chuyển trường, ở lại sẽ học như thế nào.

Chương trình các môn ở lớp 10 được xây dựng theo hướng phân hóa nên được đánh giá khá “nặng” không phù hợp với học sinh đại trà.

Thứ tám, hồ sơ sổ sách, bệnh thành tích vẫn còn nặng nề

Hồ sơ sổ sách theo chương trình mới vẫn còn nặng nề, các phụ lục theo công văn 2345, 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đánh giá dài lê thê, nhiều bất cập nhưng vẫn chưa có sự điều chỉnh.

Đề kiểm tra mới ở bậc trung học phải xây dựng bản đặc tả hàng chục trang giấy cũng đánh giá vô cùng hình thức, không phù hợp.

Có thể nói bệnh thành tích thời gian qua không giảm mà tăng cao hơn, bằng chứng là các địa phương vẫn áp chỉ tiêu thành tích năm sau phải cao hơn năm trước nên bệnh thành tích đương nhiên nặng hơn.

Thứ chín, bạo lực học đường vẫn là nỗi ám ảnh

Sau một thời gian học trực tuyến, khi quay trở lại trường vấn đề nhức nhối bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh bạo hành lẫn nhau có chiều hướng gia tăng.

Hàng loạt vụ việc học sinh đánh nhau thời gian gần đây cho thấy mức độ bạo lực có chiều hướng gia tăng về mức độ, tính chất.

Thứ mười, đánh giá học sinh chương trình mới còn nặng điểm số, thành tích

Người viết cho rằng chương trình mới đánh giá học sinh theo năng lực phẩm chất nhưng vẫn còn điểm số, vẫn còn xếp loại, danh hiệu khen thưởng,..là chưa đúng với tinh thần phát huy năng lực không phân biệt học sinh này với học sinh khác.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc giảm điểm số, phân loại, so sánh học sinh này với học sinh khác trong đánh giá người học theo chương trình mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi