100% giáo viên thống nhất chọn 1 bộ sách giáo khoa là "bất thường"

17/04/2021 07:06
Đỗ Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều người cho rằng việc nhà trường định hướng chọn sách giáo khoa là việc không sai nhưng thực tế ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn của giáo viên.

Ngày 26/8/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Mục đích của thông tư này là nhằm giúp cho các địa phương chủ động lựa chọn mỗi môn học ở một khối lớp một hoặc một số bộ sách giáo khoa với nguyên tắc lựa chọn công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Theo đó, quy trình lựa chọn sách giáo khoa được quy định khá chặt chẽ từ tổ chuyên môn, đến nhà trường, Phòng giáo dục và Đào tạo và cuối cùng là Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh.

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu của Hội đồng cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh sẽ công bố danh mục sách giáo khoa được chọn trong năm học sắp tới.

Thông tư này đã khắc phục được những tồn tại qua việc một số trường học đã chọn sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020 – 2021.

Tuy nhiên khi thực hiện lựa chọn sách giáo khoa ở các cơ sở giáo dục phổ thông đã bộc lộ một số bất cập cần khắc phục.

Nên thực hiện chọn sách giáo khoa như thế nào? (Ảnh minh họa: Qdnd.vn)

Nên thực hiện chọn sách giáo khoa như thế nào? (Ảnh minh họa: Qdnd.vn)

Trước hết, có thể thấy rằng hiện vẫn còn một số lãnh đạo đơn vị trường học có tư tưởng cho rằng kết quả lựa chọn sách giáo khoa ở cấp cơ sở không mang tính quyết định nên chưa triển khai, quán triệt đầy đủ tinh thần Thông tư 25/2020, tổ chức lựa chọn qua loa, do đó kết quả chưa phản ánh được tính chính xác, minh bạch, xuất phát từ nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh học sinh.

Một giáo viên ở trường phổ thông (đề nghị không nêu tên) thông tin với người viết rằng tại đơn vị của cô giáo này, trước khi triển khai lựa chọn sách giáo khoa, hiệu trưởng và các tổ trưởng thống nhất chọn một bộ sách giáo khoa, sau đó các tổ về triển khai tinh thần chọn sách của nhà trường, giáo viên thảo luận và bỏ phiếu chọn duy nhất bộ sách đó.

Nhiều người cho rằng việc nhà trường định hướng chọn sách giáo khoa là việc không sai nhưng theo chúng tôi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn của giáo viên.

Bởi tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay là không mặn mà lắm với việc lựa chọn sách giáo khoa.

Do đó ở một số trường học có tình trạng, kết quả bỏ phiếu chọn sách của giáo viên ở tổ chuyên môn luôn đạt 100% và các môn học đều thống nhất chọn một cuốn sách của duy nhất một nhà xuất bản. Đây chính là điểm bất thường của việc chọn sách giáo khoa.

Một giáo viên ở một trường tiểu học khác cũng cho biết, hiệu trưởng của trường cô công tác cũng nêu quan điểm cho rằng năm học 2019 - 2020 đã chọn sách giáo khoa lớp 1 của nhà xuất bản nào thì năm nay phải tiếp tục chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản đó. Vì nếu chọn khác nhà xuất bản thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy.

Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm vì sách giáo khoa lớp 1 do nhà xuất bản này ấn hành năm nay có thể tốt nhưng sang lớp 2 chưa hẳn đã phù hợp với các tiêu chí về nội dung, đặc điểm kinh tế - xã hội ở địa phương, tình hình cơ sở vật chất của nhà trường và ngược lại.

Do đó không nhất thiết phải chọn đồng nhất một bộ sách giáo khoa cho cả một cấp học mà tùy vào từng năm học, giáo viên có quyền lựa chọn các bộ sách đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông thì việc tổ chức dạy học mới đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Bất cập cuối cùng đó là một số giáo viên chưa thực sự đầu tư nghiên cứu các bộ sách giáo khoa.

Cho đến thời điểm này, không ít giáo viên tham gia bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 ở các trường vẫn chưa xem bản mẫu sách giáo khoa do các nhà xuất bản giới thiệu.

Vì vậy khi bỏ phiếu, những người này thường bị chi phối bởi suy nghĩ, quan điểm của đồng nghiệp và định hướng chung của tổ, nhà trường.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sau đợt nghỉ do dịch Covid-19 sau Tết, giáo viên phải tập trung dành nhiều thời gian cho việc dạy học trên lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp và tham gia hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn trong năm học 2020 – 2021 nên không dành thời gian để nghiên cứu sách giáo khoa.

Một lý do khác là việc xem, so sánh những ưu, nhược điểm của 3 bản mẫu sách giáo khoa điện tử là rất khó đối với giáo viên.

Bởi lẽ, để nhận xét chính xác về các bộ sách, cùng lúc giáo viên phải có sự đối chiếu các bài học, chủ đề của 3 bộ sách trên máy vi tính là điều khó thực hiện.

Để việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành hiệu quả, thiết thực mong rằng lãnh đạo các đơn vị trường học cần nghiêm túc thực hiện đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Các nhà trường cũng có thể xem việc lựa chọn sách giáo khoa là một hoạt động sinh hoạt chuyên đề của tổ chuyên môn.

Đồng thời cần nâng cao trách nhiệm của giáo viên của giáo viên trong việc chọn sách, tránh việc lựa chọn qua loa, đại khái.

Kết quả lựa chọn sách giáo khoa ở cấp cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng. Đây sẽ là kênh thông tin tham khảo đáng tin cậy để các thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh thảo luận, cân nhắc bỏ phiếu quyết định lựa chọn những bộ sách giáo khoa dùng chung ở địa phương, hạn chế những sai sót đã từng xảy ra ở một số bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 – 2021.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Vinh