Theo đúng kế hoạch thì năm học 2021- 2022 sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, 2 và lớp 6.
Đối với chương trình lớp 2 thì các em đã được học ở lớp 1 năm học 2020-2021 nên việc tiếp tục học ở lớp 2 cũng không quá bỡ ngỡ, có thể thực hiện được.
Còn ở lớp 6 bắt đầu dạy ở năm học 2021- 2022 còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Các môn “lần đầu xuất hiện”
Một trong rất nhiều quan tâm là về vấn đề dạy ỏ lớp 6 với các môn “lần đầu xuất hiện” trong chương trình mới là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh); môn Sử và Địa (tích hợp môn Sử, Địa); môn trải nghiệm sáng tạo, môn tự chọn bắt buộc (Ngoại ngữ 2 hoặc tiếng dân tộc thiểu số).
Điểm khó đầu tiên đó là môn tự chọn, với Ngoại ngữ 1 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.
Chương trình môn Khoa học tự nhiên. (Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn) |
Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Như vậy Ngoại ngữ 1 gồm các tiếng Trước đó đã có 5 ngôn ngữ trong danh sách ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.
Đa số ở các vùng trong cả nước sẽ chọn Ngoại ngữ 1 là môn tiếng Anh ( dựa vào giáo viên có sẵn), các tiếng còn lại sẽ có một số ít các trường có điều kiện lựa chọn.
Việc đưa môn Ngoại ngữ 1 có đến 7 thứ tiếng sẽ khiến môn tự chọn Ngoại ngữ 2 không còn lựa chọn.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa quy định môn nào là Ngoại ngữ 2 dạy tiếng nước nào? Có thể lấy một trong các tiếng của môn Ngoại ngữ 1 để dạy ngoại ngữ 2 được hay không?
Dù cách gì thì các trường ở vùng nông thôn cũng chưa có đủ giáo viên để dạy.
Nếu không có giáo viên dạy môn Ngoại ngữ 2 hoặc tiếng dân tộc thiểu số, có thể không dạy môn tự chọn được không? Rất mong Bộ hướng dẫn cụ thể.
Vấn đề khó thứ hai mà coi như là khó nhất đó là các môn tích hợp, đối với môn Sử và Địa được thiết kế riêng 2 phần Sử và phần Địa nên phần của giáo viên nào giáo viên đó dạy, cũng không quá khó để thực hiện, vấn đề chủ yếu là sắp xếp thời gian dạy và phân công giáo viên tổng hợp điểm, ra đề kiểm tra,…
Khó, rắc rối và phức tạp nhất vần là cách thức soạn dạy môn Khoa học tự nhiên vì nó ghép cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn gì về các môn “tích hợp”
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản Số 2613/BGDDT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Trong đó có hướng dẫn về môn tích hợp như sau:
“Với môn Lịch sử và Địa lý: Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.
Về việc dạy học môn học tích hợp này, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Với môn Khoa học tự nhiên: Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ với môn khoa học tự nhiên: được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.”
3 giáo viên dạy một môn Khoa học tự nhiên thực hiện quá khó?
Trước hết với định hướng xây dựng chương trình môn Khoa học tự nhiên là một môn học không phải là một môn ghép hay 3 môn dồn 1 nên phải xem đây là một môn học.
Nhưng vì không có giáo viên Khoa học tự nhiên, nên năm học 2021-2022 này dự kiến phải áp dụng cách 3 giáo viên Lý, Hóa, Sinh cùng dạy một môn Khoa học tự nhiên.
Điều này, sẽ dẫn đến việc vô cùng khó khăn cho trường, cho giáo viên, cho cả học sinh với các việc sau đây:
3 giáo viên cùng dạy một môn/ lớp học sẽ vô cùng khó khăn trong việc phân công chuyên môn, thời khóa biểu của nhà trường.
Tôi ví dụ học kỳ I môn Khoa học tự nhiên có 70 tiết (140 tiết/năm học) thì giả sử giáo viên Lý dạy đầu tiên là 15 tiết, môn Hóa dạy tiếp 10 tiết, môn Sinh dạy tiếp 30 tiết, cuối cùng Vật lý dạy 15 tiết thì việc phân công chuyên môn của nhà trường như thế nào?
Như vậy nhà trường phải đổi 4 phân công chuyên môn, 4 thời khóa biểu trong một học kỳ vì môn Khoa học tự nhiên, chưa để đến các trường hợp giáo viên chuyển đi, chuyển đến, nghỉ hưu, nghỉ hậu sản,…
Bên cạnh đó, số tiết cũng không phải phân bố chẵn trong tuần, như ví dụ môn Vật lý dạy 15 tiết (ở giữa tuần 4) khi đó cũng không thể phân công chuyên môn được phải đợi đầu tuần 5 mới có thể sắp thời khóa biểu được. Điều này quá khó khăn cho trường.
Bên cạnh đó, trong quá trình dạy thì phân bố số tiết cho giáo viên Lý, Hóa, Sinh là vô cùng khó khăn, như dã trình bày ở trên khi giáo viên Lý dạy thì giáo viên Sinh, Hóa phải nghỉ, chờ đến lượt để dạy (có thể vẫn dạy ở lớp 7,8,9) nhưng rất khó phân bố, bố trí đảm bảo.
Vấn đề tiếp theo là giáo viên dạy xong phần của mình rồi nghỉ một thời gian lại quay trở lại dạy thì học sinh đã quên kiến thức phần cũ, ôn lại cũng đã không còn thời gian, khó có tính liên thông, đảm bảo mạch kiến thức.
Vấn đề khó nữa là việc kiểm tra, ra đề kiểm tra, có 1 môn nhưng 3 người dạy/ lớp nếu trường có nhiều lớp thì có thể đến 6 người dạy thì việc ra đề kiểm tra như thế nào? Khi tập huấn thì nói là 3 môn ngồi lại cùng xây dựng và ra 2 đề (1 đề chính thức và 1 đề dự phòng), tuy nhiên điều này không hề dễ dàng.
Khi ra đề xong thì ai là người tổng hợp đề, chịu trách nhiệm về đề kiểm tra, ai đánh máy đề, ai là người lưu trữ.
Khi chấm bài thì chấm như thế nào, không thể 3 giáo viên ngồi chấm 1 bài, chấm xong rồi chuyền qua cho 2 môn còn lại, rồi ai tổng hợp điểm. Mà mỗi trường cả vài trăm học sinh việc chấm như trên sẽ vô cùng vất vả?
Rồi chất lượng bộ môn Khoa học tự nhiên ai chịu trách nhiệm, học sinh thi lại ai chịu trách nhiệm, lại cả 3 người ra đề thi lại rồi 3 người chấm,..
Trường hợp có học sinh kém chỉ có môn Lý nhưng thi lại thì phải thi lại cả môn Khoa học tự nhiên (3 phần Lý, Hóa, Sinh) cũng là vấn đề chưa ổn.
Vấn đề sử dụng sổ điểm cá nhân như thế nào sẽ là vấn đề đáng bàn? Mỗi giáo viên sẽ có 1 sổ điểm cá nhân, nhưng đó là 1 môn chỉ có 1 cột cuối kỳ, 1 cột giữa kỳ (kiểm tra định kỳ) và 4 cột điểm kiểm tra thường xuyên, vậy thì mỗi giáo viên ghi sổ điểm như thế nào?
Tiếp theo là học sinh học 1 môn Khoa học tự nhiên nhưng phải sử dụng 1 quyển vở hay 3 quyển vở Lý, Hóa, Sinh.
3 giáo viên khác nhau, bộ môn khác nhau, phương pháp cách thức truyền đạt khác nhau, cách ghi bài khác nhau mà cùng dạy một môn học khiến học sinh dễ “tẩu hỏa nhập ma”.
Giải pháp cấp bách hiện nay
Từ những vấn đề trên, cá nhân người viết cho rằng nếu 3 người dạy một môn sẽ rất khó thực thi, vả lại nếu cố ép thì sẽ phản tác dụng, học sinh sẽ học yếu hơn thì mất đi ý nghĩa của việc học tích hợp.
Dạy bộ môn Khoa học tự nhiên là một điều bắt buộc ở lớp 6 không còn gì phải bàn cãi, vấn đề là làm sao để triển khai dạy cho tốt, cho hiệu quả.
Nếu để 3 giáo viên dạy một môn rõ ràng là không hiệu quả, khó thực hiện, gây khó cho nhà trường, ảnh hưởng đến học sinh.
Vậy thì chỉ còn một cách duy nhất, tạm chấp nhận hiện nay là một giáo viên dạy cả môn Khoa học tự nhiên (xem như dạy cả 3 phần Lý, Hóa, Sinh).
Hiện nay, còn khoảng 2 tháng nữa để thực hiện chương trình lớp 6 mới, nên ngay từ bây giờ các trường phải phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên 6 và các Sở Giáo dục nhanh chóng tập huấn kịp thời những giáo viên trên để có thể dạy cả 3 môn trên.
Ưu tiên các giáo viên trẻ và các giáo viên đã học 2 môn ví dụ Hóa - Sinh; Lý - Sinh, Lý - Hóa,… những giáo viên trên chỉ cần tập huấn thêm 1 môn là có thể đãm nhận việc dạy cả 3 phần của môn Khoa học tự nhiên được
Thực tế ở môn Khoa học tự nhiên những phần của môn Vật lý, Hóa hoặc Sinh học lớp 6 chủ yếu là kiến thức cơ bản, nếu được tập huấn và nghiên cứu thêm hoặc tự nghiên cứu cũng có thể dạy được.
Đây là giải pháp có thể chấp nhận hiện nay, còn việc 3 người dạy một môn rất khó khả thi, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và sớm triển khai tập huấn cho giáo viên tiến đến tập huấn giáo viên dạy ở lớp 7,8,9 ở những năm tiếp theo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.