Bộ Giáo dục nên sớm trả kì thi tốt nghiệp phổ thông cho các địa phương

17/06/2021 06:30
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kì thi tốt nghiệp vẫn diễn ra theo kế hoạch nhưng những bất an, trăn trở của của học sinh, phụ huynh và giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh thì luôn hiện hữu.

Lúng túng vì hai kì thi cận kề

Một thầy giáo dạy trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chưa có năm nào thầy lo lắng, trăn trở như kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.

“Ngày 14/6/2021, khi nghe tin Thành phố giãn cách xã hội thêm 2 tuần lòng tôi đầy nặng trĩu. Vậy là học sinh lớp 12 phải học ôn thi online hơn 1 tháng. Với học sinh có ý thức tự giác thì không sao, còn học sinh yếu, việc học trực tuyến không ai kiểm soát nổi.

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 100 trường tư thục, học sinh đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, kể cả miền Trung và miền Bắc. Đầu tháng 7, học sinh trở lại Thành phố dự thi, còn điểm thi thì ở khắp các quận, huyện, thành phố.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 22/22 quận, huyện, thành phố có người mắc bệnh Covid-19. Học sinh thi xong trở về quê, ai dám chắc dịch bệnh không lây lan. Dẫu biết rằng dịch bệnh là bất khả kháng, nhưng nếu điều này xảy ra thì rất có thể sẽ thêm làn sóng Covid-19 mới ở các địa phương”, thầy giáo trải lòng.

Cùng chung nỗi lo về kì thi tốt nghiệp, một giáo viên trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt giả thiết, giá mà Bộ Giáo dục giao kì thi năm nay về cho Thành phố thì hay biết mấy. Kì thi tốt nghiệp phụ thuộc vào lịch thi của Bộ Giáo dục kéo theo việc tuyển sinh 10 cũng bị ảnh hưởng không ít.

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, trăn trở về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, trăn trở về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

“Đến nay, kì thi tuyển sinh 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoãn 2 lần (một lần đã công bố lịch đầu tháng 6, một lần dự kiến cuối tháng 6) vì dịch bệnh tiến triển phức tạp. Nếu Thành phố được tự xét công nhận tốt nghiệp thì sẽ linh hoạt về thời gian, kì thi tuyển sinh cũng không bị động phụ thuộc”, giáo viên này phân tích.

Ngay cả việc phát phiếu dự thi cho học sinh, các trường cũng gặp lúng túng vì Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách đến hết tháng 6.

“Theo chỉ đạo của Thành phố, sau một tuần, đánh giá diễn biến của dịch, Sở Giáo dục sẽ xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, Sở Giáo dục cũng đã báo cáo với Bộ Giáo dục do thực tế ảnh hưởng của dịch Covid-19 để Bộ Giáo dục có những điều chỉnh việc phát phiếu dự thi đối với học sinh Thành phố Hồ Chí Minh”, Báo Thanh Niên dẫn lời lãnh đạo Phòng Khảo thí Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nêu những vướng mắc. [1]

Sao cứ phải trường kì mai phục…thi tốt nghiệp?

Cá nhân người viết cho rằng, duy trì kì thi tốt nghiệp để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 là việc làm cần thiết.

Bằng tốt nghiệp là minh chứng cho một quá trình học tập và rèn luyện của học sinh sau 12 năm ăn học, góp phần tạo động lực giúp các em luôn biết vươn lên trong cuộc sống, hơn nữa đó còn là niềm tự hào của bản thân và gia đình.

Tuy vậy, làm sao tổ chức được một kì thi tốt nghiệp an toàn, nhẹ nhàng nhưng vẫn nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng với Luật Giáo dục hiện hành, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay là điều rất đáng quan tâm.

Tại Khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi hoặc xét tốt nghiệp, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. [2]

Như thế, Luật không quy định Bộ Giáo dục phải đứng ra tổ chức một kì thi tốt nghiệp, nên việc giao kì thi này về cho Sở Giáo dục và Đào tạo của từng địa phương là hoàn toàn hợp lí. Việc giao kì thi tốt nghiệp về cho địa phương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp có những thuận lợi như sau.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục tránh ôm đồm trong việc ra đề thi tốt nghiệp mà trở về đúng vị trí và chức năng theo Nghị định của Chính phủ:

“Bộ Giáo dục là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.” [3]

Thứ hai, khẳng định vai trò tự chủ của trường phổ thông - nghĩa là nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của đơn vị, phù hợp với đối tượng giảng dạy và điều kiện học sinh; giáo viên hoàn toàn có quyền đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp, thiết thực.

Đây cũng là lí do khiến Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Giáo dục cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường như trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại. [4]

Thực tế nhiều năm qua ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thay đổi lớn về việc dạy và học. Cụ thể, đề thi tuyển sinh 10 môn Toán đưa phần bài tập ứng dụng vào thực tiễn. Các bài toán thường có nội dung giải quyết một vấn đề thực tế trong đời sống, trên nhiều lĩnh vực và phải kết hợp nhiều kiến thức như Vật lí, Sinh học, Hóa học... mới giải quyết được.

Hay từ năm học 2021- 2022, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ cùng hệ số 1 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Như thế, Ngoại ngữ (đa số học sinh học môn Tiếng Anh) không những là môn học công cụ để tiếp cận kiến thức mà còn là nền tảng kỹ năng cần thiết trong cuộc sống trong thời kỳ hội nhập. [5]

Tuy nhiên, cách ra đề thi tốt nghiệp chung cho học sinh cả nước của Bộ Giáo dục rõ ràng là chưa đáp ứng với sự đổi mới mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh như đã phân tích.

Thứ ba, các trường đại học sẽ tự chủ trong khâu tuyển sinh, không bị động phụ thuộc vào kì thi hai trong một của Bộ Giáo dục. Còn nhớ, kì thi tốt nghiệp năm 2020 chia thành 2 đợt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường đại học phải liên tục thay đổi phương án xét tuyển là một minh chứng.

Nếu được tự chủ trong khâu tuyển sinh thì các trường đại học, cao đẳng sẽ chủ động phương án từ trước. Chẳng hạn như, nhà trường sẽ xét tuyển bao nhiêu nhiêu phần trăm chỉ tiêu theo điểm học bạ, thi tuyển, tuyển thẳng… trên tổng chỉ tiêu được giao.

Có thể nhận thấy, Bộ Giáo dục giao kì thi tốt nghiệp về cho địa phương để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn theo luật tự chủ đại học. Luật Giáo dục Đại học cũng nêu rõ tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.

Đây là một làn gió mới tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường đại học ở khâu tuyển sinh, góp phần giúp sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt với công việc, hạn chế tối đa việc đào tạo lại cho người đã tốt nghiệp như hiện nay.

Thứ tư, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ở Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm này đã có 22/22 quận, huyện, thành phố có bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Giáo viên, phụ huynh ước gì Bộ Giáo dục giao kì thi tốt nghiệp năm nay về cho địa phương thì rất hợp tình hợp lí. Tất cả đều nhằm đem lại sự chủ động cho địa phương trong khâu tổ chức thi và đảm bảo sức khỏe cho học sinh, phụ huynh, nhân dân là trên hết.

Như thế, tỉnh, thành nào không có dịch bệnh thì tổ chức thi tốt nghiệp theo lịch của Bộ Giáo dục đã công bố. Địa phương nào còn dịch bệnh có thể lùi kì thi lại, thậm chí có thể đặc cách xét tốt nghiệp dựa vào kết quả học bạ của năm học lớp 12.

Bởi kì thi tốt nghiệp những năm gần đây chỉ loại được một vài phần trăm thí sinh nhưng gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp đợt 1 năm 2020 là 98,34%; năm 2019 là 94,06%; năm 2018 là 97,57%.

Người xưa nói, “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng, nếu vì mất lòng mà không dám nói về kì thi tốt nghiệp đầy biến động như năm nay thì trăn trở lắm thay…

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/giao-duc/ky-thi-tot-nghiep-thpt-tai-tphcm-se-dien-ra-nhu-the-nao-1399144.html

[2] //luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[3] //moet.gov.vn/gioi-thieu/chuc-nang-nhiem-vu/Pages/default.aspx?ItemID=2090

[4] //tuoitre.vn/tp-hcm-kien-nghi-giao-quyen-cho-cac-tinh-thanh-cong-nhan-tot-nghiep-thpt-20210519143036863.htm

[5] //thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-truong-dh-lai-dieu-chinh-de-an-tuyen-sinh-1221886.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương