20/11 đôi điều bộc bạch và câu hỏi bao giờ GV không phải 'chân trong chân ngoài'

20/11/2023 06:48
Nguyễn Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một thầy dạy Địa Lý tại một trường trung học phổ thông có tiếng cũng phải mở quán phở để tăng thu nhập cho gia đình.

Mỗi năm đến dịp 20/11, khắp nơi rộn ràng không khí kỷ niệm, tri ân nhà giáo. Là một giáo viên, người viết mong muốn bộc bạch đôi điều từ thực tế những mong nhận được sự sẻ chia của đồng nghiệp và sự đồng cảm của phụ huynh và sự thấu hiểu từ các cơ quan quản lý, ban hành chính sách.

Một thầy giáo - đồng nghiệp của người viết chia sẻ, công đoàn trường của thầy trong cuộc họp đề nghị các giáo viên chủ nhiệm nộp một số tiền từ quỹ lớp, để nhà trường mua hoa và bánh kem cho học sinh tặng thầy cô trong buổi lễ kỉ niệm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thầy đã từ chối việc kêu gọi này, cũng như phản đối việc giáo viên đi thu tiền học sinh (cho dù là quỹ lớp) để tặng hoa và quà cho chính mình. Bởi lẽ, tấm lòng tri ân thầy cô và những hành động thể hiện điều đó phải xuất phát từ chính học sinh. Thế nên, việc thầy cô phải dặn dò học sinh viết diễn văn cám ơn (thậm chí phải kiểm duyệt, chỉnh sửa), cho đến gợi ý học trò cám ơn mình bằng vật chất, cho dù chỉ là bông hoa hay bánh kem, cũng là việc tự hạ thấp giá trị nghề nghiệp của chính mình trong mắt học trò.

Câu chuyện tặng quà gì, tặng thế nào cho thầy cô trong ngày 20/11 luôn là chủ đề tranh cãi mỗi dịp ngày này sắp đến. Với những giáo viên có tâm với nghề, có lòng tự trọng thì đó là điều đáng xấu hổ, và là nỗi đau không nhỏ khi nghe thấy những tiếng xì xào, chê trách, bỉ bôi về việc “phải” tặng quà như là thủ tục bắt buộc, miễn cưỡng chứ không còn là lòng kính mến, tin yêu.

Năm nay, nhiều cơ quan của ngành giáo dục, nhiều trường học phát đi thông điệp không nhận quà, không nhận hoa. Sáng kiến đó thật hay và ý nghĩa, nhưng sẽ trọn vẹn hơn khi vấn đề “hoa – quà” không còn gắn với ngày Nhà giáo Việt Nam. Học sinh có thể thể hiện lòng tri ân của mình qua các cuộc thi văn nghệ với các bài hát, điệu múa, các trang báo tường, các tấm thiệp handmade, cùng với đó là sự lễ phép, kính trọng hàng ngày

Đặc biệt vào những ngày này, câu chuyện trăn trở của không ít giáo viên là bao giờ giáo viên sống được bằng lương. Chính vì thế, việc cải cách tiền lương được đề cập thời gian qua cũng là một điều giáo viên trông chờ. Chỉ khi nào sống được với nghề, thì khi đó, giáo viên mới yên tâm cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục.

Ngay trong thành phố của một tỉnh khu vực Tây Nguyên, người viết còn chứng kiến thầy giáo thể dục buổi sáng đi dạy, buổi chiều phải đi làm thợ sắt, hàn xì để kiếm thêm thu nhập. Một cô giáo dạy Vật Lý phải kiêm nghề buôn bán đặc sản. Một thầy dạy Địa Lý tại một trường trung học phổ thông có tiếng cũng phải mở quán phở để tăng thu nhập cho gia đình. Anh em trong trường còn đùa rằng hồ sơ giấy tờ của thầy toàn mùi thịt bò.

Và số lượng các giáo viên buôn bán online những thứ lặt vặt, nhỏ lẻ để kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy có lẽ cũng không ít. Ngày 20/11 sẽ chỉ trọn vẹn khi nhà giáo không còn phải “chân trong chân ngoài” một cách bất đắc dĩ như thế.

Nhiều thầy cô chia sẻ, mong ước rằng ngày nhà giáo Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nếu giáo viên được nghỉ ngơi, hoặc tự chúc mừng với nhau một cách đơn sơ, thân tình. Bao giờ ngày lễ, thầy cô không phải lật đật đưa con đến trường từ sớm, rồi tất tả chạy đến trường để ngồi dự lễ, với bao nhiêu công việc phải gồng gánh, từ chuẩn bị văn nghệ, đứng đón đại biểu, lễ tân bưng trà rót nước … và nhiều việc không tên khác. Để rồi hết ngày 20/11, thầy cô mệt rã rời nhưng lại tất tả chuẩn bị đi dạy bù những tiết học đã phải nghỉ sáng nay.

Trong việc thực hiện chức trách của mình, giáo viên sẽ thấy hạnh phúc hơn, nếu trong suốt năm học, phụ huynh sẽ luôn đồng hành cùng thầy cô giáo dục các em. Thầy cô ở lớp, ở trường có dạy các em lễ phép, tự tin bao nhiêu nhưng nếu về nhà, bố mẹ các em không cho con được trình bày quan điểm, không lắng nghe con chia sẻ, dùng lời lẽ tục tĩu để giao tiếp trong gia đình thì có phong bì to, phong bì nhỏ "trăm sự nhờ thầy", thầy cô cũng chịu.

Đôi điều bộc bạch, trăn trở trên đây của người viết rất mong nhận được sự đồng cảm của thầy cô, phụ huynh và mong chính sách cải cách tiền lương, Luật Nhà giáo sẽ sớm giúp thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Quân