22 chỉ tiêu mà chỉ tuyển được 2 người, có nơi mỗi năm 25% GV chuyển công tác

29/08/2022 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học mới cận kề, các trường vùng cao, biên giới vẫn đang “đau đầu” trước bài toán thiếu giáo viên, làm thế nào để giữ chân giáo viên. 

Đặc thù các trường thuộc địa bàn vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thường khó đủ sức hấp dẫn, giữ chân giáo viên. Nếu có thì cũng chỉ công tác 1-2 năm, giáo viên lại xin chuyển về đồng bằng khiến bài toán thiếu giáo viên càng trở nên nan giải, nhất là năm học mới cận kề.

Chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Cao Đông, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (huyện Krông Nô, Đăk Nông) cho biết, năm học mới 2022-2023, nhà trường thiếu 1 giáo viên ở môn Giáo dục công dân và không có giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một tiết ngoại khóa của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Trần Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. (Ảnh: website Nhà trường).

Một tiết ngoại khóa của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Trần Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. (Ảnh: website Nhà trường).

“Năm nay, do giáo viên môn Giáo dục công dân có nguyện vọng chuyển công tác nên trường đang thiếu giáo viên ở vị trí tương ứng. Trước thềm năm học mới, trường đã đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung nhân lực và sẽ được chuyển giáo viên từ trường thừa về trường công tác. Ngoài ra, nhà trường gặp khó khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Nhận thấy đây là khó khăn chung của ngành giáo dục tỉnh, nên năm học này, trường chưa đưa vào dạy hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật do không có nguồn tuyển", thầy Huỳnh Cao Đông chia sẻ.

Về vấn đề này, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông, huyện Krông Nô nằm trong danh sách các trường huyện hiện đang thiếu giáo viên trầm trọng ở cả 3 cấp học.

Vấn đề nan giải hiện nay đó là chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục tỉnh vẫn còn nhưng khi tuyển dụng thì không có nguồn. Cụ thể, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, năm học vừa rồi, toàn ngành giáo dục tỉnh tổ chức tuyển dụng 22 biên chế cho bộ môn Mỹ Thuật và Âm nhạc nhưng chỉ tuyển được 2 người, hiện vẫn còn 20 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển được.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú cho biết, năm học này, với tổng số 246 học sinh khối 10, trường xây dựng mô hình 5 lớp. Số học sinh năm nay đông hơn năm trước nhưng đội ngũ giáo viên không thay đổi.

“Từ cuối tháng 6, nhà trường đã thông báo cho học sinh khối 10 chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình mới. Tuy nhiên, trường không nắm được tình trạng học sinh có đủ sách hay chưa vì trường chỉ thông báo danh mục sách, còn việc mua bán hoàn toàn phụ thuộc quyền chủ động của học sinh, nhà trường không can thiệp. Vào năm học mới, học sinh nào thiếu thì phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Hàng năm, nhà trường trích nguồn kinh phí để mua sách bổ sung vào thư viện. Năm nay, đối với sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đặt mỗi đầu sách 5 quyển để học sinh và giáo viên sử dụng”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú chia sẻ.

Cũng theo thầy Huỳnh Cao Đông, cùng với khó khăn trong công tác tuyển dụng thì nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng đang là nỗi trăn trở lớn. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường hy vọng sẽ có nguồn đầu tư, bố trí thêm kinh phí để trang bị cơ sở vật chất.

Mỗi năm, trường miền núi có 25% giáo viên chuyển công tác về vùng thuận lợi

Không chỉ khó trong tuyển dụng, một số trường ở vùng cao còn xảy ra tình trạng mỗi năm có khoảng 25% giáo viên nộp đơn xin chuyển công tác về đồng bằng.

Thông tin cụ thể về điều này, thầy Đào Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Lầm (huyện Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: “Chiếu theo quy định chung, định mức sẽ là 2,25 giáo viên/lớp nhưng năm học mới 2022-2023, trường có 22 lớp và 40 giáo viên nên còn thiếu 9 giáo viên.

Cụ thể, thiếu 2 giáo viên môn Toán, 2 giáo viên Ngoại ngữ, các môn Công nghệ, Địa lý, Tin học, Lịch sử, Quốc phòng an ninh, mỗi môn thiếu 1 giáo viên.

Hiện tại, trường xây dựng 8 lớp 10, mỗi khối còn lại có 7 lớp. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến, trường mở 1 lớp học Âm nhạc cho học sinh khối 10. Giáo viên dạy môn này sẽ được nhà trường ký hợp đồng theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đối với các môn học còn thiếu giáo viên, trường báo cáo và Sở đã có kế hoạch tuyển bổ sung vào tháng 10 tới đây”.

Cũng theo chia sẻ của thầy Đào Ngọc Lan, do nhà xa trường, điều kiện gia đình khó khăn, nhiều học sinh phải thuê trọ hay ở nhà dân để đi học. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do các em ở ngoài trường, thầy cô khó quản lý.

Ngoài ra, một thực trạng đáng báo động nhất là ở các trường vùng núi đó là tình trạng học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, hay đang học thì bỏ ngang.

“Một trong những khó khăn mà trường vẫn đang phải đối mặt đó là giáo viên chưa thực sự muốn gắn bó lâu dài với trường. Bằng chứng là hàng năm, trường có khoảng 25% giáo viên nộp đơn xin chuyển về các vùng thuận lợi hơn. Những giáo viên này thường xa quê, cách trường hàng trăm km.

Thực tế, trường ở vùng đặc biệt khó khăn nên khó thu hút hay giữ chân giáo viên ở lại. Do đó, giáo viên chuyển về vùng thuận lợi khiến cho tình trạng thiếu giáo viên của trường nói riêng và các trường miền núi nói chung càng trở nên nan giải”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Lầm chia sẻ thêm.

Có thể thấy, một thực tế đặt ra đó là, nguồn để tuyển dụng giáo viên rất khan hiếm. Đơn cử như, các cử nhân ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm và không muốn dạy học. Cũng có trường hợp tuyển được rồi thì khi điều công tác vào vùng sâu vùng xa, giáo viên cũng bỏ việc hoặc xin chuyển trường.

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học sinh bỏ học do nhà xa trường đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo chung. Trước thực trạng trên ngành giáo dục địa phương cần có những hướng dẫn, kịch bản toàn diện để từng bước khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho năm học mới.

Trong đó, đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng chế độ cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác tại các trường vùng cao, biên giới khó khăn để giữ chân họ ở lại, gắn bó với trường. Đồng thời, các cấp, chính quyền địa phương cần quan tâm và làm tốt công tác dân vận, phổ biến pháp luật và tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến từng gia đình, làng, bản về quyền lợi của con em khi tham gia học tập. Làm tốt những nhiệm vụ này cũng chính là khắc phục sớm tình trạng trường vốn đã thiếu giáo viên, nay lại thêm vắng bóng học trò.

Ngọc Mai