2/3 khối ngành Trường Đại học Hà Nội có tỷ lệ SV tốt nghiệp loại xuất sắc là 0%

03/09/2023 06:38
Diệu Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khảo sát qua 3 năm học (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023), khối ngành III và V đều có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 0%. 

Trường Đại học Hà Nội là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành thạo ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo xu thế hội nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và của đất nước. Hiện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào là Hiệu trưởng nhà trường.

Thực hiện Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Đại học Hà Nội niêm yết ba công khai từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2022-2023 trên trang thông tin điện tử của trường.

Trường Đại học Hà Nội có trụ sở tại Km9, đường Nguyễn Trãi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Trường Đại học Hà Nội có trụ sở tại Km9, đường Nguyễn Trãi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Tổng nguồn thu trong vòng 1 năm học tăng gần 74 tỷ đồng

Tổng nguồn thu hợp pháp của trường năm 2021-2022 theo báo cáo 3 công khai là 350,975 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 7,240 tỷ đồng, thu từ học phí là 257,610 tỷ đồng, nguồn hợp pháp khác là 86,125 tỷ đồng.

Trong khi đó tổng nguồn thu của trường năm học 2022-2023 theo báo cáo 3 công khai là 424,958 tỷ đồng, cụ thể từ ngân sách Nhà nước là 13,418 tỷ đồng, thu từ học phí là 278,229 tỷ đồng, nguồn hợp pháp khác là 133,311 tỷ đồng.

So với năm học 2021-2022, năm học 2022-2023 có nguồn tổng thu tăng 73,983 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ ngân sách nhà nước tăng 6,178 tỷ đồng, từ học phí là 20,619 tỷ đồng, nguồn hợp pháp khác là 47,186 tỷ đồng.

Thống kê các nguồn thu hàng năm của Trường Đại học Hà Nội (Đơn vị: Tỷ đồng)

Năm học

2018-2019

2019-2020

2020-2021

2021-2022

2022-2023

Từ ngân sách

20,226

9,305

10,885

7,240

13,418

Từ học phí

152,934

196,050

235,709

257,610

278,229

Từ nguồn hợp pháp khác

80,793

102,118

84.832

86,125

133,311

Tổng

253,953

307,473

331,426

350,975

424,958

Từ bảng trên cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2018-2022), tổng nguồn thu của trường dao động khoảng từ 253,953 tỷ đồng – 424,958 tỷ đồng.

Được biết, các nguồn thu chính của một trường đại học bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nguồn thu hợp pháp khác.

Trong 5 năm qua, nguồn thu từ học phí của Trường Đại học Hà Nội chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Theo phóng viên ghi nhận, trường đưa ra con số về nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra so với năm học 2018-2019, nguồn thu học phí năm học 2022-2023 tăng gần 82%. Trung bình mỗi năm nguồn thu từ học phí của trường tăng 16,4%.

Theo ghi nhận, mức học phí chính quy chương trình đào tạo tiến sĩ năm học 2018-2019 khoảng 34 triệu đồng/năm, học phí học viên thạc sĩ khoảng 24-26 triệu đồng/năm, mức thu với sinh viên đại học dao động từ 13 -50 triệu đồng/năm tùy chương trình và tùy ngành.

Cụ thể học phí của sinh viên đại học năm 2018-2019 như sau:

Học phí của sinh viên đại học năm 2018-2019 (Ảnh chụp màn hình).

Học phí của sinh viên đại học năm 2018-2019 (Ảnh chụp màn hình).

Còn đến năm học 2022-2023, mức học phí chính quy chương trình đào tạo tiến sĩ dao động từ 40-75 triệu đồng/năm, học phí đào tạo thạc sĩ khoảng 24-54 triệu đồng/năm tùy chương trình học. Học phí với sinh viên đại học chính quy vẫn giữ nguyên dao động từ 18,48-50 triệu đồng/năm tùy ngành.

Tuy nhiên với sinh viên chính quy chương trình khác, vừa học vừa làm và hình thức đào tạo từ xa có nhiều sự thay đổi, cụ thể như sau:

Học phí của chương trình khác, vừa học vừa làm và hình thức đào tạo từ xa năm 2022-2023 (Ảnh chụp màn hình).

Học phí của chương trình khác, vừa học vừa làm và hình thức đào tạo từ xa năm 2022-2023 (Ảnh chụp màn hình).

2/3 khối ngành có phần trăm sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 0%

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khối ngành III,V là 0%, khối ngành VII là 0,41%. Loại giỏi của khối ngành V thấp nhất (chiếm 0,76%), sau đó đến khối ngành III (chiếm 3,16%), cuối cùng là khối ngành VII. Phần trăm sinh viên tốt nghiệp loại khá thấp nhất (chiếm 32,3%), khối ngành III là (chiếm 38,6%), cao nhất là khối ngành VII (chiếm 64,71%).

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 (Ảnh chụp màn hình).

Khảo sát thêm năm học 2021-2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khối ngành III,V vẫn là 0%, khối ngành VII giảm xuống còn 0,24%. Đặc biệt khối ngành V có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 0%, sau đó đến khối ngành III là 5,03%, cuối cùng là khối ngành VII là 21,16%. Với loại khá thấp nhất là 12,97% ở khối ngành V, 41,82% ở khối ngành III và cao nhất là khối ngành VII với 59,85%.

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 (Ảnh chụp màn hình).

Tương tự như 2 năm học trước, ở năm học 2022-2023, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở hai khối ngành III, V đều là 0%. Riêng khối ngành VII tăng gần 10%, đạt 11,16%. Với loại giỏi và loại khá, thứ tự vẫn là khối ngành V có tỷ lệ thấp nhất, tiếp theo là khối ngành III và VII.

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 (Ảnh chụp màn hình).

Ghi nhận số liệu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường theo báo cáo 3 công khai của hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp ở 3 khối ngành cao, dao động từ 93,36-100%. Riêng khối ngành V, cả hai năm liên tiếp đều có tỷ lệ đạt 100%.

Riêng với năm học 2022-2023 vừa qua, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của cả ba khối ngành không vượt quá 88%. Cụ thể tỷ lệ ở khối ngành III là 76%, khối ngành V là 88% và thấp nhất là 69% ở khối ngành VII.

Đáng chú ý trong ba năm khối ngành III, V có 0% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn so với khối ngành VII.

Giảng viên trình độ Tiến sĩ tăng 54 người

Theo báo cáo từ năm học 2018-2019 đến 2022-2023, số lượng giảng viên của trường qua từng năm đều tăng, trong vòng 5 năm qua số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hà Nội tăng 54 người.

Thống kê số lượng và trình độ giảng viên qua các năm của Trường Đại học Hà Nội (Đơn vị: người)

Năm học

2018-2019

2019-2020

2020-2021

2021-2022

2022-2023

Giáo sư

1

1

1

1

1

Phó Giáo sư

6

5

5

6

6

Tiến sĩ

57

77

93

101

103

Thạc sĩ

321

344

334

344

349

Đại học

58

41

42

40

38

Tổng

443

468

475

492

497

Trong đó, giảng viên có trình độ Giáo sư chiếm số lượng ít nhất và chỉ có 1 người, giảng viên có trình độ Phó Giáo sư khoảng 5-6 người tùy năm học.

Đáng chú ý giảng viên có trình độ Tiến sĩ tăng đều qua từng năm, trong vòng 5 năm, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023 trường có thêm 46 Tiến sĩ. Chiếm nhiều nhất trong số lượng giảng viên là Thạc sĩ rơi vào khoảng từ hơn 300 đến dưới 350 người.

Cuối cùng số lượng giảng viên là cử nhân đại học giảm qua các năm, đặc biệt từ năm học 2018-2019 sang năm học 2019-2020 giảm 17 người.

Diệu Tuyết