Ngày 15/1, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam dành cho sinh viên và giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Trước đó, chương trình đã nhận được hàng trăm đề tài tham gia nghiên cứu và dự thi của các cá nhân và tập thể sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước.
11 giải nhất dành cho hạng mục sinh viên là phần thưởng xứng đáng cho sáng tạo, tâm huyết và công sức của 11 đề tài tiêu biểu, có ý nghĩa thực tiễn lớn, được chọn lọc từ nhiều đề tài phong phú.
Công nghệ cho tương lai
“Thiết kế chế tạo máy in chi tiết nhựa 3D” là 1 trong 11 đề tài đạt chất lượng cao nhất, được thực hiện bởi 5 chàng trai đến từ khoa Cơ điện tử, Viện hợp tác đào tạo Quốc tế (SIE), Đại học Bách khoa Hà Nội gồm: Đỗ Đồng Chiến : khoa Cơ điện tử, Viện hợp tác đào tạo Quốc tế (SIE); Hoàng Quốc Bình, Nguyễn Thành Quyết, Nguyễn Doãn Thông và Lê Duy Nhân: ngành máy chính xác, viện cơ khí.)
Nhóm thiết kế chế tạo thành công máy in chi tiết nhựa 3D, tác phẩm đạt giải nhất Tài năng khoa học trẻ. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Có cuộc trò chuyện khá ngắn nhưng thú vị với chàng trai Đỗ Đồng Chiến, anh đã tâm sự khá nhiều về quá trình làm việc để hoàn thành sản phẩm của mình và của cả nhóm, cũng như những mong muốn về triển vọng sáng tạo công nghệ trong tương lai.
Nhận định về công nghệ 3D, “đó chắc chắn sẽ là công nghệ rất quan trọng và phổ biến trong những năm tới, là công nghệ của tương lai” – anh Chiến khẳng định, cả nhóm đã thống nhất về mặt ý tưởng và vạch ra những nội dung cơ bản cho cả quá trình nghiên cứu và sáng tạo của mình.
Nói về quá trình đi đến thống nhất đề tài, anh cho rằng đây là khâu khá quan trọng nhưng đối với nhóm anh, nó không tốn quá nhiều thời gian vì ai cũng nhận thức được sự thiết thực của một chiếc máy in công nghệ 3D.
Về cơ bản, thiết kế chế tạo máy in 3D là một hệ thống cơ điện tử kiểm soát nhiều quá trình trong đó kiểm soát quá trình nóng chảy, đông đặc vật liệu mang tính chất quyết định.
Tất nhiên Với những kiến thức ngành cơ điện tử của mình, chàng sinh viên Đồng Chiến đã có một cái nhìn khá bao quát về chiếc máy cả nhóm đang hướng đến. Mỗi thành viên với các thế mạnh khác nhau như lập trình, thiết kế cơ khí, tìm kiếm tài liệu,... nên có thể tác động rất sâu vào hệ thống điều khiến của chiếc máy 3D.)
Sẽ phụ cấp cho nhiều đối tượng giáo viên có tính đặc thù
(GDVN) - Đây là một trong những nội dung tại Dự thảo Nghị định phụ cấp đặc thù cho nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành…
Công trình khoa học này, từ khi chớm nở ý tưởng cho đến khi hoàn thành, phải mất gần một năm tìm hiểu miệt mài mới có thể cho kết quả như ý. Và không phải lúc nào, các thành viên trong nhóm cũng gặp những điều kiện thuận lợi để phát triển đề tài của mình.
Nghĩ lại quá trình nghiên cứu cũng như nhiều khó khăn cả nhóm vấp phải, chàng kĩ sư Đỗ Đồng Chiến không ngại chia sẻ: “ Việc tìm kiếm tài liệu là vô cùng khó khăn vì quá ít tài liệu chuyên ngành liên quan viết bằng tiếng Việt và cả nhóm chưa có kĩ năng. Hầu hết các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài, viết bằng tiếng Anh, nên việc tìm kiếm trên Internet trở nên khó khăn và bắt buộc các thành viên phải nắm chắc các từ khóa chính xác.
Như vậy, nếu không có kĩ năng tìm kiếm thông tin trong việc nghiên cứu khoa học nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, sẽ rất khó có thể hoàn thành tốt được công việc”.
Anh tâm sự: “ Các anh khóa trước đã giúp đỡ mình rất nhiều trong những nhiệm vụ trực tiếp trước mắt, còn thầy cô là những người mở mang tư duy chiến lược. Mình thực sự rất biết ơn những sự giúp đỡ quý báu đó vì nó đã làm nên một phần thành công cho cả nhóm”.
Nói về ý nghĩa đề tài trong thực tiễn, đề tài máy in 3D tuy đề tài rất hot nhưng nó chưa thể ứng dụng được vì trình điều khiển còn quá “rùa”. Theo nhận định của anh, chỉ một thời gian không lâu nữa, các thiết bị 3D tại gia đình sẽ trở nên phổ thông như máy giặt, tủ lạnh ở hiện tại. Việc phát triển công nghệ 3D đòi hỏi phải gắn liền với công nghệ phát triển vật liệu.
Liên kết giữa doanh nghiệp và sinh viên còn yếu
Trải qua quá trình làm việc và nghiên cứu suốt một năm để có được thành tích cao trong lễ trao giải Tài năng trẻ, Đỗ Đồng Chiến cũng đã rút ra được những khó khăn trong nghiên cứu khoa học trẻ ngày nay: “ Mình nhận thấy rằng, việc nghiên cứu khoa học hiện tại vẫn chưa gắn sát với thực tế, chưa thực sự đi đôi với đời sống sản xuất của doanh nghiệp và đời sống lao động của người dân. Nguyên nhân là do, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp với các phòng, các cơ sở làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”.
Giải thích thêm, Chiến khẳng định, số lượng doanh nghiệp đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học để áp dụng vào thực tiễn chiếm con số rất nhỏ, chỉ khoảng 5% số lượng đề tài, còn 95% số đề tài còn lại xuất phát từ bản thân các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hay sinh viên. Chính do sự hạn chế về kinh phí và thiếu đầu tư khiến cho các kết quả khoa học đã đạt được, dù thiết thực nhưng vẫn chưa mang tính thực tiễn cao.
Đỗ Đồng Chiến là một trong 5 chàng trai của Đại học Bách Khoa đoạt giải nhất Tài năng khoa học trẻ 2014. Ảnh nhân vật cung cấp |
Bản thân các phòng thí nghiệm trong cùng một hệ thống cũng không có sự liên kết chặt chẽ với nhau. “Đơn cử, ngay trong chính trường Bách khoa của mình, mỗi phòng thí nghiệm khác nhau đều có một điểm mạnh của mình, như phòng Công nghệ quang – cơ điện tử có thế mạnh về đo lường không tiếp xúc (không cần chạm vào đối tượng vẫn đo chính xác), hay phòng thí nghiệm về Điện lại có thế mạnh về việc thiết kế mạch điện... Các phòng LAB tuy trong cùng trường nhưng rất ít sự liên kết, nên chưa tạo được sức mạnh tập thể”, anh Chiến cho biết.
Một tồn tại cần phải đề cập đến trong việc nghiên cứu khoa học hiện nay, đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong cung cách làm việc. Ví dụ, trong quá trình thử nghiệm, khi cần đo đạc nhiều yếu tố, nhiều sinh viên chưa ghi lại kết quả một cách hệ thống, chuẩn xác, không biểu diễn lại nên công sức bỏ ra để nghiên cứu dường như vô ích.
Các trường đại học hiện nay cũng chưa có hoặc còn hạn chế những cuộc thi ý tưởng để mang đến những đột phát nhất định.
Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì?
(GDVN) - Một số thầy cô cho rằng, cách đánh giá học sinh như Thông tư 30 vừa qua không quá khó với thành thị, nhưng với vùng cao thì là một vấn đề.
“Tất cả các yếu tố khó khăn và bất cập đều làm chậm tiến độ nghiên cứu khoa học và làm giảm hiệu suất nghiên cứu khoa học” – khẳng định của cả nhóm về tác động của các yếu tố gây nhiễu trong quá trình nghiên cứu.
Nói về những mong muốn của mình để cách tổ chức nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng bài bản và được nhân rộng, Đồng Chiến nhấn mạnh đến yếu tố liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở khoa học.
Điều này là vô cùng quan trọng, bởi doanh nghiệp có tiền, có chi phí để đầu tư, còn đội ngũ cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, sinh viên lại có khả năng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Sự kết hợp giữa tài lực và trí lực mới có đủ khả năng tạo ra nhiều sản phẩm khoa học chất lượng, có giá trị, có thể đi ra ngoài đời sống xã hội.
Thêm một ý tưởng táo bạo của chàng sinh viên Đồng Chiến, anh hy vọng có thể lập ra một doanh nghiệp giữ vai trò “cầu nối” – kết nối và mở rộng khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp với ngôi trường anh đang theo học – trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thứ hai, anh mong muốn Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể đưa ra những chỉ thị, hướng dẫn cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học một cách cụ thể để các sinh viên được nghiên cứu theo con đường bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Với thành quả bước đầu mà cả nhóm đã đạt được, anh tâm sự: “Bản thân là một phần trong nhóm 5 thành viên, để đạt được giải thưởng danh giá ngày hôm nay, cả 5 người đã dồn hết mọi tâm tư, nhiệt huyết trong suốt một năm không nghỉ. Nếu thiếu đi một thành viên, chắc chắn sẽ không thể chế tạo thành công chiếc máy trong tương lai như thế”.
Chàng sinh viên Đồng Chiến cũng chia sẻ thêm về dự định sắp tới của mình, hiện tại anh đang mở một doanh nghiệp chuyên thiết kế, chế tạo máy thu câu cá ngừ “Made in Viet Nam”, và thời điểm này đã hoàn thiện được khoảng 70%.
Anh tâm sự rằng: “Bản thân mình luôn mong muốn sáng tạo ra những chiếc máy có giá trị thực tiễn và sử dụng cao, dễ dàng đi vào đời sống sản xuất, vừa có lợi mình, lại vừa có lợi cho những người muốn mua sản phẩm để áp dụng vào thực tế”.