52 trường ĐH tuyển sinh kém, Bộ GD đề nghị loại các cách tuyển không phù hợp

03/12/2022 06:45
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc tuyển sinh đại học năm 2023 có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022.

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022 đại học và cao đẳng sư phạm.

Gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Năm 2022, kết thúc tuyển sinh đại học đợt 1, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đạo tạo cho thấy riêng khối đại học có 463.123/564.735 thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 cơ sở đào tạo có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc.

Tuy nhiên trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận kỳ tuyển sinh năm 2022 vẫn còn những hạn chế. Đó là thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến; một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm chưa hiệu quả; thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo…

Thống kê số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu (bên cạnh đó cũng có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo). Năm 2022 có 52 cơ sở đào tạo tuyển sinh kém, trong khi năm 2021 và 2020 lần lượt chỉ có 34 và 46 cơ sở.

Thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 để lấy kết quả xét tuyển vào đại học (Ảnh:L.P)

Thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 để lấy kết quả xét tuyển vào đại học (Ảnh:L.P)

Ngoài ra, trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể, ở đợt 1 năm 2022, Nông lâm nghiệp và thủy sản 42,91%; Khoa học sự sống 54,35%; Khoa học tự nhiên 58,28%; Dịch vụ xã hội 58,28%.

Nhiều nguyên nhân gây khó khăn trong tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới việc một số cơ sở đào tạo tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Cụ thể, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ hơn. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín của mỗi cơ sở đào tạo. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.

Một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được các cơ sở đào tạo gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, giành thị phần của các trường khác. Một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng. Sau thời gian 2 năm dịch bệnh, những thí sinh ở gia đình có điều kiện về tài chính lựa chọn đi du học ở nước ngoài thay vì theo học các chương trình trong nước hay các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Nhiều trường không nhận biết kịp xu hướng thay đổi của thị trường lao động để có điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh, dẫn đến không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, các vùng có điều kiện khó khăn, đã hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận học sinh. Trong khi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giảm dần, hầu hết các cơ sở đào tạo có uy tín đều ở các thành phố lớn, đầu tư nhiều cho chất lượng đào tạo đều phải tăng dần mức học phí để bù đắp chi phí.

Năm 2023, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống tuyển sinh cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Bộ Giáo dục cũng nhắc nhở các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Lê Phương