LTS: Đưa những quan điểm cũng như góc nhìn riêng của mình về 69 triệu giáo viên cho Mục tiêu SDG 2030, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tháng 9/2015, các thành viên Liên hợp quốc (UN) thống nhất 17 mục tiêu lớn cho 2030, trong đó có mục tiêu số 4 về Giáo dục chất lượng cho tất cả [1].
Khi đề ra mục tiêu này, câu hỏi thách thức nhất là chúng ta thiếu giáo viên: 69 triệu người [2], họ đang ở đâu? Ai đào tạo họ?
Bằng chính sách và chương trình nào thu hút người trẻ vào học và hành nghề giáo, trong khi tất cả các chỉ số đều minh chứng đây là một nghề rất kém hấp dẫn về nhiều góc độ trong xã hội hiện nay?
Tôi muốn đặt câu hỏi về giáo viên, “họ đang ở đâu”, dưới góc nhìn từ Cuộc Đào thoát Vĩ đại của Augus Deaton [3].
Cần làm gì để giái quyết vấn nạn thiếu giáo viên? (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Cách đây hơn 60 năm, bài hát chống chiến tranh “Những bông hoa đã đi đâu mất rồi?” (Where have all the flowers gone?), có câu thế này: “When will they ever learn, When will they ever learn” với ý nghĩa “Cho đến khi nào họ học được bài học?”.
Thật là ý nghĩa làm sao, không chỉ cho chiến tranh vũ khí và con người chết đi, mà trong những cuộc chiến tranh mới, trong thời đại mới này: chiến tranh về nhân lực và trí tuệ (talent and intellectual wars), trong đó có vấn đề về giáo viên.
Giáo dục phổ thông là xương sống của mọi nền giáo dục, điều này không có gì phải tranh luận. Giáo dục đã và đang là nền tảng của phát triển bền vững, bởi nói đến kinh tế tri thức mà con người không có tri thức thì vô nghĩa.
Nhưng câu hỏi khó khăn là, tại sao thời đại toàn cầu hóa, công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà chất lượng giáo viên và giáo dục phổ thông và đương nhiên có cả phần trách nhiệm của đại học, lại đang được coi là khủng hoảng toàn cầu [4]?
Mà chỉ dấu rõ nhất là, dù người ta thất nghiệp, cũng không ai chịu đi dạy học? [5] Có điều gì chưa đúng ở đây?
Để nói về công nghệ và công nghệ giáo dục, khi mọi góc của thế giới đang đề cập đến AI, máy học, cá nhân hóa chương trình học, qua internet, cơ hội học tập với mọi người được mở rộng hơn bao giờ hết, thì trong hội thảo toàn Mỹ và có lẽ là toàn cầu về công nghệ trong giáo dục năm 2017, Gates và những nhà công nghệ hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ giáo dục đã phải tuyên bố thế này: “Chỉ có trí tuệ của con người mới có thể giúp cho con người học tập thành tựu”. [6]
Xin lưu ý 2 điểm cơ bản ở đây:
(i) Gates Foundation là một trong những tổ chức hàng đầu ở Mỹ và chi nhiều tiền cho hỗ trợ giáo dục, công nghệ giáo dục và hỗ trợ giáo viên dạy tốt.
Sau hơn 20 năm hỗ trợ cho giáo dục phổ thông ở Mỹ nhằm giúp giáo viên và học sinh đạt kết quả tốt hơn, Bill Gates thừa nhận còn những khoảng cách rất xa công nghệ giáo dục mới có thể hỗ trợ hiệu quả, sau thất bại của chương trình Hỗ Trợ giáo viên dạy hiệu quả 2017. [7]
(ii) Theo ghi nhận của Thomas Friedman, 2016, Watson và chương trình học máy đã thành công trong việc “copy tri thức và kỹ năng của 30 năm kinh nghiệm chỉ chưa đầy một đêm” và giúp đỡ học sinh học tập rất hiệu quả, mở ra kỷ nguyên mới cho con người học cùng máy với từng trình độ. [8]
Giáo dục đại học dành cho “đa số”, nhưng ai hưởng lợi? ai trả giá? |
Nhưng cho đến thời điểm này, 5/2019, tình trạng học online và qua máy học có lẽ không có thành tựu nổi bật, nếu không nói những môn cơ bản vẫn có những thách thức về chất lượng và số học sinh tiếp tục theo học. [9]
Trong khi đó, hơn 20 năm qua:
(i) Lương giáo viên của Mỹ, nếu tính theo trượt giá đồng tiền, họ vẫn đang ở mức lương thời 1970s [10], nhưng với khối lượng công việc nhiều hơn rất nhiều.
(ii) Giáo viên là một trong những nghề vất vả nhất, với số giờ lao động không trong giờ làm việc chính thức, số lượng học sinh trong lớp học ngày càng tăng, số người bỏ dạy trong 3-5 năm lên tới 50%. [5]
(iii) Trong số các nước OECD, tỷ lệ thiếu giáo viên tăng lên rất lớn, không chỉ là vấn nạn của Mỹ [11].
Câu chuyện thiếu giáo viên phổ thông, với mức lương thấp, đã nảy sinh nhu cầu lớn về việc tuyển dụng sinh viên quốc tế đến học và dạy học tại các nước OECD ngày càng tăng.
Điều này đặt ra một vấn đề của nạn “chảy máu chất xám”, bởi chỉ những sinh viên quốc tế từ các nước đang và chậm phát triển phải chấp nhận dạy, làm nhiều giờ và lương thấp nhiều năm, như một cơ hội để có việc làm và ở lại các nước đang phát triển [11].
Điều này, như nói trong hai cuốn kinh điển của Mỹ, 100 năm chạy đua marathon (Michael Pillsbury) và Cái chết và sự sống của trường phổ thông Mỹ (Diana Ravitch) nói rõ, sự phụ thuộc của nước Mỹ vào năng lực trí tuệ (giáo dục phổ thông và đại học) của nước ngoài, sẽ là một điều cần suy xét, không chỉ trong vấn đề giáo dục, mà tổng quan toàn xã hội!
Bởi “nhập khẩu” chất xám là một giải pháp, nhưng nó hiệu quả đến đâu, nó tác động thay đổi được đến đâu, trong ngắn hạn hay dài hạn và giả như nó tốt cho nước “nhập khẩu”, thì nó hại xương máu cho nước “xuất khẩu”, mà trong trường hợp về chảy máu chất xám thì các nước nghèo và đang phát triển lại cần đến chất xám chất lượng cao hơn bao giờ hết, để “thoát” đói nghèo. [11]
Khi UN-SDG đặt ra mục tiêu Giáo dục Chất lượng cho tất cả, với mục tiêu từ nay đến 2030 chúng ta cung cấp miễn phí giáo dục cấp 1 và 2 cho tất cả các học sinh trên toàn cầu, với thách thức về giáo viên và chất lượng giáo viên, dù đó là Mỹ, các nước OECD hay các nước đang phát triển như Ấn Độ và các nước hiện đang rất khó khăn ở châu Phi, nơi chỉ số đói nghèo cao nhất toàn cầu, tôi thực lòng quan ngại đến việc, chúng ta đang nhìn nhận thách thức thiếu giáo viên dưới góc nhìn của ai? Của quốc gia phát triển, của quốc gia đang phát triển, của quốc gia chậm phát triển?
Hay chúng ta đang nhìn nhận thiếu hụt giáo viên như một cơ hội để vừa “quốc tế hóa” dịch vụ công nghệ giáo dục (mà thực tế, hiệu quả của nó vẫn đang là câu hỏi lớn)?
Hay chúng ta nhân danh giáo dục cho tất cả nhưng mục tiêu quá tham vọng, khi chưa có cơ sở nào để giải đáp cho thiếu hụt giáo viên (chưa nói đến vấn đề giáo viên có chất lượng)?
Hay đây lại là một câu chuyện mới của cuộc đào thoát vĩ đại, mà hầu hết những kẻ tìm cách đào thoát đói nghèo vẫn mãi không thoát được, bởi những kẻ đi trước đã lấp mất đường đi, bằng cách “bắt cóc” những người ưu tú nhất của các nước nghèo đói đến và làm việc cho mình, khi ở ngay quê hương đói nghèo của họ, hoặc vì không có tiền hoặc vì chả có cơ hội cho họ, họ đành tìm kiếm những cơ hội ở những phương trời khác?
Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm mù? |
Câu chuyện về chảy máu chất xám đã và đang diễn ra từ nhiều thập kỷ, nhưng chưa khi nào, tài năng là một cuộc chạy đua chả khác gì cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. [12]
Những tranh luận gần đây về có hay không sửa đổi luật nhập cư, mở cửa biên giới, đa dạng hóa nền tảng giáo viên…thực chất, đó là bài toán về lợi ích của những đất nước đã phát triển, có cơ hội và lợi thế thu hút nhân lực cao, trong đó dành cho giáo dục (chương trình giảng dạy tại đại học ở Mỹ có cơ hội được ký hợp đồng dài hạn, ở lại lâu dài).
Nhưng ở vế ngược lại, các nước gửi học sinh, sinh viên đi, hầu như họ vẫn quẩn quanh với những vấn nạn trong giáo dục, trong giáo viên y như bao năm qua.
Thậm chí, ở Việt Nam, người ta nói rõ, kể cả những người đi học ở nước ngoài về nước, cũng không có tác dụng nhiều trong cải tổ hay đổi mới giáo dục [13], do bởi nhiều lý do, mà tôi e rằng, do ít tiền, sinh viên quốc tế đi học thì ít, phải đi cày lao động thêm để đủ sống, nên sức lực thực sự dành cho học thật cũng không được là bao!
Trong câu chuyện Augus kể về nguồn gốc bất bình đẳng trên thế giới và trong nền kinh tế giữa các nước, ông quên không đề cập trực tiếp đến một lịch sử, không chỉ là thương mại giữa các quốc gia, đi cùng với nó, đó là sở hữu trí tuệ và không gì hơn bằng sở hữu những con người tài năng, những con người có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Đó là một trong những lý do, ai thu hút được nhiều tài năng, đất nước đó thành công trong thời đại này, chứ không phải ai sản xuất nhiều!
Con đường cạnh tranh giữa các quốc gia về thu hút sinh viên quốc tế, không còn dừng ở thu tiền đào tạo và điền vào những ghế trống mà sinh viên nội địa không vào học, đó là con đường nhanh và rẻ để điền đầy vào những công việc mà nước đào tạo đang thiếu hụt, dù đó là giáo viên hay bất kỳ nghề nào.
Đây là lý do chính để hơn 10 năm qua, chương trình quốc tế hóa giáo dục, giáo dục toàn cầu, được đẩy mạnh trên khắp thế giới, mà ngoài những tác dụng tích cực về giao lưu giáo dục giữa các quốc gia, chúng ta có lẽ sẽ được chứng kiến những dòng chảy máu chất xám từ các quốc gia chậm và đang phát triển sang các quốc gia phát triển, mà nếu cứ theo đó, khó có lòng nào, có ai “đào thoát” nổi khỏi đói nghèo, kể cả những kẻ tưởng đã thoát được.
Vậy, mục tiêu SDG 2030 và thiếu 69 triệu giáo viên, họ đang ở đâu?
Rất có thể tôi sai, tôi hiểu, họ phần lớn là ở các quốc gia chậm và đang phát triển, nhưng họ sẽ không chỉ dạy ở quê hương của họ, họ có lựa chọn để được “xuất khẩu” cho nhiều nơi khác hơn.
Cho đến khi nào, chúng ta học được bài học về những “chảy máu” tri thức, những cuộc cạnh tranh không có tiếng súng, nhưng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tất cả các quốc gia không có lợi thế trong cuộc đua này?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://sdg4education2030.org/the-goal;
[2] http://www.unesco.org/new/en/media-services/single-view/news/close_to_69_million_new_teachers_needed_to_reach_2030_educat/
[3] The Great Escape, Health, Wealth and the Origins of Inequality, 2014, Angus Deaton
[4] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/tien-da-lo-xong-dat-cam-roi-thu-cua-mot-nha-nghien-cuu-gui-lanh-dao-toan-cau.html
[5] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/chay-tron-nghe-giao.html
[6] “Only Human intelligence can power the Student Success Revolution” https://events.educause.edu/~/media/files/events/annual-conference/2018/printprogram.pdf?la=en; http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/thu-gui-nhung-ai-dang-lam-ve-cntt.html;
[7] https://www.rand.org/education-and-labor/projects/evaluating-teaching-effectiveness.html
[8] Thank you for being late, p. 36, 74, Thomas Friedman
[9] MOOCs, High Technology, and Higher Learning (Reforming Higher Education: Innovation and the Public Good), by Robert A. Rhoads; Higher Education in the Digital Age, by William G. Bowen
https://www.rand.org/pubs/research_briefs/RB9994.html; https://theconversation.com/the-failure-of-udacity-lessons-on-quality-for-future-moocs-20416; https://www.insidehighered.com/news/2013/02/25/study-finds-some-groups-fare-worse-others-online-courses; https://credo.stanford.edu/pdfs/OnlineCharterStudyFinal2015.pdf; https://www.nea.org/assets/docs/Online%20Learning%20Programs%20Research%20Brief%20NBI%20135%202017.pdf;
[10] https://www.edsurge.com/news/2018-04-05-the-data-tells-all-teacher-salaries-have-been-declining-for-years
[11]http://www.oecd.org/innovation/research/oecdreportwarnsofgrowingriskofteachershortagesinoecdcountries.htm; https://wol.iza.org/articles/brain-drain-from-developing-countries/long; Global Inequaity, A new approach in the age of globalization;
[12] https://www.weforum.org/agenda/2018/11/the-global-talent-race/; https://www.oecd.org/sti/Session%205_Networking%20the%20Knowledge%20Economy.pdf;
[13] https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N4273/Ba-lan-cai-cach-giao-duc-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-rut-ra-tu-do.htm