LTS: Chia sẻ câu chuyện từ một người quen của mình, cô giáo Đỗ Quyên phản ánh thực tế nhiều gia đình phó mặc chuyện học hành của con cho nhà trường mà không để ý đến lực học của con.
Khi phát hiện giữa bảng điểm trên lớp và điểm thi thực tế của con khác nhau một trời một vực, nhiều bậc phụ huynh mới giật mình thức tỉnh trước những ảo tưởng thành tích.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mỗi lần gặp tôi, chị đều hồ hởi kể về cậu con trai năm nay học lớp 9. Gia đình chị tự hào vì cháu không chỉ chăm ngoan còn học giỏi. Chị nói 9 năm liền em đều là học sinh giỏi của lớp.
Năm nay, nhất định phải hướng cho con thi vào ngôi trường điểm của thị xã và quyết tâm vào được lớp chọn thì chẳng việc gì phải lo đến thi đại học nữa.
Chị kể do cha mẹ bận rộn suốt ngày nên cũng ít để ý đến việc học của con.
Từ bậc tiểu học đến nay chị chưa bao giờ phải mất thời gian kèm con một chữ nhưng năm nào con cũng làm ba mẹ nở mày nở mặt với thiên hạ vì những thành tích đạt được ở trường.
Nhưng gặp chị lần này, tôi bất ngờ vì trông chị thật tiều tụy. Khác những lần trước đây, chẳng thấy chị nhắc gì đến cậu con trai yêu quý.
Mới nghe tôi hỏi đến, chị đã dốc tuồn tuột những ấm ức, những thất vọng có lẽ đã được dồn nén từ lâu trong lòng mà chưa có dịp thổ lộ cùng ai.
Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng trước điểm trên lớp và điểm thi của con. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Chị nói: “Thất vọng não nề em ơi! Bao ước mơ, bao dự định bấy nay bỗng tan tành như mây khói. Chị đang rất bấn loạn chưa biết phải làm sao”.
Nghe thế, tôi càng nóng ruột vì không biết chuyện gì xảy ra với gia đình chị mà trông chị thất thần đến thế.
Mãi hồi lâu mới nghe “Thằng Vương nó học tệ lắm. Những thành tích đạt được trước đây chỉ là những kiến thức vay mượn nhờ đi học thêm mới có được chứ nó đâu phải giỏi thật sự đâu em”.
Rồi chị kể, lần thi giữa kì vừa rồi, con chị chỉ đạt 4 điểm Anh văn, 6 điểm Toán, 5 điểm Văn. Nhận tin trong buổi họp phụ huynh chị cứ tưởng giáo viên đọc điểm nhầm.
Sau khi xem lại nhiều lần chị mới biết đó là điểm thật của con mình. Mặc dù cô giáo cũng giải thích “đề thi của Phòng khó hơn đề thi của nhà trường nên phần lớn học sinh đều có kết quả không cao”.
Về nhà, chị hỏi con sao học hành sa sút vậy? Nó thản nhiên trả lời: “Con vẫn thế! Có điều đề ấy không phải của nhà trường ra mà đề của Phòng Giáo dục nên tụi con làm không được”.
Nhức nhối nghịch lý giữa điểm học và điểm thi khác nhau một trời một vực |
Mới nghe, con làm không được vì đó là đề thi của Phòng Giáo dục.
Chị nói mình cũng chẳng hiểu gì và có đôi chút thắc mắc: “Dù đề nơi nào ra cũng phải đảm bảo đúng hệ thống kiến thức học sinh đang học, vậy có điều gì khác biệt ở đây?”
Sau khi vặn vẹo con, nó mới huỵch toẹt ra rằng: “Đề của trường ra, tụi con đi học thêm thể nào ôn chẳng trúng các dạng bài nên ai cũng làm tốt. Còn đề của Phòng ra thầy cô biết đường nào ôn nên học sinh không làm được thì có gì lạ?”.
Chị bắt đầu hiểu ra sự việc. Những điểm số cao ngất ngưởng của con mỗi lần kiểm tra, mỗi kì thi cuối cấp cũng là do con đã chăm chỉ học thêm mới có được.
Cũng vì nhìn những điểm cao ngất ngưởng ấy, chị đã ảo vọng về lực học của con nên cũng có phần lơ là, phó mặc.
Nay gặp phải những dạng bài chưa được làm trước, con lúng túng và không biết cách làm.
Chị mới giật mình, hàng tháng chỉ biết đưa con tiền đi học thêm tối ngày mà không kiểm tra xem con học được những gì, nắm kiến thức ra sao?
Với mức điểm con vừa đạt được trong đợt thi thử ấy nó đã phản ánh đúng thực chất lực học của con. Với lực học này, để con thi đậu vào cấp 3 còn khó chứ nói gì đến trường chuyên lớp chọn.
Chắc hẳn còn nhiều học sinh như thế chứ không phải mình con.
Chị nói mình đã nhận ra nhà trường thì vì thành tích, một số thầy cô vì muốn thu hút học sinh để dạy thêm nên thường dạy theo kiểu mớm bài, kiểu “dọn cỗ” để vung tay ban phát những điểm 10 ru ngủ những đứa trẻ lười học, “thôi miên” những phụ huynh hám thành tích.
Khi phụ huynh nhận ra điều ấy thì đã muộn rồi.
Nhưng dù muộn còn hơn không, gia đình chị đã phải thuê gia sư về phụ đạo lại những kiến thức con đang hổng để chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp sắp tới.
Bài viết là nhận thức, quan điểm, kinh nghiệm và cách hành văn của riêng tác giả.