"9+Cao đẳng" phân luồng hay đang cổ xúy văn hóa chạy đua bằng cấp?

22/08/2020 06:26
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: "Chuyện một số trường nói vừa dạy văn hoá trung học phổ thông và nghề sau 4 năm để có bằng cao đẳng theo tôi là khó chấp nhận".

Hai năm trở lại đây, khi Bộ Lao động thương bình và xã hội đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, đào tạo nghề chất lượng cao trong các trường Cao đẳng thông qua chương trình 9+ Cao đẳng.

Hiện nay chương trình 9+Cao đẳng đang được triển khai khá nhiều tại các trường nghề. Theo đó, nguồn tuyển của chương trình này các em tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9), 2 năm sau (tương đương lớp 11) được cấp bằng trung cấp, năm học tiếp theo (lớp 12) tập trung học văn hóa để hoàn thành thi trung học phổ thông quốc gia, 0,5 năm cuối lấy được bằng cao đẳng.

Sau đó người học có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm.

Nhìn vào điều này cho thấy mô hình đào tạo rất kinh tế, tiết kiệm thời gian để giúp học sinh vừa sớm gia nhập thị trường lao động, vừa đạt trình độ cao (kỹ sư thực hành).

Tuy nhiên khi đối chiếu với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy rằng chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” như trên đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo.

Chính vì vậy ngày 20/8, Hiệp hội có kiến nghị khẩn về tình hình triển khai chương trình “9+ cao đẳng” ở các địa phương gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Nhìn vào chương trình 9+Cao đẳng, chia sẻ với tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trên thế giới không có cái modul nào như vậy trừ Nhật Bản nhưng quy mô không lớn và họ đào tạo kiểu nhân tài về công nghệ...

Còn ở hầu hết các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, ASEAN đều đào tạo công nhân và trung học nghề hay trung học kỹ thuật sau lớp 9 hoặc lớp 12.

Theo đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh thông tin, nếu đào tạo sau lớp 9 có thể có một số mô hình như sau:

9+1 để ra làm công nhân cho những người không có điều kiện và khả năng học lâu hơn. Nhiều người lớn tuổi mới có văn hoá hết lớp 9 thì học xong đi làm sau khi có chứng chỉ kỹ năng nghề.

9+2 là học 2 năm kỹ năng nghề và lồng ghép tích hợp kiến thức văn hoá vào nghề rồi ra làm công nhân trực tiếp.

9+3 khá phổ biến để học cả văn hoá và nghề tích hợp với nhau. Các môn học cơ bản có tính ứng dụng cao trong nghề mà học sinh theo học. Sau khi tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp Trung học (diploma) có thể đi làm công nhân hoặc làm kỹ thuật viên. Ở Hàn Quốc những năm đầu và giữa thời kỳ công nghiệp hóa đây là lực lượng lao động chủ yếu của Hàn Quốc trong cơ cấu trình độ.

Ngày nay ở các nước phát triển như ở Mỹ tỷ lệ cơ cấu việc làm theo trình độ trung học (secondary) lên đến 45-52%...

Một vài quốc gia châu Âu thiết kế chương trình linh hoạt như Bỉ chẳng hạn gọi là CPU (certification per unit) dành cho học sinh có khả năng học tập hạn chế, chán học...một số modul kỹ năng nghề.

Mỗi modul người ta gọi là 1 Unit do các doanh nghiệp kết hợp với nhà trường để xây dựng. Học kết hợp với thực tập ở doanh nghiệp và chỉ cần 2 Unit là học sinh có thể đi làm được để tránh cho các em bỏ học sớm mà không có kỹ năng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: Tùng Dương/giaoduc.net.vn)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: Tùng Dương/giaoduc.net.vn)

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, mục đích của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ở chương trình “9+Cao đẳng” là để phân luồng nhưng cách làm lại cho thấy, lấy phương tiện thay vì mục đích bằng cách treo cái văn hoá bằng cấp lên cao (đáp ứng với tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt) để phân luồng là thiếu cơ sở khoa học (về lý luận và thực tiễn).

Bởi lẽ, theo ông Vinh: “Bản chất học sinh muốn vào học nghề nằm ở nhiều chỗ khác chủ yếu ở việc làm có sẵn và thu nhập đảm bảo.

Vì sao các khoá học nghề ngắn hạn 3-6 tháng học phí cao mà người ta vẫn vào học như các nghề làm đầu tóc, làm đẹp, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị, nội thất gia đình hoặc các lớp trồng hoa cây cảnh lai ghép...là bởi vì học xong họ có việc làm ngay bằng cách đi làm thuê hay mở tiệm...”.

Ngoài ra, ông Vinh cho rằng, cung cấp lao động cho xã hội tạm chia ra làm hai loại:

Một loại gắn với hệ thống giáo dục để dẫn đến các trình độ khác nhau đòi hỏi thiết kế khá chặt chẽ để có thể giúp người học học suốt đời...

Loại còn lại chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng cho những người thuộc diện chính sách xã hội, sống lang thang, không có việc làm hoặc cần nâng cấp kỹ năng để tránh thất nghiệp ở doanh nghiệp khi thị trường có thay đổi. Đó là đào tạo thường xuyên cho lao động trong doanh nghiệp...thì cái này rất quan trọng, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nên gánh việc này vừa phù hợp với chức năng của Bộ về chính sách xã hội và việc làm.

Hơn nữa, điều này cũng đỡ có sự chồng lấn chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà khi đó hệ thống giáo dục rất mạch lạc.

“Bên Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống trình độ văn bằng quốc dân, bên Bộ Lao động, Thương binh và xã hội kiểm soát và quản lý việc đánh giá kỹ năng cho người lao động.

Hai Bộ cùng hợp tác để làm việc phân luồng mới hiệu quả trên cơ sở phân định rõ chức năng của từng Bộ”, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo đề xuất.

“Chuyện một số trường nói vừa dạy văn hoá trung học phổ thông và nghề sau 4 năm để có bằng cao đẳng theo tôi là khó chấp nhận vì một người gánh 45 kg còn khó giờ chất thêm 45-50 kg nữa gánh sao nổi...học sao một lúc có hai văn bằng. Chả lẽ người Việt Nam chúng ta siêu đẳng nhất thế giới về sức học?”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh băn khoăn.

Linh Hương