Những ngày qua, dư luận đặc biệt chú ý đến một số thông tin lùm xùm tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hoàng Mai, Hà Nội).
Bởi, trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu được coi là địa chỉ đặc biệt để chăm sóc cho những học sinh khiếm thị, những học sinh thiệt thòi so với chúng bạn.
Do là trường đặc thù, trong trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu vẫn tồn tại một ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị (theo cách gọi của nhà trường thì đây là nhóm) hoạt động như một chi hội của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị được biết đến là nơi đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ những vị phụ huynh có con sinh ra thiếu may mắn.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh: LC) |
Sáp nhập hay giải tán trong vội vã?
Theo thông tin cung cấp từ phía nhà trường cũng như đại diện của ban cha mẹ học sinh khối khiếm thị, ban phụ huynh này được thành lập từ nhiều năm nay.
Năm 2017, ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị có 9 người và được bầu ra bởi hơn 170 cha mẹ có con khiếm thị học trong trường.
Tuy nhiên, mới đây, trong cuộc họp ngày 6/11/2017, nhóm đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị này đã bị sáp nhập vào Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Đây là điều khá ngỡ ngàng cho phụ huynh học sinh khối khiếm thị, điều này không khác gì một cuộc “giải tán” của nhà trường khi từ trước đến nay, nhóm đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị của nhà trường vẫn hoạt động như một chi hội trực thuộc Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.
Bên cạnh đó, cuộc sáp nhập này của nhà trường đã tiến hành quá vội vã, việc này đã tạo ra những lùm xùm không đáng có tại trường Nguyễn Đình Chiểu.
Với những thông tin lùm xùm trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, vào hồi 17h30, ngày 20/12, Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức họp với đại diện của phụ huynh các lớp và đại diện cha mẹ học sinh khiếm thị của toàn trường.
Tại cuộc họp bà Trần Thị Phương Lan phó hiệu trưởng, phụ trách khối khiếm thị của nhà trường đã đọc toàn bộ nội dung công văn nhà trường gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Trong đó nhà trường nêu lý do “tránh cồng kềnh”.
Tuy nhiên, trả lời với báo chí thì bà Phạm Thị Kim Nga lại cho rằng nhóm đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị hoạt động không hiệu quả.
Tại cuộc họp, bà Nga cũng không trả lời được câu hỏi “tiêu chí nào đánh giá không hiệu quả của nhà trường đối với ban phụ huynh khối khiếm thị” của đại diện nhóm phụ huynh khối khiếm thị.
Trước đó, ngày 4/11, Hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo về việc tăng tiền ăn khối tiểu học lên 23.000 đồng.
Tại cuộc họp có ý kiến phản đối của ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị vì cho rằng mức thu đó cao bởi còn nhiều hoàn cảnh gia đình học sinh khối khiếm thị rất khó khăn.
Đến ngày 6/11, ban đại diện cha mẹ học sinh nhận được thông tin từ phía nhà trường có thông báo sát nhập nhóm đại diện cha mẹ học sinh vào ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường.
Tuy nhiên, theo đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị, việc thông báo này không có văn bản, chỉ thông báo miệng của bà Nga và bà Lan.
Từ đó đến nay (trước ngày 20/12/2017), đại diện nhóm cha mẹ học sinh khối khiếm thị chỉ được hoạt động với tư cách cá nhân.
Điều này khiến nhóm đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị bị sốc trước quyết định sát nhập vội vã của nhà trường.
Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Nga xác nhận rằng chính bà đã tổ chức cuộc họp sáp nhập đó.
Điều này quả có nhiều bất thường khi theo điều 13 của thông tư số 55/2011/TT-BGDT đã quy định rõ ràng trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Không hiểu bà Nga có biết đến thông tư này hay không khi bản thân là hiệu trưởng nhưng lại đứng ra tổ chức cuộc họp sáp nhập cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường?
“Sáp nhập” vì ý kiến?
Cũng cần khẳng định lại rằng nhóm đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị này đã hoạt động trong trường nhiều năm. Theo phản ánh của đại diện nhóm cha mẹ học sinh khiếm thị, việc thành lập ra có quá trình bầu rõ ràng trong cuộc và có bà Trần Thị Phương Lan tham dự, có biên bản cuộc họp.
Thế nhưng, cuộc sáp nhập vội vã đã khiến không ít phụ huynh thắc mắc phải chăng chỉ vì ý kiến mà chỉ sau chưa đầy 48 tiếng nhà trường đã cho sáp nhập với ban phụ huynh của toàn trường.
Bà Trần Thị Phương Lan, hiệu phó nhà trường trả lời trong cuộc họp ngày 20/12 (Ảnh: LC) |
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh học sinh có con bị khiếm thị cảm thấy lo lắng và bất an bởi chủ trương “hòa nhập”về các khoản đóng góp của lãnh đạo nhà trường.
Theo điều 27 của Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về giáo dục đối với người khuyết tật đã nêu rất rõ: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng.
Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh có con khiếm thị tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu gần đây họ phải đóng thêm nhiều khoản tiền.
Cụ thể, trước đây, học sinh khối khiếm thị nội trú chỉ mất 35.000 đồng/ngày/3 bữa ăn.
Gần 200 học sinh khiếm thị trong trường có bếp ăn riêng, do nhân viên của trường nấu và phụ huynh không phải đóng thêm các khoản tiền như chăm sóc nội trú, bán trú.
Trước đây, tại trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn tồn tại hai bếp ăn một bếp ăn do công ty Hương Việt Sinh cung cấp và một bếp ăn do Sở Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh khiếm thị.
Với lý do cho các con “hòa nhập”, nhà trường đã chủ trương gộp hai bếp ăn thành một do Công ty Hương Việt Sinh cung cấp.
Chính điều này đã khiến tiền ăn của học sinh khiếm thị bị tăng lên thành 62.000 đồng/ngày/học sinh khối trung học cơ sở và 58.000 đồng/ngày/học sinh tiểu học đang ở nội trú trong trường.
Chưa kể, các em học ở bán trú sẽ đóng thêm 50.000/tháng, ở nội trú là 100.000/tháng tiền công chăm sóc.
Bên cạnh đó, nhiều em học sinh khiếm thị cũng phải đóng tiền học phí. Những điều này trước đây các em không phải đóng.
Việc tăng tiền ăn và các khoản đóng góp được cho là bất thường khi trường Nguyễn Đình Chiểu nhiều năm nay đều có những Mạnh Thường Quân đến giúp đỡ các học sinh khiếm thị giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.
Tại cuộc họp ngày 20/12, bà Nga cho rằng các nguồn tài trợ năm nay kém nên nhà trường đã tiến hành sáp nhập bếp ăn và ban phụ huynh.
Cũng theo nhiều phụ huynh có con khiếm thị học tại trường, trước đây bếp ăn mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dành cho học sinh khiếm thị nấu với mức ăn 15.000 đồng/bữa vẫn đủ, các cô vẫn chăm sóc được, tại sao khi gộp bếp ăn, tiền ăn cũng tăng lên rồi mà nhà trường báo vẫn phải tăng?
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trả lời trên báo Hà Nội Mới, chiều ngày 19/12, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã yêu cầu Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu báo cáo chi tiết về sự việc.
Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã quyết định thành lập tổ công tác làm việc trực tiếp tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu để xác minh những thông tin liên quan.
Báo điện tử Giáo dục sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.