Người dân cả nước vẫn chưa hết bức xúc, bàng hoàng bởi vụ gian lận điểm với quy mô quá lớn trong một kỳ thi trung học cấp quốc gia.
Số điểm được gian lận lên đến 27 điểm và rất nhiều người được hưởng khống mức 20 điểm.
Ở những kỳ thi có tính chất quan trọng như thế, các thí sinh chỉ cần xê xích nhau 0.5đ đã ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau.
Có 28 trên tổng số 64 thí sinh gian lận điểm thi tại Hòa Bình nộp hồ sơ sơ tuyển vào các trường công an. (Ảnh: VTV) |
Người đàng hoàng bước vào cổng trường đại học, người lại vĩnh viễn rời xa giảng đường để lao vào một cuộc mưu sinh nào đó.
Chỉ 0.5đ một cuộc đời đã thay đổi, một ước mơ đẹp khép lại, một bầu nhiệt huyết bỗng lịm tắt…
Và cũng chỉ 0.5đ thôi thì một tương lai sáng lạn mở ra, một cuộc đời mới sẽ được bắt đầu với bao dự định, bao hoài bão tốt đẹp.
Vậy mà những kẻ bất lương kia lại bắt tay nhau đẩy ra bên lề hàng chục mảnh đời lẽ ra họ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp nhất sau khi đã bỏ ra bao nhiêu năm trời công sức rèn luyện, phấn đấu để đưa những kẻ không xứng đáng vào thế chỗ.
Khi mọi chuyện đã được phơi bày, được đưa ra ánh sáng, những kẻ thế chỗ ấy cũng đã được trả về vị trí ban đầu.
Thế nhưng hàng chục người bị đánh cắp ước mơ vẫn không được trả lại cái vị trí vốn là của họ, vị trí mà họ xứng đáng được nhận.
Có nhiều thí sinh gian lận điểm thi ở Hòa Bình nhập học các trường công an |
Tại sao không ai lên tiếng để trả công bằng cho chính những em học sinh giỏi ấy?
Trong khi hàng chục em phải từ bỏ ước mơ, có em nào vì gia cảnh quá nghèo (quyết tâm học để thi an ninh, quân đội để tiếp tục vào giảng đường) mà nay bị thế chỗ đã phải từ bỏ giảng đường đại học vì gia đình không thể có tiền đóng học phí?
Có em nào phải lăn lộn ngoài đời mưu sinh, đã có ai buộc phải học cái nghề mình không yêu thích để rồi chán nản buông xuôi?
Trừng phạt kẻ gian dối nhưng phải trả lại vị trí cho những ước mơ bị đánh cắp là điều nên làm, cần phải làm mới là sự công bằng.
Chúng tôi từng bị đánh cắp ước mơ
Chúng tôi cũng đã từng thiếu 0.5đ để đàng hoàng bước chân vào cổng trường đại học thực hiện ước mơ trở thành những giáo viên dạy văn.
Cũng chỉ vì thiếu 0.5đ mà nhiều người đành phải từ bỏ ước mơ để rẽ sang một con đường hoàn toàn khác.
Ngành giáo lúc ấy, đã mất đi một số thầy cô giáo giỏi, giàu tâm huyết và buộc phải đón về những con người khiếm khuyết hơn.
Đó là năm 1987, lớp chuyên văn của tôi lúc ấy có khá nhiều học sinh chọn thi vào một trường đại học sư phạm của tinh.
Ngày báo điểm, khoảng 5 người trong lớp tôi đạt số điểm 14 (điểm khá cao của thời bấy giờ). Một trường đại học ở tỉnh nhỏ, chúng tôi tin chắc mình sẽ đậu.
Ấy vậy mà khi công bố điểm chuẩn, ai cũng bị thiếu 0.5đ so với điểm chuẩn của trường lấy vào.
Ai có thể biến 0,45 điểm thành 27 điểm? |
Điều lạ là, những trường danh tiếng như Trường Đại học Luật, Đại học sư phạm Hà Nội khi ấy cũng chỉ lấy điểm chuẩn 11.5 và 12đ.
Nhiều trường đại học khác cũng chỉ có mức điểm trúng tuyển 13-14đ.
Thời ấy, thi trường nào biết trường đó, chỉ có một nguyện vọng duy nhất (mặc dù cả nước thi chung một đề).
Tôi và những người bạn của mình không thực hiện được ước mơ trở thành những giáo viên dạy văn.
Cô bạn của tôi (học văn rất giỏi) phải đi học kế toán và xin vào làm kế toán cho một trường học.
Một số người bạn khác đi học nghề và làm công việc chẳng liên quan gì đến nghề giáo.
Thậm chí có bạn ở lại quê làm ruộng vì cha mẹ nghèo không có điều kiện cho ôn tập để thi lại.
Sau này, chúng tôi biết được, ngôi trường mình từng đăng ký thi vào có nhiều nghi án chạy điểm cho con nhà giàu. Có lẽ vì thế mà những người học thực chất như chúng tôi bị đánh bật.
Ngoài việc chạy điểm, con một số cán bộ, con của người có tiền còn chạy hộ khẩu.
Thời đó, ai có hộ khẩu miền núi được cộng 2 điểm. Thế là không ít gia đình thi nhau đưa con lên miền núi vào những tháng cuối cùng trước khi kết thúc một năm học.
Bạn tôi không thể trở thành kế toán giỏi vì thiếu niềm đam mê. Bạn chỉ làm tròn phận sự của một nhân viên kế toán.
Trong khi bằng tài năng của bạn, bằng lòng yêu nghề, bạn chắc chắn sẽ là một giáo viên dạy văn rất giỏi.
Ngược lại, những kẻ thế chân bạn tôi lại không thể trở thành giáo viên giỏi khi năng lực thực sự quá yếu.
Người đánh cắp ước mơ và cả những người bị đánh cắp đều thất bại trong công việc của chính mình.
Làm rõ sai phạm mua bán điểm, trả học sinh gian lận về địa phương là việc nên làm. Nhưng những học sinh vô tội bị cướp ước mơ, ai sẽ trả lại công bằng cho các em?