Bộ trưởng… buồn!

13/06/2015 07:48
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) -Tại sao người ta lại nêu nhận xét về người Việt, rằng “một người có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hai người làm thì kém?”.

"Nhà thầu Trung Quốc trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn, do đó rất mong mọi người chia sẻ". Phát biểu trên của Bộ trưởng Đinh La Thăng được một số báo trích dẫn. [1]

Ẩn sâu phía sau câu nói ấy, không phải là nước mắt mà là một sự day dứt, một nỗi buồn, một mong muốn được “mọi người chia sẻ”.

Thế mới biết, làm Bộ trưởng, để hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước, nhân dân giao phó đâu có dễ. Đâu có như một vài vị quan chức khác, cứ lấy nguyên văn một phần báo cáo cũ chép sang là thành báo cáo mới, miễn là ngày tháng phải thay đổi cho phù hợp.

Là người dân, đâu có được đọc, đâu có biết những uẩn khúc bên trong “hiệp định vay vốn” như Bộ trưởng Thăng, thế nên có lẽ Bộ trưởng nên thông cảm khi bị ai đó nhắn tin “đe dọa” [2], chắc là họ bức xúc lắm nên mới làm thế chứ trong tâm, họ vẫn là người Việt yêu nước và có lý trí.

Chắc chắn khi gặp mặt Bộ trưởng, họ sẽ không làm như họ nói, người viết tin là như vậy.

Mọi người đều biết đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, như vậy hiệp định vay vốn phải được ký kết trước đó, khi Bộ trưởng Thăng còn chưa làm Bộ trưởng.

Câu hỏi không khó để ai cũng có thể nêu lên là việc chọn “Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém” là trách nhiệm của ai? Họ vẫn đang làm việc hay đã vui thú điền viên?

Có những người, sau khi “hưu” vẫn rất “trí”, vẫn góp nhiều tiếng nói cho dân, cho nước như ông Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Minh Thuyết… 

Vậy tại sao một số người người, xách chiếc cặp số nhẹ tênh về hưu lại đang tâm dồn đoàn tàu cả trăm tấn lên vai người kế nhiệm là Bộ trưởng Thăng, lại quên cả tình đồng chí, khiến cho ông Thăng bị “đe dọa”?

Sao họ lại tôn trọng quyền “im lặng” của chính mình đến thế, sao họ không giúp ông Thăng giải thích để bà con thông cảm, rằng lỗi không phải do Bộ trưởng cũ, cũng không phải do Bộ trưởng mới là ông Đinh La Thăng mà do một cái gì đó rất khó định hình mà dân gian quen gọi là “cơ chế”. Vì nó hiện hữu, vì nó có tác động rõ ràng đến tất cả các bộ nên phải tạm đặt tên cho “cái vô hình” đó  là “Bộ Cơ Chế”.

Có điều, dù khen ông Thăng, dù muốn “bênh” ông Thăng cũng không thể không nêu cho ông mấy câu hỏi:

Thứ nhất: Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, đến năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán và tổng mức đầu tư dự kiến phải điều chỉnh tăng thêm hơn 300 triệu USD.

Đấy là do “người cũ” không biết tính toán hay do “người ta” đã thừa biết từ trước khi “ăn ốc”, rằng sẽ có người “đổ vỏ”? Bộ trưởng buộc phải chấp nhận “quýt làm, cam chịu” hay cần phải một phen làm rõ trắng đen?

Ở trên đời đội “mũ cối” hay đội “mũ phớt” đều dễ, chỉ có chân đất, đầu trần là khó?

Thứ hai: Sự đội vốn đầu tư nếu không do “cơ chế” thì có thể quy trách nhiệm được không? Nếu “quy” được, liệu Bộ trưởng Thăng có nên công khai cho người đóng thuế biết danh tính?

Thứ ba: không thể thay thế nhà thầu do hiệp định, nhưng không thực hiện đúng hợp đồng cũng không được phạt nặng có phải cũng được ghi rõ trong "hiệp định”? Nếu không thì tại sao không thể phạt thật nặng bên vi phạm, phải chăng do “cơ chế” không cho phép phạt?

Thứ tư: Bộ trưởng có chuẩn bị những phương án dự phòng nếu trong tương lai, còn những hợp đồng hàng nghìn  tỷ trong lĩnh vực giao thông mà các nhà thầu nước ngoài (trong đó có các nhà thầu Trung Quốc) đăng ký tham gia?

Thứ năm: Đối với các nhà thầu trong nước, có cần phải xem xét năng lực và cả yếu tố đạo đức nghề nghiệp không? Vì sao Bộ Giao thông Vận tải lại chọn nhà thầu làm cầu treo dân sinh để đến nỗi báo chí phải than phiền: "Anh hùng lao động dọa đánh gãy răng phóng viên”? [3]

Thứ sáu: Về vấn đề trạm thu phí đường bộ, nhiều báo, đặc biệt là bài trên báo Lao động trích ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

“Đã xây sai quy định thì không thể bắt dân phải đóng phí. Tương tự là các trạm thu phí đang thu phí oan của người dân, không đi trên tuyến đường đó mà vẫn phải đóng thì cũng phải điều chỉnh ngay.

Đây là việc phải làm ngay lập tức vì nó xảy ra ở không ít nơi. Còn chuyện thu phí oan, thu sai thì phải điều chỉnh ngay”.

Công nhân Công ty Shilla Bags đình công đòi quyền... đi vệ sinh (ảnh: Báo Lao động)
Công nhân Công ty Shilla Bags đình công đòi quyền... đi vệ sinh (ảnh: Báo Lao động)

Sai hay đúng người viết không dám lạm bàn, chỉ có điều người viết rất dị ứng với câu nói “đúng quy trình, quy định” mà Cổng Thông tin điện tử Quý Bộ viết ngày 22/5/2015, rằng :“Việc thành lập các trạm thu phí đối với các dự án BOT trên các tuyến quốc lộ đã tuân thủ đúng quy định”.

Chắc Bộ trưởng cũng biết chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng việc lấp sông Đồng Nai là “đúng quy trình, quy định”, UBND Thừa Thiên-Huế dự định cho thuê đất trên đèo Hải Vân là “đúng quy trình, quy định”…

Nếu mà chịu khó thống kê thì có hàng trăm, mà biết đâu có thể là hàng ngàn vụ việc đang diễn ra “đúng quy trình”, “đúng quy định”, chỉ mỗi cái không đúng…quy luật!

Mong rằng từ nay trở đi, “đúng quy trình, quy định” không phải là cái “thuẫn” mà ngành Giao thông sử dụng để chống lại cái “mâu” của truyền thông, của công luận.

Trở lại chuyện “thay thế nhà thầu Trung Quốc” vì năng lực yếu kém, có lẽ không chỉ trong phạm vi ngành Giao Thông, mà gần như toàn bộ nền kinh tế nước ta đang “có vấn đề” với người hàng xóm lắm mưu, nhiều thủ đoạn này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát Nông nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đều lo lắng về nền nông nghiệp nước nhà, vì sao dưa hấu, thanh long và nhiều hàng nông sản khác chất đống trong xe ở cửa khẩu đến mức thối phải đổ đi?

Bộ Công Thương chắc không lạ gì hàng loạt nhà máy xi- măng lò đứng công nghệ Trung Quốc, Bộ Tài nguyên Môi trường thì đã có kinh nghiệm đầy mình sau vụ xả thải của Vedan, vụ năm người Trung Quốc khai thác quặng, bị phạt 75 triệu đồng ở Huế.

Câu hỏi cũng phải đặt ra với Hải quan, Biên phòng, Công an khi bbc.com/vietnamese ngày 09/06/2015 nêu câu hỏi: “Có hay không nền kinh tế ngầm với TQ?”.

Bài báo trích ý kiến ông Bùi Kiến Thành: "Quản lý nhà nước thế nào mà để hàng chục nghìn tấn than đá từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tàu ngoài biển mà hải quan hay biên phòng không thấy được?

Những chuyện đó hiển nhiên nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước biết, nhưng không có những động thái cứng rắn.

Xin nói thêm rằng bản thân người viết, nhiều năm trước đứng trên ngọn hải đăng trên đảo Vĩnh Thực, nhìn xuống vịnh biển hẹp phía dưới, những chiếc xuồng cao tốc chạy từ chân núi ra kiểm tra xà lan chở than chỉ mất chừng năm mười phút là lại lui về chân núi “phục kích”, còn xà lan làm luật xong là ung dung thẳng tiến sang vùng biển của Trung Quốc rồi.

Chắc chắn không thiếu dẫn chứng về hoạt động của Bộ, ngành khác, nhưng mà tại sao chỉ mới thấy Bộ trưởng Thăng… buồn trong khi chuyện “đếm trứng, thu phí” khiến cả Quốc hội phải “cười vui vẻ”?

Lại còn chuyện gần nghìn công nhân buồn… “đi nặng, đi nhẹ” đến nỗi phải đình công ở Công ty Shilla Bags.[4] Giá như người lao động thấy Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cũng buồn như Bộ trưởng Giao thông thì đâu đến nỗi công nhân phải đình công để đòi cái quyền cơ bản mà tạo hóa đã sinh ra như vậy?

Sao người lao động Việt Nam, làm việc trên quê hương mình mà lại bị đối xử như thế? Các vị Bộ trưởng, những đại biểu làm luật cho dân nghỉ họp từ 9 rưỡi sáng có hiểu phải nhịn cái nhu cầu không thể nhịn ấy để làm việc là thế nào không?

Nhưng một câu hỏi nghiêm túc cần đặt ra, liệu đã đến lúc sửa Luật Lao động 2012 để thêm vào luật “quyền đi vệ sinh” của người lao động, để không còn chuyện Bộ nói “vi phạm nhân quyền”; quận, huyện nói “không sai”? [4]

Tại sao người ta lại nêu nhận xét về người Việt, rằng “một người có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hai người làm thì kém?”.

Hình như hiện nay, mỗi Bộ vẫn là một ốc đảo, một tiếng nói chung của các Bộ trưởng trong kinh tế đối ngoại, trong chỉ đạo điều hành có lẽ vẫn là điều xa vời, hay là có sự e ngại khi hai bộ trưởng phối hợp làm việc thì lại là “hai người Việt”?

Liệu có nên thành lập một Bộ mới lấy tên là “Bộ phối hợp hành động” để thực hiện khẩu hiệu “hỡi hai vị Bộ trưởng, hãy chung tay vì khát vọng Việt”?

Xem ra đề xuất này khó khả thi vì dù có được thành lập nhưng quyền lực không vượt qua được “Bộ Cơ chế” thì sự việc rồi vẫn đâu vào đấy.

Và câu chuyện Bộ trưởng … buồn! liệu bao giờ sẽ chấm dứt?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/bo-truong-thang-khong-the-thay-nha-thau-trung-quoc-do-rang-buoc-vay-von-3231224.html

[2] http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/toi-nhan-duoc-ca-tin-nhan-de-doa-vi-mua-tau-trung-quoc-a97775.html

[3] http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Anh-hung-lao-dong-doa-danh-gay-rang-phong-vien-post158962.gd

[4] http://laodong.com.vn/phong-su/cong-nhan-dinh-cong-doi-quyen-di-ve-sinh-339981.bld

XUÂN DƯƠNG