Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề hoạt động cầm hơi

08/08/2017 07:06
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Do quy mô, số lượng học viên giảm nên các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở nhiều tỉnh đã và đang rơi vào cảnh "sống dở, chết dở".

LTS: Nhằm phản ánh tình trạng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả “sống dở, chết dở” của các Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở một số tỉnh lẻ như hiện nay, tác giả Sông Trà đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về thực trạng đáng buồn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi huyện, quận trong cả nước đều có một Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề (tiền thân là trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp), được hình thành và phát triển từ cách đây khoảng 20 năm. 

Có thể nói, trong một thời gian dài, các trung tâm có vai trò và đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân (học hệ bổ túc, học nghề) nhằm nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Hình ảnh minh họa các học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa thiết bị điện tử (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Hình ảnh minh họa các học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa thiết bị điện tử (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Tuy nhiên, những năm gần đây, quy mô, số lượng học viên đã bị giảm, nhiều trường lớp, ngành nghề khác được mở ra, các Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở những tỉnh lẻ như: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa đã và đang rơi vào tình trạng hoạt động “sống dở, chết dở”.  

Tỉnh Quảng Nam hiện có 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, 5 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và 8 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề được chuyển giao từ Sở Giáo dục và Đào tạo về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý từ năm 2014. 

Từ năm 2012 đến nay, hầu hết các trung tâm hoạt động theo kiểu cầm chừng và không còn hiệu quả. Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề huyện Núi Thành có 2 cơ sở, nhưng 2 năm học vừa qua không tổ chức được lớp học hay lớp dạy nghề nào.
 
Tình cảnh của Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề huyện Tiên Phước nhiều năm qua cũng chẳng khá hơn. 

Do không hoạt động nên phòng ốc cửa đóng then cài, bụi và mạng nhện bao phủ bàn ghế, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa. Hiện nay, trung tâm chỉ tập trung vào “cái đuôi”, tức là dạy nghề cho lao động nông thôn. 

Trước việc hoạt động theo kiểu cầm chừng của các Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề, đã có nhiều biện pháp được đưa ra như: mở các lớp ngoại ngữ, tin học nhằm nâng cao nguồn thu, song tình hình cũng không mấy khả quan khi nhu cầu học các lớp này gần như đã bão hòa. 

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Quảng Nam, ở các trung tâm hiện có tổng số 149 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó 115 biên chế, 14 hợp đồng theo Nghị định 68 và 20 hợp đồng khác. Số cán bộ quản lý là 27, giáo viên là 58 (53 biên chế) và nhân viên là 64 (35 biên chế). 

Vì, các trung tâm hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả do nguồn tuyển sinh không ổn định, kém bền vững, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp. 

Kinh phí hoạt động của trung tâm chủ yếu từ ngân sách nhà nước bằng phương thức thực hiện ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo với các phòng chuyên môn của địa phương.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề hoạt động cầm hơi ảnh 2

Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

Từ đó, đã dẫn đến lãng phí bộ máy, biên chế và ngân sách. Trả lời báo chí gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho biết:  

Chủ trương sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề là hợp lý, nhất là phần lớn các trung tâm trong thời gian qua “sống không ra sống”.

Vì vậy, lộ trình triển khai thực hiện đến cuối tháng 6, ngoại trừ một số trung tâm còn vướng việc tổ chức giảng dạy thì có thể kéo dài đến tháng 7.

Đừng nên kéo dài thời gian thực hiện, bởi hiện nay các thầy, cô giáo ở các trung tâm đều mong muốn sớm giải quyết, bố trí công việc để họ an tâm công tác”, ông Trần Đình Tùng nhấn mạnh. 

Từ năm 2015, các Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở tỉnh Quảng Ngãi cũng được giao về cho các huyện, thành phố quản lý phần con người và kinh phí, còn về chuyên môn vẫn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi giám sát để hoạt động hiệu quả hơn. 

Dù có nhiều chỉ đạo của ngành chức năng sau sắp xếp, sáp nhập, nhưng hiện nay phần lớn các Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nếu như một số Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề ở các huyện đồng bằng, cán bộ, giáo viên làm không hết việc vì có số lượng học sinh, học viên tương đối đông, phải hợp đồng thêm giáo viên bên ngoài vào dạy, thì các trung tâm ở huyện miền núi, hải đảo, cán bộ, giáo viên phải hoạt động cầm chừng, do nguồn tuyển (học văn hóa, học nghề nông thôn) rất khan hiếm. 

Giám đốc trung tâm huyện Sơn Hà, Đinh Văn Thành cho hay: “Sau khi sáp nhập đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Công tác giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề nông thôn... đều thiếu học viên. 

Năm 2017, trung tâm chỉ có khoảng 20 em đến học văn hóa, không có học viên đăng ký học nghề nông thôn...”. 
Nguyên nhân theo ông Thành, với vùng cao, học sinh đầu vào bậc trung học phổ thông chỉ xét tuyển, có năm còn thiếu chỉ tiêu, nên không có học sinh theo học giáo dục thường xuyên.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề hoạt động cầm hơi ảnh 3

Nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh có thể đi học nghề hoặc trung cấp

Về đào tạo nghề nông thôn, hiện không có giáo viên cơ hữu, trung tâm phải hợp đồng với cán bộ Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sơn Hà đến dạy nên hiện các hoạt động tại đây đều cầm chừng. 

Trung tâm có 8 phòng chức năng, 2 nhà xưởng, thiết bị phục vụ cho học nghề mộc, may mặc, xây dựng, cơ khí... đang để lãng phí. Đây cũng là thực trạng chung ở các huyện miền núi trong tỉnh và cả huyện trung du Nghĩa Hành”, ông Thành chia sẻ. (Báo Quảng Ngãi) 

Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đau đầu về tình trạng lãng phí cơ sở vật chất và nguồn lực diễn ra hàng loạt Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh. 

Mặc dù, đã được Nhà nước và địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm cho công tác dạy và học, nhưng hiện nay nhiều trung tâm vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, ngày càng có ít học sinh đăng ký học.  

Địa phương này đang khẩn trương xây dựng đề án sát nhập các trung tâm công lập cấp huyện để trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, sớm triển khai thực hiện. 

Hy vọng, với việc sát nhập các trung tâm sẽ mở ra hướng phát triển mới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trung tâm, đáp ứng nhu cầu học tập và học nghề của các em học sinh, phá vỡ được thế khó, thế bí hiện nay. 

SÔNG TRÀ