“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa!

26/05/2017 06:34
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Ngành sư phạm hình như đang “xuống giá” khi chạy theo số lượng, đào tạo xong rồi bỏ ngỏ, để sinh viên tự “bơi” trong “biển người” thất nghiệp.

LTS: Ngẫm về nghề dạy học, thầy giáo Lê Xuân Chiến cho rằng câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Bởi vì việc đào tạo ngành sư phạm còn nhiều yếu kém, chất lượng đầu vào thấp, cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan... khiến nhiều người không thiết tha chọn nghề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi còn nhớ hồi còn học trung học, lần đầu tiên tôi nghe một thầy giáo lớn tuổi nói đùa về cái nghề của mình bằng câu: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, qua loa Sư phạm” và “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Thầy không phủ nhận cái danh dự nghề giáo nhưng thầy trải lòng rằng, bất đắc dĩ người ta mới chọn học ngành sư phạm, vì nghề giáo nghèo.

Trải qua 20 năm tôi theo con đường mà thầy bảo là thầy “lỡ chọn”, tôi thấy đúng như vậy, làm nhà giáo chân chính ít có ai giàu, cùng lắm thì kha khá, nếu biết tằn tiện, tiết kiệm.

Tất nhiên, cũng có những giáo viên dạy thêm, thậm chí dùng mọi “chiêu” để dụ, ép học sinh học thêm, lấy dạy thêm làm phương tiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Những giáo viên này khá giả hẳn, có người xây được nhà lầu, tậu được xe hơi.
 
Hiện nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống giáo viên tuy chưa cao như mong đợi nhưng nhìn chung tương đối ổn định, không đến nỗi nào thiếu trước hụt sau, chật vật như các thầy cô công tác giai đoạn những năm 80, 90.

Thế nhưng hiện nay, sau bao nhiêu năm, cái câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa phản ánh thực trạng đầu vào của ngành sư phạm.

Ngành sư phạm không được nhiều học sinh giỏi lựa chọn. (Ảnh minh họa: zing.vn)
Ngành sư phạm không được nhiều học sinh giỏi lựa chọn. (Ảnh minh họa: zing.vn)

Chuyện bất đắc dĩ mới vào sư phạm vẫn là sự thật. Ai không có khả năng vào các ngành “hot”, ngành dễ kiếm việc làm, có thu nhập cao thì mới vào trường sư phạm. 

Ngành sư phạm hình như đang “xuống giá” khi chạy theo số lượng, đào tạo xong rồi bỏ ngỏ, để sinh viên tự “bơi” trong “biển người” thất nghiệp.

Cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều, thật lãng phí chi phí đào tạo của nhà nước và nhân dân.

Trong khi đó, trường sư phạm, trường đại học có ngành sư phạm mở ra ngày càng nhiều.

Với đặc thù là đào tạo người thầy, lẽ ra ngành sư phạm phải là một trong những ngành có điểm tuyển đầu vào cao nhất, thì những năm gần đây có xu hướng ngược lại, chất lượng đầu vào một số trường sư phạm rất thấp.

Để trường hoạt động được thì phải đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Thế là các trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm địa phương phải tuyển đầu vào bằng điểm sàn, thậm chí dưới điểm sàn, tuyển sinh bằng mọi giá.

Một cử nhân ra trường chất lượng sẽ ra sao khi điểm đầu vào đại học một số ngành chỉ 9 - 10 điểm/ 3 môn. Vậy nếu được cộng điểm ưu tiên từ 0.5 - 2 điểm thì thí sinh cần mỗi môn từ 2.5 - 3 điểm là trúng tuyển.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa! ảnh 2

Vì sao cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều?

Học lực 2.5 - 3 điểm/ môn, sau 4 năm đào tạo, ra làm thầy, đứng trên bục giảng, thật đáng lo ngại cho chất lượng đội ngũ giáo viên trẻ sau này.

Mặc dù điểm đầu vào thấp nhưng điểm tốt nghiệp của họ rất cao.

Đây là “lợi thế’ mà một số trường sư phạm địa phương cố tình “can thiệp” để sinh viên trường mình ra trường có cơ hội “cạnh tranh” trong xét tuyển viên chức.

Đây cũng là một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số trường sư phạm địa phương.

Mặc dù ngành sư phạm được miễn học phí, nhưng chế độ ưu tiên đó vẫn chưa thực sự thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Học phí không phải là vấn đề tiên quyết, vấn đề là ra trường dễ có việc làm hay không, thu nhập thế nào.

Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Tất nhiên giỏi chưa đủ, người thầy là “kỹ sư tâm hồn”, phải có phẩm chất đạo đức tốt.

Yếu tố xét tuyển đầu vào của các trường sư phạm hiện nay chưa quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa! ảnh 3

Hàng ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp do trường nào đào tạo?

Thí sinh có hạnh kiểm của 3 năm học (lớp 10, 11, 12) trung học phổ thông đạt từ loại khá trở lên, đó là tiêu chuẩn hạnh kiểm để xét tuyển vào ngành sư phạm hiện nay.

Vấn đề là tại sao không chỉ tuyển thí sinh có hạnh kiểm loại tốt, để học sinh nào có hướng vào sư phạm thì phải lo rèn luyện hạnh kiểm ngay từ khi còn trên ghế trường phổ thông?

Điểm chuẩn đầu vào đã thấp, tiêu chí hạnh kiểm chấp nhận loại khá, e rằng như vậy là thiếu tính sàng lọc trong xét tuyển đầu vào đối với ngành sư phạm.

Đó là chưa kể những tiêu chí về ngoại hình, giọng nói... thường bị bỏ qua trong xét tuyển vào ngành vốn mang tính đặc thù này.

Khi có sự cố trong giáo dục nhà trường, chúng ta thường phàn nàn về năng lực, phẩm chất nhà giáo nhưng chúng ta ít quan tâm, đầu tư đúng mức, sàng lọc đầu vào trong tuyển sinh ngành sư phạm.

Hiện cử nhân sư phạm tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều do đào tạo tràn lan, vượt quá xa nhu cầu thực tế.

Đã đến lúc các trường sư phạm cần phải chuyển hướng đào tạo chất lượng cao, sản phẩm đào tạo phải tinh túy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Chẳng hạn, hiện nay đang có xu thế đào tạo giáo viên trung học phổ thông dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh để dạy tại các trường trung học phổ thông chuyên, trường quốc tế, trường trung học chất lượng cao.

Đó là sự hội nhập, nâng tầm giáo dục Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, cần chất lượng đầu vào rất cao.

Hội nhập với nền giáo dục hiện đại thế giới cần có chiến lược thu hút người giỏi, người có tiềm năng vào ngành sư phạm.

Không chỉ miễn học phí mà đào tạo phải gắn với sử dụng, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập đối với nhà giáo; không chỉ giảm sâu chỉ tiêu đào tạo mà phải sắp xếp tinh gọn, sàng lọc hệ thống các trường sư phạm trên cả nước.

Lê Xuân Chiến