Không thể hình dung nổi đây là cơ cấu tổ chức của một trường Đại học

01/08/2017 06:36
THANH XUÂN
(GDVN) - Với tình trạng "vô chính phủ" công khai (không Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị...), Bộ Giáo dục có cho phép Đại học Chu Văn An tiếp tục tuyển sinh năm 2017?

Ai đang đẩy Đại học Chu Văn An đến bờ vực thẳm? 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài của các phóng viên Xuân Quang và Trình Phúc về hoạt động của lãnh đạo Đại học Chu Văn An, Hưng Yên, trong đó có đề cập đến phát ngôn của vị Bí thư Đảng ủy trường này.

Về những lùm xùm tại ngôi trường này, từ năm 2010 đã có rất nhiều bài đăng trên các báo có uy tín, xin trích dẫn một số bài theo thứ tự thời gian:

“Những bất thường ở Trường Đại học Chu Văn An”. (Tienphong.vn 18/6/2010)

“Lãnh đạo Trường ĐH Chu Văn An sử dụng bằng cấp bất minh”. (Anninhthudo.vn 16/7/2013)

“Lãnh đạo trường Đại học Chu Văn An bị tố cáo sử dụng bằng tiến sĩ "rởm"”. (Baotintuc.vn 19/7/2013)

“Mất dân chủ ở Trường đại học Chu Văn An”. (Nhandan.com.vn 11/8/2013)

“Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo “chui”?”.  (Vietnamnet.vn 22/1/2014)

“Liên thông “liều” ”. (Thanhnien.vn 8/11/2014)

…..

Có thể thấy bảy năm trước báo chí đã lên tiếng về những điều phi giáo dục xảy ra tại một cơ sở giáo dục là Đại học Chu Văn An, đặc biệt là bài đăng trên báo điện tử Nhandan.com.vn ngày 11/8/2013. Vậy tại sao cho đến nay vụ việc vẫn không được giải quyết?

Trách nhiệm không chỉ thuộc về các cá nhân đầu tư vào trường mà còn liên quan đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương, đến chức năng quản lý nhà nước theo luật định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền tỉnh Hưng Yên.

Trước hết, nói về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chức năng quản lý nhà nước theo luật định.

Khoản 1 điều 14 Luật Giáo dục Đại học “Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện” quy định trường đại học bắt buộc phải có:

a) Hội đồng trường;

b) Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng, trường Đại học; Giám đốc, Phó giám đốc học viện;

c) Phòng, ban chức năng;

d) Khoa, bộ môn; tổ chức khoa học và công nghệ;

đ) Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

e) Phân hiệu (nếu có);

g) Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.

Căn cứ vào điều 4 Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg về “Quản lý nhà nước đối với trường đại học tư thục” thì: “Trường Đại học tư thục chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý các trường đại học tư thục trên địa bàn”.

Như vậy những gì liên quan đến “giáo dục và đào tạo” chỉ do duy nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, chính quyền địa phương không can dự vào lĩnh vực này.

Mặt khác theo quy định tại khoản 2 điều 15 Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg thì:

Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng Quản trị đề cử theo nguyên tắc bỏ phiếu kín với quá nửa số phiếu tán thành, được Đại hội đồng cổ đông thông qua và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở ra quyết định công nhận.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Quản trị có thể tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm Hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất”.

Đến đây có thể thấy sự chồng chéo thể hiện rất rõ nét qua các quy định của Luật Giáo dục đại học văn bản dưới luật là Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tuân thủ luật, nghĩa là phải đảm bảo các đại học có Hiệu trưởng (theo khoản 1 điều 14 Luật Giáo dục Đại học), nhưng Hiệu trưởng các đại học tư thục lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở ra quyết định công nhận, đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể can thiệp vào việc công nhận hay không công nhận Hiệu trưởng.

Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo "bó tay" trước hiện trạng Đại học Chu Văn An suốt 5 năm không có Hiệu trưởng?

Không thể hình dung nổi đây là cơ cấu tổ chức của một trường Đại học ảnh 1

Bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường chưa được công nhận ở Việt Nam

Việc tồn tại một đại học suốt 5 năm không có Hiệu trưởng thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo hay tỉnh Hưng Yên? Hay cả hai?

Vấn đề thứ hai cũng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người tốt nghiệp các khóa đào tạo tại cơ sở giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản thanh tra số 816/KL-BGDĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ngày 19/9/2014 - xác nhận Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Chu Văn An, ông Dương Phan Cường dùng bằng tiến sĩ không được công nhận tại Việt Nam, song Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề quyết liệt trong việc yêu cầu chính quyền tỉnh Hưng Yên miễn nhiệm chức Hiệu phó của ông này.

Không những thế cho đến nay Bộ cũng không có ý kiến gì về việc nhiều văn bằng, chứng chỉ cấp cho sinh viên trường Đại học Chu Văn An lại có chữ ký của vị lãnh đạo với học vị “tiến sĩ” không được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam.

Nói theo ngôn ngữ pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công nhận hàng loạt bằng cấp được ký bởi một người mạo danh tiến sĩ?

Đại học Chu Văn An nhiều năm không có Hiệu trưởng (Ảnh: Xuân Quang).
Đại học Chu Văn An nhiều năm không có Hiệu trưởng (Ảnh: Xuân Quang).

Cần phải nhấn mạnh, rằng quản lý việc cấp bằng cử nhân, kỹ sư cho người tốt nghiệp đại học là chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải chính quyền địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đặt trụ sở.

Mong Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Nếu các chuyên viên Vụ Đại học, Thanh tra Bộ hoặc Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng dành chừng 5 phút duyệt qua các mục trên website của trường này sẽ thấy tất cả các mục giới thiệu về bộ máy tổ chức nhà trường (Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu, phòng ban, đội ngũ cán bộ,…) đều trống rỗng.

Với tình trạng "vô chính phủ" công khai như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có cho phép Đại học Chu Văn An tiếp tục tuyển sinh năm 2017?

Từ sự việc tại Đại học Chu Văn An liệu có nên đặt câu hỏi những cơ quan liên quan đã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước theo luật định?

Nếu chưa thì do lỗi của người đứng đầu hay do bộ phận tham mưu?

Thứ hai, về trách nhiệm của chính quyền tỉnh Hưng Yên.

Theo các quy định hiện hành“Trường Đại học tư thục chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở”.

Quản lý theo lãnh thổ nghĩa là quản lý đất đai, con người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…

Cũng theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Đại học ngoài công lập đặt trụ sở có quyền cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị nhà trường.

Như vậy không thể nói lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên suốt bảy năm qua (tính từ năm 2010 khi xuất hiện bài báo trên Tienphong.vn) không nắm được tình hình tại Đại học Chu Văn An.

Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên website cvauni.edu.vn.
Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên website cvauni.edu.vn.

Là cấp chính quyền được giao nhiệm vụ quản lý nhân sự và hoạt động của Đại học ngoài công lập trên địa bàn, cũng là cấp nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo từ các cổ đông Đại học Chu Văn An, nhận được đề nghị từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong văn bản 816/KL-BGDĐT từ ngày 19/9/2014:

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên quan tâm, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trường Đại học Chu Văn An và các cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận nội dung tố cáo, giúp trường sớm ổn định và phát triển”.

Vậy gần ba năm qua chính quyền tỉnh này đã làm gì để “giúp trường sớm ổn định và phát triển”?

Cho đến khi loạt bài của các phóng viên Xuân Quang - Trình Phúc lên báo, tình trạng “vô chính phủ” vẫn tồn tại và chưa biết khi nào Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền mà luật pháp quy định.

Không thể hình dung nổi đây là cơ cấu tổ chức của một trường Đại học ảnh 4

Chủ tịch bị phế truất ký lung tung, dọa giải thể Đại học Chu Văn An

Công nhận hoặc không công nhận Hiệu trưởng thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, nếu lãnh đạo tỉnh Hưng Yên kiên quyết, Đại học Chu Văn An không thể suốt 5 năm không có Hiệu trưởng.

Mặt khác, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận một Hiệu phó Đại học Chu Văn An dùng bằng tiến sĩ không hợp chuẩn thì cách thức xử lý của Ủy ban nhân dân tỉnh với ông Cường như thế nào?

Liệu có phải Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ có thẩm quyền với Hiệu trưởng mà không có thẩm quyền với chức danh Hiệu phó mặc dù các văn bản dưới luật đã quy định Hiệu phó Đại học cũng phải hội đủ các tiêu chuẩn như Hiệu trưởng.

Luật cũng quy định rất rõ về công khai tài chính, về việc họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông,… nhưng khi Đại học Chu Văn An không thực hiện suốt 5 năm qua vì sao Ủy ban nhân dân tỉnh không có chế tài mạnh mẽ bắt buộc những cá nhân liên quan phải nghiêm túc thực hiện?

Liệu có phải do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên không có thời gian quan tâm, không có người thực hiện hay còn vì nguyên nhân nào khác?

Đặt giả thiết các đương sự đã từng gửi đơn thư tố cáo tới các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Hưng Yên đưa vụ việc ra tòa hành chính thì bên nào sẽ thắng kiện?

Vấn đề thứ ba là vai trò tổ chức Đảng trong trường ngoài công lập.

Theo bài viết của các phóng viên Xuân Quang - Trinh Phúc, ông Dương Phan Cường là Bí thư Đảng ủy Đại học Chu Văn An.

Chưa xét về lý, chỉ nói về tình người, liệu một Bí thư Đảng ủy có nên xử sự theo cách cấm không cho thành viên sáng lập (vẫn sở hữu cổ phần) vào trường làm việc?

Là Bí thư Đảng ủy đương nhiên đương sự phải tuân thủ quy định do Trung ương công bố tại Quy định Số: 47-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”

Xin ghi lại ba trong số 19 quy định trong văn bản số 47-QĐTW:

8- Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.

11- Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi.

15- Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định.

Chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Nhà nước, cơ quan, đơn vị tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định.

Thành ủy thành phố Hưng Yên - đơn vị quản lý trực tiếp Đảng bộ Đại học Chu Văn An có biết những điều xảy ra tại trường này mà hàng loạt bài báo đã phản ảnh?

Đặc biệt khi báo Nhân dân, cơ quan của Trung ương Đảng đã có bài viết từ năm 2013 nhưng vì sao vì sao Thành Ủy Hưng Yên chưa có ý kiến?

Một Đảng viên, lại là Bí thư Đảng ủy sử dụng văn bằng mà báo Anninhthudo.vn gọi là “bất minh”, còn báo Tin tức (Baotintuc.vn gọi là “bằng tiến sĩ rởm” nhưng vẫn nghiễm nhiên tại vị có đúng với quy định trong Điều lệ Đảng, có phải đi ngược với quy định những điều đảng viên không được làm?

Xin không nói đến vai trò, tính chiến đấu của các đảng viên trong đảng bộ Đại học Chu Văn An vì tất cả đều là người làm thuê cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên không một ý kiến nào của các đảng viên trong Đảng bộ cất lên để bảo vệ lẽ phải liệu có cho thấy tổ chức Đảng tại Đại học Chu Văn An đã làm tròn trách nhiệm?

Người viết cho rằng những “bùng nhùng” đang tồn tại ở Đại học Chu Văn An, kéo dài trong nhiều năm chậm được khắc phục có phần trách nhiệm của cả ba cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Thành Ủy thành phố Hưng Yên.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, người viết mong mỏi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét vai trò, trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan kể cả khi những người này đã nghỉ hưu.

Mặt khác, trong trường hợp vì những lý do nào đó Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên không thể giải quyết dứt khoát những vấn đề báo chí đề cập, các bên liên quan nên nhờ tòa án giải quyết, ở đây bao gồm hai nhóm vấn đề, quyền và lợi ích hợp pháp giữa các cổ đông với nhau là tòa dân sự, cách thức xử lý vụ việc giữa công dân với chính quyền là tòa hành chính.

THANH XUÂN