PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị cần sửa ngay một số nội dung các Luật về giáo dục

11/08/2016 07:13
Thùy Linh
(GDVN) - Để đưa Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vào cuộc sống thì cần sớm điều chỉnh lại một số nội dung ở các Luật về giáo dục.

LTS: Trong văn bản Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi Bộ Giáo dục và đào tạo có nêu: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới mà Hiệp hội đề nghị về cơ bản trùng với khung mà lần 2 Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia để đưa Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vào cuộc sống thì cần sớm điều chỉnh lại một số nội dung ở các Luật về giáo dục. 

Để làm rõ vấn đề này, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

PV: Để khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới đi vào thực tiễn, theo PGS, Luật giáo dục cần điều chỉnh cụ thể như thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Về Luật Giáo dục 2009 cần: 

Thứ nhất, viết lại Điều 4 (Hệ thống giáo dục quốc dân) với các nội dung như sau:

- Hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục chính quy (Formal Education), giáo dục không chính quy (Non-formal Education) và giáo dục phi chính quy (Informal Education). Các cơ sở giáo dục được quyền cung cấp một hoặc tất cả các phương thức giáo dục trên.

- Giáo dục chính quy bao gồm các cấp độ học/ đào tạo sau: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học bậc thấp (tách thành 2 luồng: trung học cơ sở và sơ học nghề), giáo dục trung học bậc cao (tách thành 2 luồng : trung học phổ thông và trung học nghề), giáo dục đại học (bao gồm các trình độ: cao đẳng , đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; với 2 luồng: hàn lâm và chuyên nghiệp) 

- Có thể phân chia thành các lĩnh vực (sector) giáo dục: Giáo dục phổ thông (bao gồm: giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ), giáo dục nghề (bao gồm: đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề), giáo dục đại học hoặc giáo dục sau trung học (phân luồng theo 2 hướng: hàn lâm (academic) và chuyên nghiệp (professional), giáo dục thường xuyên (bao gồm giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy)

Sơ đồ hệ thống giáo dục quốc gia do Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người kiến nghị (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Sơ đồ hệ thống giáo dục quốc gia do Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người kiến nghị (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Thứ hai, nội dung của các Mục 3 (giáo dục nghề nghiệp), Mục 4 (giáo dục đại học) và Mục 5 (giáo dục thường xuyên) cần được điều chỉnh cho phù hợp với nội dung Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới đã được mô tả ở Điều 4.

Theo PGS.TS, Luật giáo dục Đại học có cần điều chỉnh gì nữa không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ : Về Luật Giáo dục Đại học 2013 cần: 

Bổ sung việc phân thành 2 luồng (hàn lâm và chuyên nghiệp) ở tất cả các trình độ đào tạo trong bậc giáo dục đại học vào Khoản 1 Điều 36 (Chương trình, giáo trình giáo dục đại học), tương tự như ở Điều 4 Nghị định 141/2913/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.

Vậy còn Luật giáo dục nghề nghiệp thì sao, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ:
Về Luật Giáo dục nghề nghiệp cần sửa nhiều nội dung: 

Thứ nhất, đề nghị sửa tên Luật thành “Luật Giáo dục nghề"; không dùng thuật ngữ mập mờ “nghề nghiệp".

Thứ hai, bổ sung vào các Điều 4,5, 32, 33, 34, 38 các khái niệm về “trung học nghề", "trường trung học nghề". Khẳng định trung học nghề nhằm đào tạo người học cả theo trình độ học vấn, cả theo trình độ tay nghề, còn sơ cấp và trung cấp chỉ gắn với trình độ tay nghề, do đó chủ yếu có liên quan đến đào tạo nghề ngắn hạn (thuộc phạm trù giáo dục thường xuyên).

Thứ ba, bỏ các Điều 76 và 77 vì vi phạm thô bạo đến các Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Thùy Linh