LTS: Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở nên báo động. Điều này khiến chính những phụ huynh cũng cần nhìn lại để hướng đến một nền giáo dục dạy thật - học thật - thành tích thật.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về vấn đề này.
Vợ chồng Tr. làm kinh doanh, ở thành phố, cả tuần có khi không ăn được bữa cơm chung cả nhà; việc học tập của cu Tũn đều giao hết cho cô giúp việc, gia sư và …nhà trường.
Có dịp đón con gặp cô chủ nhiệm, lễ tết, Tr. đều gửi quà biếu cô. Tr. bảo, em là “phụ huynh của năm”, luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Tũn (tên gọi thân mật ở nhà) năm nào, kì nào cũng nhận được giấy khen, vợ chồng Tr. yên tâm lắm.
Vừa rồi, đọc báo thấy 42/43 học sinh giỏi trong một lớp, người ta nói “điểm ảo”. Tr. lo lắm, nhờ giáo viên uy tín “khảo sát chất lượng” con trai; cô giáo phỏng vấn, kiểm tra kĩ năng đọc, đọc hiểu, viết, tính toán… phán Tũn chưa… “đạt chuẩn”!
Những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh). |
Mọi giấy khen của Tũn, trước đây Tr. khoe trên Facebook như một niềm tự hào, đều được xóa sạch, Tr sợ mấy cái giấy khen lắm rồi.
Đã đến lúc phụ huynh phải “biết sợ” trước “thành tích ảo” của con mình. Những con điểm không đánh giá đúng năng lực của con mình, thực chất đang làm chúng ta ngộ nhận, say sưa trong men chiến thắng, chết lúc nào không hay.
Khi người học, người dạy chạy theo điểm số tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu cực, mua, bán điểm; xin, cho điểm.
Học sinh phải có điểm cao bằng mọi giá, nên học tủ, quay cóp, gian lận; để có kết quả bộ môn cao, giáo viên nâng điểm, cấy điểm; phân công học sinh làm nhiệm vụ “tỏa sáng” cho bạn chép bài, đảm bảo cả lớp cùng đạt điểm cao.
Chuyện những giáo viên “gà bài” kiểm tra ở lớp học thêm; phân biệt đối xử, trù dập, dồn ép học sinh không đi học thêm, không phải là cá biệt.
Năng lực học tập tốt, có thể đạt điểm cao; điểm cao chưa chắc do học tốt. Đừng lấy “con điểm” làm thước đo năng lực của con cái; đừng chạy điểm, xin điểm, quà cáp, đổi chác, mua điểm, tạo “tiền đề dối trá” cho con mình vào đời.
Làm sao hạn chế được nạn điểm ảo?
Đầu tiên phải bắt đầu từ phụ huynh; phụ huynh phải hiểu được con mình “dốt” mà được khen, khen đó là “Khen cho nó chết”.
Những ngôi trường, giáo viên mà “Khen cho nó chết”, ngôi trường không tốt, giáo viên không tốt.
Khi phụ huynh không có cầu “điểm ảo”, tự dưng “cung điểm ảo” sẽ mất dần.
Về phía nhà trường, cần có “hệ thống giám sát chất lượng” khách quan. Đề kiểm tra phải bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Nếu đề trắc nghiệm cần có nhiều đề, đảo đề, ít nhất mỗi lớp có 6 đề khác nhau; thời gian kiểm tra, cố gắng sắp xếp được lịch kiểm tra đồng loạt, tránh lộ đề.
Giáo viên lớp này, chấm học sinh lớp khác. Vào điểm trên Vnedu, không giao cho giáo viên bộ môn, tránh cấy, sạ, nâng, sửa. Vào điểm xong, trả bài lại cho giáo viên, trả bài cho học sinh.
Đánh giá giáo viên, tuyệt đối không dựa vào chất lượng bộ môn. Nếu còn đánh giá chất lượng giáo viên dựa vào chất lượng bộ môn, điểm tổng kết chắc chắn “ảo tung chảo”.
Với giáo viên chủ nhiệm, cũng vậy, không đánh giá chất lượng dựa trên hai mặt giáo dục của lớp. Nếu cứ dựa vào điểm học sinh, “buộc” giáo viên chủ nhiệm phải “xin điểm” cho học trò. Xin qua, xin lại, dễ người, dễ mình, điểm học trò lại “lên mây”.
Dạy học, hướng đến sự phát triển năng lực cá nhân của học sinh, truyền cảm hứng cho học sinh tự học và sáng tạo.
Giaó viên, phụ huynh cần tôn trọng những giá trị khác biệt của học trò, đánh giá học trò dựa vào sự tiến bộ so với chính chúng, chứ đừng so sánh với “con nhà người ta”.
Giáo dục phải đi vào thực chất mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo những con người thực sự có năng lực, phẩm chất, vừa hồng vừa chuyên; đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ngày càng cao trong thời đại 4.0 hiện nay.
Đã đến lúc cả xã hội cần chung tay “xử lý” vấn nạn chất lượng ảo, cuối mỗi năm học, cuối mỗi kì thi không còn “mưa điểm mười”, “mưa giấy khen”, “vỡ quỹ khuyến học”.
Trả lại thật thà, đừng gieo dối trá; chỉ riêng ngành giáo dục khó có thể làm được, cần sự chung tay đóng góp của cả xã hội.