Loạn phòng thi, thí sinh mang bài ra hành lang chép
Theo quan sát và những tài liệu phóng viên có được, kỳ thi chứng chỉ do nhiều trung tâm tổ chức vô cùng bát nháo.
Trở lại bài trước, sau khi đăng ký gói chống trượt, các thí sinh được hẹn lịch thi vào thứ 7 (ngày 6/4/2019). Địa điểm tại Trường Trung cấp tài chính Hà Nội.
Đến giờ thi, gần trăm thí sinh đổ về địa điểm trên. Có những khuôn mặt nhàu nhĩ lặn lội xuống Hà Nội để thi chứng chỉ.
Muôn hình vạn trạng dịch vụ ăn theo thi công chức, viên chức, muốn gì cũng có |
Ai cũng cần chứng chỉ và ai cũng biết nó quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp của họ.
Quan trọng hơn đối với kỳ thi này đã thi là đỗ. Quả là một dịp may hiếm có.
Thí sinh N.V.T lật đật cầm giấy tờ chạy xuống.
Gần 50 tuổi, anh T. đang là một cán bộ trong cơ quan nhà nước ở Yên Bái xuống thi với những người đáng tuổi con cháu.
Trong phòng thi anh T. cũng chép bài như ai.
Trước giờ thi, các thí sinh lố nhố, chen chúc trong một khoảng hành lang chật hẹp.
Câu chuyện vội vã của họ trao đổi trước giờ thi chủ yếu xoáy sâu vào một quan tâm chung: Liệu thi có đỗ không?
Một phụ nữ trẻ tuổi trấn an: "Em thi tiếng Anh ở trung tâm này rồi, hôm nay đi thi tin học. Đảm bảo thi đỗ mọi người yên tâm. Mình đóng gói chống trượt rồi mà".
Người phụ nữ này đang là giáo viên hợp đồng cần chứng chỉ để thi viên chức.
Ngoài hành lang cũng toàn những người có học thức làm nhiều công việc như giáo viên, bác sĩ, công an hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Danh sách thí sinh được niêm yết trước phòng thi. Vài thí sinh xúng xính váy vóc hớt hải chạy vào gặp giám thị:
"Chị đến muộn chưa kịp đăng ký. Em cho chị đăng ký thi tin kèm tiếng Anh nữa. Cho chị thi sớm chị còn về đón con".
Trước sự "nhiệt tình" của thí sinh, giám thị không thể làm ngơ. Mặc dù miệng nói hết thời gian đăng ký nhưng tay vẫn đánh máy tên thí sinh. Họ làm theo đúng kiểu "vơ bèo gạt tép" không bỏ sót một ai.
Như vậy nhiều thí sinh đến ngày thi chỉ cần đóng phí và đủ giấy tờ là có thể thi đàng hoàng như ai. Tất nhiên đừng nói đến chuyện ôn thi hay học hành với họ.
Thí sinh mang bài thi ra hành lang để chép, còn gì tiêu cực hơn được nữa? (Ảnh: Vũ Ninh) |
Giờ thi đã đến, giám thị tay xách nách mang nào đề thi, nào giấy thi kèm thêm tập giấy đăng ký cho những ai có nhu cầu đăng ký thi thêm.
Không gian phòng chật chội lại được nêm chặt bởi giám thị quyết định tập trung tất cả vào phòng thi để còn tranh thủ "tăng ca".
Số là sau khi thi tiếng Anh trung tâm còn tổ chức thi tin học. Một ca thi tin chưa đủ, phải hai ca mới đủ.
Cán bộ trung tâm và giám thị quyết định cho hết thí sinh thi một lượt để đẩy thời gian thi tin.
Âu cũng là điều các thí sinh mong muốn. Người thì bận đi làm, người thì bận đón con... Còn thi cử ai cũng biết là cho có lệ.
Một thí sinh nam tiết lộ: "Em cứ đến để thi thôi có người lo cho hết rồi. Họ bảo cứ đi thi bình thường không phải lo gì cả".
Chị H. hồ hởi ra vẻ "kinh nghiệm":
Video: Những người này mà thành công chức, viên chức thì sao đây? |
"Không phải lo gì đâu em ạ. Trước chị đi thi cũng dễ ấy mà. Toàn kiến thức cơ bản, không biết thì có bạn làm cho. Không sao đâu".
Nghe những lời này anh T. lúc bấy giờ mới trấn an được phần nào. Nhìn những khuôn mặt hớn hở, vui vẻ, đùa cợt và bát nháo, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Có thật đây là những viên chức, nhà giáo, cán bộ tương lai?
Phòng thi bát nháo, giám thị, thí sinh "tranh nhau" nói tạo thành một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.
Thí sinh mỉa mai giám thị: "Thi cử kiểu gì mà giấy thi còn in ngược như thế này".
Giám thị cũng chẳng vừa mỉa mai thí sinh: "Thôi nào mọi người tập trung làm đi. Toàn những viên chức chứ không phải học đinh đâu mà không làm được".
Quả thật tờ đề thi bị in ngược. Thay vì theo số thứ tự 1,2,3,4,5 thì tờ lại in thành 1,2,4,3,5.
Khi thi xong thí sinh bị yêu cầu nộp lại phiếu trắc nghiệm và đề thi để tránh lọt ra ngoài.
Thí sinh sử dụng điện thoại trong phòng thi để chép bài (Ảnh: Vũ Ninh) |
Thời gian thi ghi là 120 phút bao gồm 3 phần: đọc hiểu, viết và nghe. Nhưng khoảng phút thứ 40 giám thị đã sốt ruột:
"Bạn nào thi xong thì nộp bài khẩn trương để sang nói. Những ai thi tin thì ưu tiên nói trước để còn kịp giờ thi".
Giám thị sốt ruột, thí sinh cũng sốt ruột không kém. Cả phòng thi bỗng chốc ào lên như đợt sóng.
Người chép bài, người lấy điện thoại. Anh T. cũng chép bài, cũng hỏi bài như ai. Đến tầm này "liêm sỉ" quan trọng gì nữa.
Thí sinh tên G. ban đầu cũng giữ tự trọng của nghề giáo. Chị quyết tâm không chép bài, không hỏi bài và tư vấn rất nhiệt tình cho các thí sinh khác.
30 phút sau, chị là người đầu tiên lên bàn lấy điện thoại. Chị dùng điện thoại vào mạng để chép tài liệu. Một số thí sinh được tuồn đáp án vào trong, chia sẻ cho cả phòng.
Chút tự tôn cuối cùng của nhà giáo cũng gạt qua một bên, chị G. thều thào: "Cho mình xem với".
Thời gian thi chưa trôi qua được một nửa. Trong phòng thi người đứng, người ngồi, người chép bài, người dùng điện thoại.
Một số nam sinh đã chép xong bài ra ngoài hành lang...hút thuốc, gọi điện.
Nam sinh khác đặc biệt cẩn thận, mang đề thi và bài thi ra ngoài hành lang để chép và kiểm tra lại.
Nếu lần này chứng chỉ ghi trình độ giỏi thì có phải là hãnh diện lắm không?
Những chuyện bát nháo không chỉ diễn ra trong phòng thi tiếng Anh mà bên phòng thi tin học.
Nhiều thí sinh tiết lộ được giám thị làm bài cho:
"Thi tin dễ ấy mà, chỉ mấy cái word, excel cơ bản. Ai mà chẳng làm được".
Khoảng 10s sau chị này thú nhận:
"Chị có bạn làm cho". Người bạn đấy chính là giám thị phòng thi tin hôm đó.
Có phải giám thị không biết được những việc trên. Chả lẽ họ đui mù không thấy thí sinh chép bài, dùng điện thoại, mang bài ra hành lang chép.
Chả lẽ họ đui mù không biết tờ đề thi bị in ngược, đui mù khi xếp bàn san sát, nhồi nhét cho thi cả một lượt.
Họ biết chứ vì chính họ đưa ra lời khuyến khích: "Bạn nào biết thì bảo cho bạn bên cạnh cùng làm với. Cái này có ảnh hưởng đến ai đâu".
Nói xong đoạn giám thị lại ra hành lang dùng điện thoại. Phòng thi trở nên bát nháo người hỏi, người chép, người dùng điện thoại.
Sự "đồng lõa" của những người "tử tế"
Nếu không có buổi thi ngày hôm nay thì những chị G. anh T. và cả trăm thí sinh ở đây đều là những người "tử tế".
Bởi họ là những giáo viên, cán bộ, viên chức, công an, bác sĩ ...cơ mà. Không gian trở nên trầm lắng một chút bởi lời mỉa mai sâu cay của giám thị.
Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên |
Nhưng đến khi được "thả cửa" thì đúng rằng: Đến tầm này rồi liêm sỉ để làm gì nữa!
Chứng kiến cảnh những người tri thức đầy mình, địa vị trong xã hội cũng ngó lên, nhổm xuống, cũng giành nhau chép bài mà thấy tức cười và xót xa.
Nói về những kỳ thi chứng chỉ kiểu này, chắc hẳn các nhà quản lý từng rất kỳ vọng vào đội ngũ nhân viên, viên chức có năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Tuy nhiên nếu chứng kiến những kỳ thi kiểu này các nhà quản lý có suy nghĩ lại.
Xin được kể về một trường hợp giáo viên hợp đồng tại Ba Vì. Cô H. đã 20 năm công tác và hưởng mức lương 1,3 triệu đồng/ 1 tháng.
Dù biết có thi cũng sẽ trượt nhưng gần 1 tháng nay, ngày nào cô H. cũng nhờ con cháu bổ túc thêm vốn tiếng Anh.
Khi được hỏi vì sao cô không đăng ký các gói chống trượt, cô bảo rằng:
"Tôi không dạy cho học sinh của mình tính giả dối. Nếu mình không chứng minh được năng lực của mình.
Nếu mình đăng ký gói chống trượt như này thì tấm gương của người dạy sẽ mất đi trong mắt học trò. Khi đó thì kể cả có đỗ cũng nghĩa lý gì".
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và xã hội đã nhiều lần lên án tình trạng học giả, chứng chỉ thật rất tai hại.
Nhưng quả thực có chứng kiến quy mô cũng như số lượng người thi và các tổ chức kỳ thi kiểu này mới thấy nó như là một ung nhọt của kỳ thi viên chức.
Sẽ như thế nào nếu những giáo viên tương lai, viên chức tương lai lại dùng cách này để có một suất biên chế?
Điều đáng buồn là họ sẵn sàng gạt bỏ danh dự và sự tôn nghiêm sang một bên để đồng lõa với những hành vi tiêu cực, gian lận trong thi cử kiểu này.
Trở lại kỳ thi chứng chỉ nêu trên. Từ việc tổ chức cho đến cấp chứng chỉ cũng có rất nhiều vấn đề.
Thi xong là có bằng, hình ảnh một bằng đã được cấp. Ảnh Vũ Ninh |
Sau khi thi xong ngày thứ 7 chỉ sau 5 ngày thi sinh đã có trong tay những tấm chứng chỉ đỏ chót, có dấu, có tem đàng hoàng của Bộ về nộp bổ sung vào hồ sơ.
Người thu tiền, giám thị và người trả bằng đều là người của trung tâm. Liệu rằng các trường đại học như Trưng Vương, Đông Đô...có biết được nguồn gốc thực sự của các trung tâm kiểu này hay không?
Vì không chỉ có trung tâm mà nhiều cá nhân cũng lợi dụng danh nghĩa của trường cung cấp các gói chống trượt.
Nếu các trường đại học không biết những trung tâm kiểu này. Liệu đây có phải là những trung tâm ma, kỳ thi ma và các thí sinh đang bị lừa.
Vậy nào bằng, nào phôi, nào con dấu trung tâm lấy ở đâu?
Nhưng nếu đây là đối tác, trung tâm của trường thì các trường sẽ giải thích như thế nào về việc tổ chức thi, chấm điểm và cấp chứng chỉ bát nháo như hiện nay?
Mong rằng các cơ quan hữu quan sẽ vào cuộc mạnh mẽ để trả lại công bằng cho những người có năng lực và chứng minh được giá trị tốt đẹp mà kỳ thi viên chức này hướng đến.