Thầy Hoàng Vương hiến kế ngăn bạo lực học đường

07/04/2019 07:00
Ngô Ngọc Hoàng Vương
(GDVN) - Ngành Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là cán bộ quản lý, giáo viên, phải thấy rõ trọng trách của mình trước tình trạng bạo lực học đường.

LTS: Gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến hiện tượng được gọi là “bạo lực học đường”, đặc biệt là trong học sinh phổ thông.

Tại khoản 5, Điều 2, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP  quy định: “ Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

Các thông tin trên báo đài, các video clip được biết về hiện tượng vừa nói đã tạo nên sự lo lắng chung cho xã hội, nhất là nhà trường và các bậc phụ huynh.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng).

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Trách nhiệm và biện pháp giáo dục

“Các vụ án” nói riêng, tình hình vi phạm an ninh trật tự trường học nói chung, nếu đổ hết cho nhà trường là không phải nhưng nhà trường không thể không thấy rõ trách nhiệm của mình. 

Để xảy ra bạo lực học đường thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường mà cả gia đình. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Để xảy ra bạo lực học đường thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường mà cả gia đình. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ngành Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là cán bộ quản lý, giáo viên, phải thấy rõ trọng trách của mình trước tình trạng đó.

Mặc dù tỷ lệ phạm pháp, vi phạm nội quy của học sinh hiện nay là không cao, nhưng qua một số vụ việc vừa rồi, toàn ngành phải đặc biệt quan tâm, có những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn.

Giải pháp không chỉ đơn phương của ngành, của trường, của thầy cô giáo mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình và xã hội.

Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Biện pháp giáo dục, ngăn chặn, phối hợp của chúng ta cần phải phù hợp hơn nữa với diễn biến tình hình, nhất là trong việc nắm bắt tâm lí, tình cảm, hành vi của từng học sinh.

Như chúng ta cùng thống nhất, gia đình giữ vai trò hàng đầu trong việc nuôi dạy, theo dõi, giúp đỡ, giám sát con em.

Có đến hơn 70% thời gian các em sống trong sự quản lý của gia đình. Nếu gia đình quản lý, giáo dục, theo dõi, giúp đỡ tốt thì căn bản đứa trẻ sẽ có môi trường phát triển tốt, và ngược lại.

Việc một số gia đình “bó tay” với con em thường rơi vào một trong 3 trường hợp: hoặc là, đứa trẻ có tính khí thất thường; hoặc là, đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận; hoặc là, đứa trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc.

Các bậc cha mẹ trước khi tuyên bố “bó tay” với con cái hãy tự hỏi trách nhiệm, biện pháp của mình đến đâu, như thế nào, trục trặc ở khâu nào, cần sự tư vấn, giúp đỡ từ phía nào.

Nếu buông xuôi, “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội thì hiệu quả chắc chắn không cao. Gia đình phải là nơi đầu tiên (và có lẽ cuối cùng) gần gũi nhất, thuận lợi nhất để phát triển nhân cách.

Theo chúng tôi, biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục con cái đối với cha mẹ học sinh là: Dành thời gian quan tâm đến con cái, từ việc ăn ngủ, giờ giấc đến trường, đi chơi, bạn bè, yêu đương, sở thích, việc truy cập vào các trang mạng xã hội, tham gia các trò chơi trên internet...

Để vừa tạo điều kiện (trong khả năng) vừa điều chỉnh, giúp đỡ các em. Nên kiểm tra đột xuất các hoạt động của con em để đánh giá đúng tình hình, tránh việc ngộ nhận, chủ quan, bao che...

Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá

Kịp thời thông báo cho nhà trường những thay đổi khác thường trong tâm lí, sinh hoạt, việc học tập để có biện pháp phối hợp;

Thuyết phục nhưng kiên quyết với những đòi hỏi quá đáng về tiền bạc, mua sắm (xe máy, điện thoại đời mới...), ăn diện, sinh nhật, tiệc tùng...

Phải kiểm soát được việc tiêu tiền, vui chơi ngoài giờ của con cái; Đối với những con em đã có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm pháp luật (đánh nhau gây thương tích, vi phạm giao thông, trộm cắp...), gia đình không nên che đỡ mà phải phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lí, giáo dục đúng mức.

Hãy nắm bắt tâm tư tình cảm học sinh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm pháp luật có nguy cơ tiềm ẩn gia tăng.

Đó là về sự hạn chế trong việc nắm bắt tâm lý, diễn biến tình cảm và tư tưởng học sinh của những người làm công tác giáo dục, cũng như vai trò quản lý, giáo dục của các bậc phụ huynh.

Tâm lý, tình cảm và tư tưởng học sinh mỗi thời kỳ đều có sự chuyển biến khác nhau, cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là giai đoạn “nổi loạn” trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách của các em.

Em bị đánh hội đồng và cái giá của sự im lặng

Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ học sinh cách đây vài chục năm, do kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá và công nghệ thông tin phát triển nhanh.

Sai lầm của một số không ít người lớn (cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý) là vẫn nghĩ về các em như ngày thời chúng ta ngày thơ trẻ.

Cả tin và nghi ngại đều là hai hướng không phù hợp với các em hôm nay. Đã không hiểu đúng, không “đồng hành” cùng các em thì làm sao giáo dục!  Nghiêm trị thì sự việc đã xảy ra rồi!

Quan trọng là phải theo dõi, tiếp cận, nắm bắt để điều chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa...

Đặc biệt, một số các thầy cô giáo, do áp lực công việc, đã có lúc không theo kịp “tình hình”, không nắm bắt đúng diễn biến cụ thể trong từng hoàn cảnh cụ thể khác biệt của mỗi em để có biện pháp thoả đáng.

Ý thức được tầm quan trọng của sự kết nối nhà trường – gia đình và xã hội, thời gian qua, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình, nhiều mô hình, nhiều giải pháp mang tính khả thi.

Đặc biệt tập trung vào vấn đề an toàn trường học, bạo lực học đường, phòng tránh các vụ việc gây gổ, đánh nhau, sử dụng các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, các chất gây cháy nổ;

Ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông; phòng chống  ma tuý và tệ nạn xã hội xâm nhập học đường…

Ngô Ngọc Hoàng Vương