Thầy cô chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được bao nhiêu tiền?

14/06/2018 07:50
Thanh An
(GDVN) - Khi tham gia chấm tuyển sinh 10, giáo viên luôn phải tập trung cao độ nhưng chế độ chi trả cho giáo viên tham gia chấm thi tuyển sinh 10 hiện còn thấp.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc giáo viên đi chấm thi tuyển sinh lớp 10 hiện nay, thầy giáo Thanh An cho rằng việc chấm thi có áp lực lớn nhưng chế độ bồi dưỡng thấp.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngành giáo dục hiện nay có 2 kì thi được tổ chức với quy môn lớn là kì thi trung học phổ thông quốc gia và kì thi tuyển sinh 10.

Trong 2 kì thi này thì kì thi tuyển sinh 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Dù là kì thi do địa phương tổ chức nhưng lại có một vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn những em có học lực tốt nhất cho các trường trung học phổ thông.

Và, có thể nói rằng đây là kì thi có tính cạnh tranh nhiều nhất bởi đa phần các địa phương chỉ tuyển khoảng 60-75% thí sinh vào các trường công lập.

Chính vì vậy, việc chấm thi bao giờ cũng căng thẳng, đòi hỏi sự chính xác cao để đem lại sự công bằng cho thí sinh.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 có tính cạnh tranh cao. Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 có tính cạnh tranh cao. Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Vậy nên, khi tham gia chấm tuyển sinh 10 thì giáo viên luôn phải tập trung cao độ.

Tuy nhiên, chế độ chi trả cho giáo viên tham gia chấm thi tuyển sinh 10 hiện nay đang còn thấp.

Dẫn đến tình trạng khi bị Sở điều động thì nhiều giáo viên rất sợ, nhất là những giáo viên ở xa Hội đồng chấm thi.

Trong các môn thi, chấm Văn là căng thẳng nhất

Trong 3 môn học đang được nhiều địa phương áp dụng trong kì thi tuyển sinh 10 là Văn, Toán, Anh thì môn Văn là môn thi mà khi chấm bao giờ cũng lâu và căng thẳng nhất.

Nếu như môn Anh, Toán đang được kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm nên những đáp án bao giờ cũng ngắn gọn, rõ ràng, tường minh thì đáp án môn Văn là môn tự luận hoàn toàn nên bao giờ cũng gây ra tranh cãi sôi nổi ngay cả giữa các giáo viên tham gia chấm thi với nhau.

Vậy nên, trước khi chấm đại trà thì công việc thống nhất lại đáp án và chấm chung 10 bài thi cũng chiếm mất từ 1-2 ngày.

Thầy cô chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được bao nhiêu tiền? ảnh 2Nên có giáo viên trung học cơ sở tham gia chấm thi vào lớp 10

Vậy mà, khi bước vào chấm đại trà vẫn có rất nhiều tình huống xảy ra trên các bài thi của học trò.

Nhiều câu đúng nhưng diễn đạt theo cách khác, nhiều câu gần đúng, nhiều câu nói được vài cụm từ đúng sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau và cho điểm khác nhau giữa 2 giáo viên chấm bài.

Theo cách chấm hiện nay thì mỗi bài thi của thí sinh có 2 giáo viên chấm độc lập và không biết nhau, được bố trí ở 2 phòng riêng biệt.

Việc phân công từng cặp chấm với nhau được các tổ trưởng, tổ phó chấm thi phân công và không để lộ cho giám khảo biết trước.

Đầu tiên là giám khảo 1 chấm vòng đầu, các điểm số được ghi trên phiếu chấm điểm và không được để lại dấu vết gì trên bài thi học trò.

Giám khảo 2 sẽ chấm trực tiếp trên bài thi của học trò và kí tên vào bài thi.

Khi cả 2 chấm xong thì 2 giáo viên mới biết nhau và thống nhất điểm thi cho học trò.

Những câu thống nhất điểm số giữa 2 giám khảo thì giữ nguyên, những câu lệch điểm nhau thì thống nhất với nhau để ra điểm số cuối cùng.

Nhưng, vì môn Văn là môn “định tính” nên không mấy bài trùng điểm với nhau giữa 2 giáo viên chấm nên việc thống nhất để ra điểm chung cho bài thi thường chiếm một lượng lớn thời gian.

Nhiều cặp chấm với nhau phải thảo luận căng thẳng bởi mỗi người có quan điểm khác nhau và họ muốn giữ quan điểm của mình.

Căng thẳng là vậy bởi ai cũng muốn chấm làm sao để đem lại lợi thế nhất cho học trò.

Sự cẩu thả, tắc trách của người thầy có thể dẫn đến em này trượt, em kia trúng.

Nhất là môn Văn là môn nhân điểm hệ số 2. Chỉ cần lệch nhau 0,25 điểm là đồng nghĩa các em sẽ mất 0,5 điểm hoặc được tăng lên 0,5 điểm.

Trong khi, kì thi lại mang tính cạnh tranh khốc liệt nên chuyện các em phúc khảo lại bài là chuyện thường xảy ra.

Khi các em phúc khảo nếu điểm phúc khảo tương đương với điểm chấm lần đầu thì không sao nhưng nếu lệch điểm lớn thì phải về Sở để giải trình rất mệt mỏi và mất thời gian.

Vì thế, giám khảo môn Văn luôn phải căng mình để giữ cho cái đầu của mình tỉnh táo nhằm đưa ra những quyết định công bằng nhất.

Chế độ chi trả cho giáo viên chưa tương xứng

Thầy cô chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được bao nhiêu tiền? ảnh 3Bí mật của một Giám khảo 10 năm chấm thi

Một giáo viên đang công tác tại tỉnh miền Tây Nam Bộ chia sẻ với chúng tôi sau kì thi chấm tuyển sinh 10 như sau:

Ngày chấm thi cuối cùng, các giám khảo chấm thi kì thi tuyển sinh 10 của địa phương chúng tôi được các nhân viên kế toán của Sở đi đến từng bàn chi trả chế độ chấm bài.

Mỗi giám khảo được hơn 700 ngàn đồng sau 6 ngày chấm thi căng thẳng.

Dù vẫn biết chế độ được chi trả theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng đa phần giáo viên khi kí nhận tiền đều tỏ ra không vui.

Việc thành lập Hội đồng chấm thi của các Sở giáo dục bao giờ cũng đặt tại một đơn vị trường học ở trung tâm tỉnh lỵ.

Điều này cũng đồng nghĩa phần lớn giáo viên tham gia chấm thi là từ các huyện trong tỉnh về chấm.

Có người phải đi hàng trăm cây số đến địa điểm chấm thi, mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống, đi lại trong cả tuần trời chắc chắn là sẽ tốn hơn rất nhiều lần số tiền được nhận là hơn 700 ngàn đồng!

Bây giờ, một đĩa cơm bình dân ở thành phố ít nhất cũng phải 25.000 đồng, 1 ly nước cũng 15.000 đồng…

Thử hỏi, với chế độ được nhận và số tiền phải chi ra như thế thì làm sao giáo viên hứng khởi được?

Theo quy định hiện nay, đối với giáo viên đi công tác phải có khoảng cách trên 15 km, tính từ đơn vị công tác đến nơi đi công tác thì mới được thanh toán chế độ công tác phí.

Điều này cũng đồng nghĩa những giáo viên tham gia chấm thi mà công tác ở thành phố và các huyện lân cận chỉ có tiền chấm bài của Sở trả (hơn 100 ngàn đồng/ ngày).

Những giáo viên ở xa được một ít tiền công tác phí thì lại phải thuê phòng trọ để ở lại.

Vì thế, không đi chấm thi thì khỏe mà đi chấm thi thì vừa vất vả, căng thẳng vừa bị… lỗ nặng.

Kết thúc kì chấm thi, từng tổ chấm thi tổ chức sinh hoạt để tổng kết.

Thầy cô chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được bao nhiêu tiền? ảnh 4Nguyên tắc chấm thi trong kỳ thi quốc gia 2018

Trong vô vàn ý kiến đóng góp cho Sở thì có rất nhiều ý kiến của giáo viên đề nghị là Sở nên tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh là cần thay đổi chế độ chi trả chấm bài cho các giáo viên tham gia chấm thi.

Bởi Quyết định chi trả của Uỷ ban nhân dân tỉnh là 8000 đồng/1 bài/ 2 giáo viên chấm đã được ban hành cách nay quá lâu và bây giờ đã không còn phù hợp với thực tế.

Khi giáo viên được điều động tham gia chấm thi tuyển sinh 10, có lẽ ai cũng hiểu được trách nhiệm của mình đối với kì thi.

Giáo viên tham gia chấm cũng không đòi hỏi chế độ quá cao, quá nhiều bởi ai cũng hiểu đất nước, ngành giáo dục cũng còn nhiều khó khăn.

Nhưng, với giá cả hiện hành ở các thành phố thì mỗi ngày giáo viên được nhận hơn 100 ngàn đồng/ngày, liệu có đủ tiền xăng và ăn uống cho giáo viên từ nơi xa đến làm nhiệm vụ hay không?

Trong khi, áp lực công việc lại rất nặng nề. Thiết nghĩ, ngành giáo dục của các địa phương cũng cần tham mưu cho Uỷ ban tỉnh để chi trả làm sao cho giáo viên khi tham gia làm giám khảo không phải bù tiền sau mỗi lần Sở Giáo dục điều động đi chấm thi.

Thanh An