Theo quy định pháp luật: Phụ huynh và thí sinh mua điểm sẽ bị xử lý như thế nào?

10/05/2019 07:01
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong trường hợp thí sinh biết bố mẹ mình đưa hối lộ để nâng điểm và tham gia vào quá trình trên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Người sửa điểm thi bị khởi tố, người mua điểm không công khai danh tính

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố một số bị can để điều tra.

Tuy nhiên, việc khởi tố này mới chỉ đang dừng lại ở những người trực tiếp sửa điểm, còn những người hưởng lợi từ việc sửa điểm cũng cần phải được làm rõ.

Theo quy định pháp luật: Phụ huynh và thí sinh mua điểm sẽ bị xử lý như thế nào? ảnh 1Phải gạt mọi cán bộ, phụ huynh liên quan đến gian lận thi ra khỏi kỳ thi năm nay

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên công bố danh tính các học sinh gian lận, phụ huynh có con nâng điểm vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Điều này thực sự có thỏa đáng? Bởi ở đây các công dân 18 tuổi đều phải chịu trách nhiệm với từng hành vi của mình.

Hơn nữa trong Quy chế năm 2017 đã nêu rõ chế tài "tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm". Nếu không công bố thì làm sao có thể xử lý những thí sinh vi phạm?

Ngay tại tỉnh Hà Giang là địa phương có thí sinh được nâng điểm, nhiều giáo viên và học sinh cũng tỏ ra rất bất bình.

Cô N.T.V. hiệu trưởng của một trường Trung học Phổ thông tại Hà Giang cho biết:

"Từ câu chuyện gian lận trong thi cử xuất phát từ tỉnh tôi khiến những người làm giáo dục Hà Giang ai cũng cảm thấy xấu hổ.

Nhiều lúc nói chuyện với học sinh các em hỏi rất ngô nghê mà đau xót: Cô ơi! Trên mạng họ trêu chọc những câu như em phải đến Hà Giang để thi Đại học. Bọn em thấy họ nói như vậy cảm thấy rất xấu hổ.

Tôi cho rằng đây không chỉ là câu chuyện gian lận trong thi cử mà nó ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực của giáo dục vùng cao.

Thử hỏi những thí sinh được nâng điểm có thí sinh nào con gia đình nông dân không?

Các em ấy được bố mẹ dùng quyền lực và tiền tài để đưa lên một vị trí không xứng đáng với năng lực của mình.

Trong khi đó có rất nhiều học sinh của tôi gia đình nghèo, cố gắng và nỗ lực đi học, thi đại học lại chịu nhiều bất công.

Đây là câu chuyện của niềm tin và sự công bằng trong giáo dục nhất là công bằng đối với những học sinh nghèo".

Những lời trên là tiếng lòng của nhiều giáo viên đặc biệt là giáo viên tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La.

Với những thông tin trên các tờ báo chính thống, trong danh sách thí sinh được nâng điểm quả thực không có em nào con gia đình nghèo, gia đình nông dân cả.

Ấy vậy mặc dù việc gian lận thi cử diễn ra ở diện rộng, tới ba tỉnh, với số lượng lớn (hơn 220 thí sinh), gây bức xúc mạnh mẽ trong xã hội, nhưng việc công bố danh tính vẫn rất "ngập ngừng", với đủ lý do.

Chuyện trở nên hài hước hơn khi không chỉ các học sinh, mà danh tính bố mẹ các em - những người vi phạm - cũng được giữ kín. 

Cứ cho rằng các học sinh có thể không biết, nhưng tại sao lại phải che giấu danh tính cho các phụ huynh? Câu hỏi này được đặt ra suốt nhiều ngày qua mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo nhiều luật sư, cơ quan điều tra cần đưa ra những bằng chứng như lời khai, sự thừa nhận của các bên, tài liệu ghi nhận việc chuyển, nhận tiền, lợi ích phi vật chất, thỏa thuận trong nhận tiền, lợi ích phi vật chất để nâng điểm để xử lý đúng người, đúng tội.

Người sửa điểm bị truy tố, người mua điểm không công khai danh tính (Ảnh:nguoibaovequyenloi.com)
Người sửa điểm bị truy tố, người mua điểm không công khai danh tính (Ảnh:nguoibaovequyenloi.com)

Luật sư Quách Thành Lực cho biết:

"Những cá nhân đã bị  khởi tố điều điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La…

Có thông tin Cơ quan điều tra xác định Đỗ Mạnh Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc nâng điểm cho thí sinh,

Tuy nhiên đến nay, nhiều quan chức tỉnh Hòa Bình có thí sinh được nâng điểm vẫn chưa nhận trách nhiệm.

Ai cũng biết, ai cũng hiểu một người nếu không nhận được lợi ích vật chất, tinh thần hoặc những lợi ích khác thì sẽ không mạo hiểm thực hiện hành vi biết rõ là vi phạm để thay đổi điểm thi của các thí sinh".

Nếu theo đúng quy định của pháp luật thì phụ huynh và học sinh được nâng điểm sẽ bị xử lý như thế nào?

Nhiều độc giả băn khoăn: Theo các quy định của pháp luật, trong trường hợp thí sinh biết phụ huynh mua điểm cho mình thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Long, giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Dragon, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

"Trong vụ việc này, nếu các em học sinh biết về việc bố mẹ mình đưa hối lộ để được nâng điểm; cùng bàn bạc, tham gia vào quá trình đưa hối lộ thì có thể sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ với vai trò là đồng phạm (Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm – khoản 1 Điều 17 Bộ Luật hình sự năm 2015).

Nếu các em học sinh hoàn toàn không biết về việc mình được bố mẹ mua điểm, hoặc chỉ đơn thuần là biết mình được bố mẹ nhờ người nâng điểm mà không biết chi tiết, không biết nhờ ai, nhờ như thế nào thì không phải liên đới chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của bố mẹ mình".

Theo quy định pháp luật: Phụ huynh và thí sinh mua điểm sẽ bị xử lý như thế nào? ảnh 3Ai có thể làm dịu dư luận sau vụ tiêu cực điểm năm 2018 ở thời điểm hiện nay?

Điều 17 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Nếu chiếu theo quy định trên, thí sinh được nâng điểm có thể được xếp vào đối tượng: Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm bởi sẽ có thí sinh chủ động không làm bài vì biết trước được nâng điểm.

Không thể nói phụ huynh mua điểm và thí sinh được nâng điểm vô can trong vụ tiêu cực này được (Ảnh: VietNamNet.vn)
Không thể nói phụ huynh mua điểm và thí sinh được nâng điểm vô can trong vụ tiêu cực này được (Ảnh: VietNamNet.vn)

Vấn đề thứ 2: Hành vi của các phụ huynh xin hoặc mua chuộc, hối lộ để con được nâng điểm sẽ bị xử lý như thế nào?

Vấn đề này đã được luật sư Nguyễn Minh Long trả lời như sau:

"Năm 2018, việc gian lận điểm thi nghiêm trọng khiến nhiều cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, việc các cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét đến trách nhiệm của các vị phụ huynh có con được nâng điểm khiến cho việc xử lý tiêu cực trong ngành giáo dục chưa được triệt để và có nhiều khả năng bỏ lọt tội phạm.

Nếu cơ quan điều tra làm rõ có việc các phụ huynh đưa hoặc sẽ đưa bất kỳ lợi ích nào cho cán bộ có quyền hạn để thực hiện gian lận điểm thi thì hành vi của những phụ huynh này có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình sự:

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất".

Như vậy trong vụ việc này thí sinh và phụ huynh đều có những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Tất nhiên việc xử lý như thế nào còn phải đợi có kết luận của cơ quan điều tra. Không loại trừ một phương án xử lý hợp tình, hợp lý.

Nhưng không thể vì điều này mà không công bố danh tính phụ huynh có con được nâng điểm như hiện nay bởi luật hiện hành không cho phép.

Vũ Ninh