Liên quan đến gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 xảy ra tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình tính đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 16 bị can, xác định 222 học sinh được nâng điểm.
Chỉ còn hơn một tháng nữa diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn những người có liên đới đến gian lận điểm thi năm trước năm nay tiếp tục chỉ đạo, góp mặt trong thành phần tổ chức thi tuyển tại địa phương có đáng tin.
Vụ việc gian lận điểm thi xảy ra ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, các vị trưởng ban chỉ đạo thi đồng thời là lãnh đạo của những địa phương này đều khẳng định trước báo giới sẽ xử lý nghiêm những người có liên quan.
Ung nhọt gian lận thi cử 2018 đã bắt được mạch sao chưa cắt bỏ, công khai |
Vấn đề đặt ra, những người liên quan là lãnh đạo địa phương, trưởng ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia địa phương chẳng lẽ lại vô can, ngoài cuộc khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trên địa bàn.
Cụ thể, tại tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc điểm thi bất thường ở trong tỉnh.
Tuy vậy, đến nay, chưa thấy việc xử lý trách nhiệm của ông Quý trên các phương tiện thông tin đại chúng là gì.
Còn tỉnh Hòa Bình, chưa thấy ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 ở Hòa Bình nhận trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể là gì.
Tỉnh Hà Giang cũng vậy, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La cũng đã khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý những ai có sai phạm, tuyệt đối không có vùng cấm.
Nhưng không thấy ông nhận trách nhiệm và trách nhiệm của ông là gì khi kỳ thi mà ông là Trưởng ban chỉ đạo nhưng để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
Hay thông tin Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La thuộc diện nghi ngờ nằm trong danh sách có con được nâng điểm vẫn tham gia tập huấn thanh tra thi năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gây bức xúc dư luận.
Ba trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 để xảy ra sai phạm nghiêm trọng có thể tiếp tục làm trưởng ban kỳ thi năm nay. (Từ trái qua: Ông Trần Đức Quý, ông Bùi Văn Cửu, ông Phạm Văn Thủy) (Ảnh tổng hợp từ: Giaoduc.net.vn, báo Hòa Bình). |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Cao Đình Thưởng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Về mặt luật pháp, những Trưởng ban chỉ đạo thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 các tỉnh có liên quan đến gian lận thi cử như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình chưa có kết luận chính thức nhận trách nhiệm, kỷ luật ra sao.
Đến thời điểm thi quốc gia 2019, các ông đó vẫn là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách mảng văn hóa, xã hội tiếp tục được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo thi thi trung học phổ thông quốc gia năm nay là hợp lý.
Hợp lý, nhưng lại chưa hợp tình. Dư luận, người dân sẽ không tâm phục khẩu phục, bởi có điều gì đó thiếu tin tưởng nếu tiếp tục để những người liên quan đến gian lận kỳ thi năm trước năm nay vẫn giữ chức trưởng ban chỉ đạo thi.
Có thể kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, nhưng những hậu quả nặng nề của năm trước để lại sẽ khó tránh khỏi việc người dân đặt nghi ngờ.
Như tại Sơn La vừa rồi tôi cũng nắm được, vị Chánh thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La được cho là có con được nâng điểm vẫn đi tập huấn thi năm nay thì đâu có được.
Những trường hợp đó phải đình chỉ ngay, còn xử lý sau này như thế nào là câu chuyện khác của pháp luật”.
Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, phải khẩn trương làm rõ tất cả những phụ huynh có con được nâng điểm để xử lý thật nghiêm trả lời dư luận. Ảnh: Quốc hội. |
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đảm bảo công bằng, trong sạch kỳ thi quốc gia năm nay thì những người có dính líu, liên quan đến gian lận kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 phải gạt ra vì bất cứ lý do gì, bởi các địa phương không thiếu người.
Về ý kiến này, Đại biểu Cao Đình Thưởng khẳng định: “Những trường hợp có liên quan đến gian lận thi cử năm 2018, cũng như những phụ huynh thuộc diện nghi ngờ có con được nâng điểm không được phân công những người đó tham gia kỳ thi năm nay dưới bất cứ hình thức nào.
Đến thời điểm này chưa công khai danh tính những phụ huynh có con được nâng điểm kỳ thi năm 2018, nhưng đến thời điểm nào đó phải công khai để trả lời dư luận”.
Cũng theo đại biểu Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Cao Đình Thưởng, trong vụ việc gian lận thi cử năm 2018 gây bức xúc dư luận, đối tượng cần chia sẻ hơn là các thí sinh, còn phụ huynh của các em phải làm rõ liên quan đến đâu xử lý nghiêm đến đó.
Đại biểu Cao Đình Thưởng chỉ ra: “Có thể có những trường hợp, phụ huynh không chủ đích chỉ đạo hoặc tham gia vào việc nâng điểm cho con họ nhưng vì mối quan hệ khác, quan hệ cấp dưới, cấp trên…
Những trường hợp này phải xử lý như thế nào cũng phải căn cứ vào quy định pháp luật.
Như trường hợp ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang, ông bảo ông không nắm cũng không chỉ đạo nâng điểm cho con thì căn cứ nào xử lý”.
“Tôi cũng tham gia cuộc họp giữa Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Trong đó, có ý kiến của không ít người dân cho rằng phải công khai danh tính cả thí sinh và phụ huynh.
Nhưng có ý kiến cho rằng, nhân văn thì không công khai tên các em mà chỉ công khai phụ huynh.
Trong đó, lại phân ra phụ huynh nào chạy điểm bằng tiền, phụ huynh nào dùng quyền để gây áp lực nâng điểm, và trường hợp nào vô tình do quan hệ cấp dưới, cấp trên. Tất cả những trường hợp đó phải làm rõ để xử lý thật nghiêm”, Đại biểu Cao Đình Thưởng nói.
Để kỳ thi năm 2019 diễn ra nghiêm túc, Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng: “Trách nhiệm của người coi thi rất quan trọng, trách nhiệm của giám thị phải nâng cao, đặc biệt khâu quản lý coi thi.
Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi, cải tiến để hạn chế nhất tiêu cực như việc cử các trường đại học coi thi, chấm thi.
Khâu dễ để xảy ra tiêu cực nhất chính là khâu tổ chức thi. Khi đã thí sinh đã nộp bài, vào biên bản, niêm phong thì cơ bản đã kết thúc. Nhưng trong phòng thi, thí sinh thi thế nào, quan hệ giám thị với học sinh ra sao”.